Chủ tàu vỏ thép nằm bờ gần 3 năm qua ở Ninh Thuận: Cần có phương án xử lý

Ngân hàng Agribank chi nhánh Đông Mỹ Hải, Ninh Thuận đang phát mãi, đấu giá ngôi nhà (là tài sản đảm bảo) mà gia đình ngư dân Dương Văn Thắng đang ở tại khu phố 9, phường Mỹ Đông, TP. Phan Rang, Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Con tàu vỏ thép duy nhất tại Ninh Thuận nằm bờ gần 3 năm qua. Ảnh: PV

Con tàu vỏ thép duy nhất tại Ninh Thuận nằm bờ gần 3 năm qua. Ảnh: PV

Con tàu vỏ gỗ cuối cùng của gia đình ông Thắng là NT 90283 cũng bị phát mãi. Trước đó, một căn nhà khác hơn 1 tỉ đồng cũng “đội nón ra đi”. Tất cả những mất mát đó xuất phát từ con tàu vỏ thép nằm bờ hơn 2 năm qua. “Thời gian tới, tôi và vợ con phải lấy con tàu vỏ thép làm nhà tạm” - ông Thắng nói.

1 tháng mất 10 ngày “nuôi” tàu nằm bờ

Trong tổng số 41 dự án đóng mới theo NĐ 67, tỉnh Ninh Thuận có 1 dự án tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần NT 91234 do ngư dân Dương Văn Thắng làm chủ. Con tàu này trị giá 16 tỉ đồng (công suất 830 mã lực, dài 28m, rộng 8,2m), do Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh đóng theo thiết kế mẫu DV-02 của Bộ NNPTNT, hạ thủy vào ngày 24.12.2015.

Tháng 8.2016, sau 4 chuyến đưa tàu vào hoạt động, chủ tàu báo đều thua lỗ. Ông Thắng cho rằng, tàu quá rung lắc, không thể hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 5, mẫu thiết kế tàu không phù hợp với nghề dịch vụ hậu cầu (các tàu vỏ gỗ và tàu composite không thể cập vào để bán sản phẩm), tàu hoạt động bị vào nước...

Tàu muốn đằm và giảm lắc, ông Thắng phải đổ thêm nhiều khối nước mặn vào các ngăn trên tàu. Vì vậy, ông không đưa tàu vào hoạt động. Con tàu “án binh bất động” hơn 2 năm qua tại Cảng cá Cà Ná (huyện Thuận Nam). Từ 9.2016 - 7.2017, Trung tâm Đăng kiểm (Tổng cục Thủy sản), Trường Đại học Nha Trang, Nhà máy đóng tàu Cam Ranh... tổ chức 3 đợt kiểm tra thực tế để đánh giá chất lượng tàu.

Các đoàn này đều kết luận tàu được đóng đúng thiết kế mẫu, đóng đúng theo quy định của NĐ 67. Kiểm tra lần 1, đoàn kiểm tra thống nhất giao đơn vị thiết kế nghiên cứu phương án khắc phục giảm lắc và đơn vị thiết kế đã ra phương án gắn thêm vây giảm lắc.

Tuy nhiên, phương án này không được chủ tàu chấp thuận. Chủ tàu đề nghị xả thân tàu, làm cho đáy tàu bằng, mở rộng hông tàu để giảm lắc cho tàu. Dù tàu nằm bờ gần 3 năm qua, nhưng mỗi tháng ông Thắng phải bỏ ra vài triệu đồng bảo dưỡng.

“Mỗi tháng tôi mất 10 ngày để “nuôi” tàu (bơm nước ngọt, nổ máy khởi động, cọ rửa...), 20 ngày còn lại đi bạn tàu cá khác để kiếm sống qua ngày. Tôi mong các bộ, ngành, Chính phủ xem xét có ý kiến xử lý về con tàu của tôi” - ông Thắng tha thiết nói. Hiện, ngôi nhà và con tàu vỏ gỗ cuối cùng của ông Thắng bị phát mãi vì không có khả năng trả số nợ 600 triệu đồng vay vốn đi thu mua hải sản.

Có người tiếp nhận lại vướng quy định

Vừa qua, Ngân hàng Agribank chi nhánh Ninh Thuận đã tìm được đơn vị nhận chuyển nhượng tàu cá của ông Thắng. Đó là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phát Thuận (tỉnh lộ 703, thôn Phú Thuận, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận).

Tuy vậy, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó GĐ Ngân hàng Agribank chi nhánh Ninh Thuận cho biết, khách hàng này kiến nghị bàn giao khoản nợ vay theo giá trị còn lại của tàu cá, trang thiết bị, ngư lưới cụ... và phải được thẩm định giá. Agribank nhận thấy việc thực hiện Điều 7a: Cơ chế bàn giao nợ vay theo Thông tư số 12 (ngày 27.4) của Ngân hàng Nhà nước VN là hết sức khó khăn.

Theo cơ chế bàn giao trên, chủ tàu mới phải nhận bàn giao toàn bộ khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm cả nợ gốc quá hạn và lãi phát sinh mà chủ tàu cũ chưa trả cho ngân hàng cho vay trước thời điểm bàn giao.

Tại văn bản số 202 (ngày 8.8), ông Trần Quốc Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, khó tìm được tổ chức, cá nhân có nhu cầu chuyển nhượng theo quy định như trên.

Trong khi đó, ông Hưng kiến nghị bàn giao khoản nợ vay theo giá trị còn lại của tàu cá, trang thiết bị, ngư lưới cụ... sau khi trừ khấu hao tài sản; phần dư nợ chênh lệch đề nghị xử lý nợ theo điểm b, khoản 2, Điều 4, Nghị định 67: “Ngân hàng thương mại báo cáo Ngân hàng Nhà nước VN trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý từng trường hơp cụ thể”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Khắc Lâm - Phó GĐ Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận lắc đầu: “Con tàu này Chính phủ có ý kiến mới hướng xử lý được” - ông Lâm nói và đặt câu hỏi: Giữa các bên cứ “nói qua nói lại” nhưng bây giờ muốn thuê một đơn vị nào đó đánh giá độc lập mẫu tàu cá này thì là đơn vị nào, ai thuê và ai sẽ trả chi phí cho việc đánh giá đó?

Nhiệt Băng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/chu-tau-vo-thep-nam-bo-gan-3-nam-qua-o-ninh-thuan-can-co-phuong-an-xu-ly-630957.ldo