Chủ thuê bao nộp ảnh cá nhân:Trách nhiệm nhà mạng khi rò rỉ thông tin?

Quan điểm của luật sư cho rằng quy định chủ thuê bao phải nộp ảnh chân dung thì cũng phải quy định cả trách nhiệm bảo mật của nhà mạng

Ngày 24/4 tới là thời điểm hết hạn việc bổ sung thông tin thuê bao di động, trong đó có việc bổ sung ảnh chân dung “chính chủ” số điện thoại theo tinh thần của Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, từ ngày 24/4 tới, tất cả thuê bao di động đều phải có thông tin chính xác (họ và tên, CMND, ngày cấp và nơi cấp…) và cung cấp ảnh chụp chân dung của chủ thuê bao. Quy định này được đặt ra nhằm quản lý thuê bao di động chặt chẽ hơn, tránh tình trạng sim rác và giúp bảo vệ thông tin của khách hàng tốt hơn.

Tuy nhiên, nhìn vấn đề ở góc độ luật pháp, theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc yêu cầu nộp ảnh chính chủ thuê bao di động không phải là cách kiểm soát tốt thông tin về khách hàng, mà thực ra cũng không cần phải kiểm soát. Bản chất số điện thoại chỉ là phương tiện để liên lạc, phục vụ cuộc sống; liên quan đến vấn đề an ninh thì đã có cơ quan công an kiểm soát. Việc nhà mạng tham gia quản lý, kiểm soát là đang làm quá chức năng.

Theo luật sư Chi, với những thông tin, hình ảnh gắn trên Chứng minh thư hay Căn cước công dân để nhà mạng quản lý đối với chủ thuê bao là quá đủ. Bởi Chứng minh thư hay Căn cước công dân đều là những giấy tờ có giá trị pháp lý khi những giấy tờ đó vẫn còn hiệu lực, thì không lý gì người dùng lại phải cung cấp thêm ảnh chân dung thì mới đảm bảo. Quy định như vậy là vi phạm Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, mọi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh. Nếu người dùng không tự nguyện cung cấp mà bị bắt buộc là vi phạm luật.

Ở góc nhìn khác, Luật sư Nguyễn An (Công ty luật Cộng Đồng) cho rằng, người tiêu dùng phải cung cấp hình ảnh cá nhân để nhà mạng quản lý, thì cũng cần có quy định về trách nhiệm của nhà mạng đối với việc bảo mật hình ảnh khách hàng. Nếu chưa đưa ra được những quy định về trách nhiệm đó mà buộc khách hàng phải cung cấp hình ảnh là quy định mang tính áp đặt, chưa hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng.

Luật sư An cho rằng việc cung cấp hình ảnh không thể nhằm giúp bảo mật thông tin của chủ thuê bao di động, bởi mỗi cá nhận có một định danh, định dạng cá nhân riêng biệt, không phải bằng hình ảnh mà đã được mã hóa trong số Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân. Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân đã là một trong những cách thức quản lý của Nhà nước nói chung, chứ không phải bằng hình ảnh. Trong khi quy định của Nghị định 49 lại yêu cầu cả căn cước công dân và hình ảnh là vô lý. Khi sử dụng hình ảnh của khách hàng mà không có quy chế phù hợp về quản lý cũng như trách nhiệm của đơn vị quản lý sẽ dẫn tới quyền và lợi ích của khách hàng không được đảm bảo.

Theo luật sư Nguyễn An, người tiêu dùng, người dân có quyền yêu cầu không cung cấp hình ảnh nếu nhà mạng không đưa ra được quy trình cũng như trách nhiệm của họ đối với việc đảm bảo hình ảnh của khách hàng. Nhà mạng cần cung cấp cho khách hàng thông tin về quy trình bảo mật và cách thức quản lý như thế nào đối với thông tin của khách, hạ tầng của nhà mạng có đảm bảo cho quy trình bảo mật và công tác quản lý hay không. Nếu xảy ra vấn đề rò rỉ thông tin thì trách nhiệm của nhà mạng đến đâu./.

An Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/nop-anh-ca-nhan-cho-thue-baotrach-nhiem-nha-mang-khi-ro-ri-thong-tin-753909.vov