Chữ Quốc ngữ (kỳ 1): Những giáo sĩ Tây phương góp công hình thành chữ Việt

Chữ Quốc ngữ, cũng như chữ Nôm, xuất hiện từ bao giờ và do ai nghĩ ra đầu tiên thì cho đến nay vẫn chưa có câu giải đáp. Có lẽ quốc ngữ được đặt ra khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, khi các giáo sĩ đến nước ta truyền đạo. Trải qua những biến động thăng trầm của thời gian và lịch sử, chữ Quốc ngữ vẫn tồn tại, trở thành biểu tượng của đất nước và dân tộc Việt Nam. Khám phá xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả loạt bài về lịch sử hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ.

Người ta chỉ có thể nói quốc ngữ là công trình tập thể của các giáo sĩ Tây phương (Bồ-đào-nha, Pháp, Ý, Tây-ban-nha vv.) đặt ra để tiện việc truyền giáo, ghi những điều giảng dạy, vì học chữ Hán hay chữ Nôm ít nhất phải mất ba, bốn năm trong khi học quốc ngữ chỉ vài ba tháng.

Sự hình thành và phát triển của quốc ngữ tạm chia ra 4 giai đoạn :

1. Thời kỳ phôi thai

Giáo sĩ Cristoforo Borri tới Ðàng Trong năm 1617, đến năm 1631 viết sách tường thuật việc truyền giáo, có ghi mấy dòng bằng quốc ngữ (không bỏ dấu, có lẽ vì in ở Pháp?) kể chuyện giáo sĩ Buzomi đến Ðàng Trong, một hôm đứng xem gánh hát chèo ngoài đường, thấy một anh hề độn bụng to tướng ra trước khán giả moi trong bụng ra một đứa bé và hỏi nó: "Con gnoo muon bau tlom laom Hoa Laom Chiam?” .

Giáo sĩ nhận ra những từ ngữ mà viên thông ngôn giúp việc giảng đạo vẫn dùng để hỏi những người muốn vào đạo, và phát hiện ra viên thông ngôn xưa nay đã dịch bậy khiến người ta tưởng “muốn vào đạo” với “muốn làm người Hòa-lan” là một. Từ đấy mới bắt sửa lại câu hỏi thành: "Muon bau dao Christiam Chiam?”.

Vì còn trong thời kỳ phôi thai, chưa đủ chữ dùng, các giáo sĩ cứ tùy tiện đặt thêm ra, nếu “bí”, không ngần ngại xen lẫn tiếng la-tinh hay tiếng Tây phương như Christiam. Chữ viết tuy chưa có lề lối nhưng đọc ta vẫn có thể đoán hiểu như : laom = làm, chiam = chăng.

Vì chữ quốc ngữ chưa đủ dùng nên năm 1620, muốn soạn một quyển sách, các giáo sĩ Dòng Tên (Compagnie de Jésus) vẫn phải dùng chữ Nôm.

Năm 1629, Gaspar d’Amaral tới Ðàng Ngoài truyền giáo. Trong một bản chép công thức rửa tội (1645) có ghi một dòng quốc ngữ cổ: "Tau rua mài nhân danh Cha và Con và Spirito Santo”. Amaral cũng là người đầu tiên soạn bộ từ điển Diccionario Anamito-Portugùes-Latin (Từ điển Việt-Bồ-La), song chưa kịp cho ấn hành thì mất.

Năm 1636, Antonio Barbosa đến Ðàng Ngoài và soạn Từ điển Bồ-Việt, cũng chưa được in.

2. Thời kỳ hình thành: Alexandre de Rhodes (1593-1660)

Giáo sĩ A. de Rhodes

Nói đến quốc ngữ là người ta nghĩ ngay đến A.de Rhodes, người Pháp, tu Dòng Tên. Năm 1624, A. de Rhodes định sang Nhật truyền giáo song lúc ấy Nhật đang đóng cửa ngoại giao nên đành cùng một số giáo sĩ khác đến Ðàng Trong. Năm 1627, tòa Thánh ủy thác cho ông dựng thêm cơ sở ở Ðàng Ngoài.

Lúc đầu ông được chúa Trịnh tiếp đón nồng hậu nhưng đến 1630, vì việc truyền giáo, ông bị trục xuất, phải đi Macao. Từ 1640, nhiều lần ông lén lút trở lại Việt-Nam giảng đạo, lúc ấy Ðàng Trong cũng cấm đạo rất ngặt. Năm 1645, ông bị kết án tử hình, sau được ân xá nhưng phải lập tức rời lãnh thổ Việt-Nam và từ đấy không trở lại nữa.

Năm 1651, A.de Rhodes viết xong quyển Lịch sử Vương quốc Ðàng Ngoài. Ông còn là người xuất bản hai quyển sách đầu tiên bằng quốc ngữ, in tại La-mã cũng vào năm 1651: Phép giảng 8 ngày (để dậy những kẻ muốn chịu phép rửa tội) và Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium lutsitanum). Ðể soạn cuốn từ điển này, ông đã dựa vào hai cuốn từ điển của A. Barbosa và G. Amaral.

Ta nhận thấy chữ quốc ngữ thời bấy giờ đã tạm đủ để phục vụ công cuộc truyền giáo, không còn phải xen lẫn tiếng la-tinh nữa. Cách viết khá giống với quốc ngữ hiện nay tuy còn là thứ văn áp dịch ngô nghê chứ chưa phải tiếng Việt nhuần nhuyễn.

Theo PV (Khám Phá)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/chu-quoc-ngu-ky-1-nhung-giao-si-tay-phuong-gop-cong-hinh-thanh-chu-viet-828624.html