Chủ thu mua cà phê bất ngờ “mất tích” trong ngày cuối năm

Nhiều người dân cuống cuồng kéo đến đòi nợ, mới hay chủ thu mua cà phê đã "mất tích" bí ẩn với toàn bộ tài sản trong nhà và kho cà phê.

Theo tin tức trên báo Dân trí, chủ cơ sở trên là của bà Lê Thị T. và chồng là ông Nguyễn Văn N. (tại thôn Hàm Rồng, Ia Băng, Đăk Đoa, Gia Lai).

Trước đó, báo Tiền Phong đưa tin, sáng 31/12, hay tin đôi vợ chồng chủ cơ sở thu mua cà phê Tam Nam bỗng dưng “mất tích” khỏi địa phương. Hàng chục hộ dân ở các huyện Chư Sê, Đắk Đoa có ký gửi cà phê hoặc cho gia đình này mượn tiền, đã hoảng hốt kéo đến đòi nợ. Tuy nhiên, khi đến nơi mới hay tin cả gia đình chủ đại lý thu mua cà phê này không có ai ở nhà, gọi điện cũng không ai bắt máy, trong nhà hầu như không còn tài sản gì đáng giá.

Ông Nguyễn Văn Mậu (trú thôn Đoàn Kết, Chư Pơng, Chư Sê, Gia Lai) cho biết, cách đây khoảng 10 ngày, ông bán cho gia đình bà T. gần 3 tấn cà phê nhân với giá gần 120 triệu đồng. Chiều ngày 30/12, ông đến nhà bà T. lấy tiền thì được người phụ nữ này hẹn sáng 31/12 sẽ trả. Như lời hẹn, sáng nay ông Mậu đến nhà lấy nợ thì không thấy ai ở nhà, điện thoại thì không ai nghe máy. Ông Mậu hốt hoảng đi khắp làng tìm hỏi thì không ai biết gia đình này đi đâu.

Người dân bất ngờ vì chủ thu mua cà phê "mất tích" bí ẩn với 50 tấn cà phê. (Ảnh: Dân trí)

Chị Nguyễn Thị Nhung (27 tuổi, trú thôn Hàm Rồng) chia sẻ, chiều ngày 30/12, bà T. đến nhà chị mượn hơn 2,8 tấn cà phê nhân với lý do về trộn với cà phê nhân bị đen của bà để bán cho khách. Nghĩ tình làng xóm nên chị Nhung đã đồng ý cho bà này mượn. Đến sáng ngày 31/12, chị Nhung nghe tin bà T. bể nợ, đã bỏ trốn khỏi địa phương, chị vội chạy đến xem thì thấy nhà bà này “vườn không nhà trống”.

Theo các hộ dân, có người cho bà T. mượn cà phê, có hộ cho vay tiền, có hộ bán cà phê nhưng chưa nhận tiền. Chiều tối ngày 30/12 thì vợ chồng, con cái bà T. đều còn ở nhà, việc mua bán cà phê vẫn tấp nập diễn ra. Nhưng sáng hôm sau họ biến mất. Cà phê trong kho trống rỗng, tài sản không còn.

Hàng chục người dân tập trung tại nhà chủ thu mua cà phê Tam Nam. (Ảnh: Tiền Phong)

Ông Lê Viết Phẩm, Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa cho biết huyện đã chỉ đạo công an huyện vào cuộc xác minh, làm rõ vụ cơ sở thu mua cà phê Ta, Nam còn nợ rất nhiều tiền của dân nhưng bỗng “mất tích”.

Cũng theo ông Phẩm, chưa thể nói vụ việc có tính chất lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay không mà phải chờ kết quả xác minh của công an. Thống kê sơ bộ ban đầu thì số tiền chủ cơ sở thu mua này nợ người dân khoảng 500 triệu đồng và 50 tấn cà phê.

Ông Phạm Quý Thành- Chủ tịch UBND xã Ia Băng cho biết đã nắm được thông tin vụ việc. Xã đã cử lực lượng công an đến hiện trường ổn định trật tự, tránh tình trạng dân quá khích, làm mất an ninh. Hiện chưa có thống kê chính thức số nợ của bà T. đối với dân. Hiện xã đã yêu cầu bà con làm đơn trình báo để có hướng xử lý.

Theo điều 139 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì hành vi vi phạm nêu trên được quy định như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

(tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/chu-thu-mua-ca-phe-bat-ngo-mat-tich-trong-ngay-cuoi-nam-a176660.html