Chủ tịch Alphanam: 'Tôi dị ứng hai chữ đa ngành vì từng phải trả giá cho nó'

Trải qua 3 cuộc khủng hoảng, đối mặt với tình thế 'có cố cũng không bán được hàng', ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam đúc rút: 'Lúc khó khăn, một nghề thì sống, đống nghề thì chết'.

Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải (bìa trái) và Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse tại Tọa đàm “Kinh tế 2023 - Nhận diện và Hành động của Doanh nhân trẻ”.

Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải (bìa trái) và Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse tại Tọa đàm “Kinh tế 2023 - Nhận diện và Hành động của Doanh nhân trẻ”.

Lúc khó thì tập trung và khi có cơ hội thì lan tỏa

Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải là số ít người nói về lạc quan khi nhận định về kinh tế năm 2023.

“Tôi đã chuyển giao điều hành, nên việc lo trả lương nhân viên, trả nợ ngân hàng là của con tôi. Còn tôi chỉ lo tiêu tiền, nên chỉ nhìn thấy cơ hội”, ông Hải hóm hỉnh giải thích cho nhận định gây tranh cãi trước đó với các doanh nghiệp tham gia Tọa đàm Kinh tế 2023: Nhận diện và Hành động của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA). Nhưng đằng sau sự lạc quan này, theo ông Hải, đó là những trải nghiệm thành công và cả những trả giá không hề nhỏ.

Ông kể, lần trải nghiệm khủng hoảng đầu tiên của ông và Alphanam là năm 1997. “Lúc đó doanh nghiệp còn nhỏ, nhờ khủng hoảng mà tinh thần trẻ trỗi dậy, như từ chân tường vùng lên. Năm 1999, tôi nhận Giải thưởng Doanh nhân Sao Đỏ và rút ra bài học, nếu chỉ làm một thứ thì rủi ro quá”, ông Hải kể.

Chiến lược mỗi năm xây một nhà máy, mỗi năm thêm một ngành, để trở thành đa ngành bắt nguồn từ bài học trên. Từ đó, khẩu hiệu đa ngành là kim chỉ nam cho hành động của Alphanam.

Cũng phải nhắc lại, ông Hải điều hành Alphanam làm theo hướng đi theo triết lý, từ triết lý sẽ có mục tiêu và đã có mục tiêu thì bám chặt để thực hiện. Chính vì vậy, Alphanam đã mở rộng liên miên, tham gia thị trường chứng khoán...

“Chúng tôi vấp vào năm 2013, khi lãi suất lên tới 24%. Đợt khủng hoảng này thử thách triết lý đa ngành của tôi. Và từ đó, tôi dị ứng với chữ đa ngành vì mình phải trả giá cho nó, trứng bỏ nhiều rọ quá, nên không biết trứng nằm ở đâu, nên mất cũng nhiều”, ông Hải chia sẻ.

Nhưng cũng từ thời điểm này, Alphanam chuyển từ triết lý đa ngành thành công ty hoạt động theo các trụ cột.

“Chúng tôi vượt qua Covid-19 nhờ các trụ cột đỡ cho nhau. Khi khách sạn du lịch và bất động sản tổn thất nặng nề, mỗi ngày có khi mất cả tỷ trả lãi ngân hàng, đồng thời trả gốc, nếu không có trụ cột khác hỗ trợ, thì không thể vượt qua được. Trong 3 năm dịch bệnh, trụ cột sản xuất của chúng tôi đã tăng tới 450%”, ông Hải kể.

Chia sẻ với các doanh nhân trẻ, hội viên của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, ông Hải gửi thông điệp rằng, trong khó khăn, quan trọng nhất là tập trung vào trụ cột chính.

“Lúc này, một nghề thì sống, đống nghề thì chết, phải tập trung và để sản phẩm của mình là lựa chọn tốt nhất của khách hàng. Nói thì lý thuyết, nhưng để làm được như vậy, thì cần con người tương ứng. Giai đoạn này cũng là cơ hội để có con người tốt, để làm được ra sản phẩm làm lựa chọn tốt nhất của khách hàng. Khi đó, dòng tiền sẽ chảy về với mình”, ông Hải khuyến nghị khi nhận được câu hỏi làm gì để vượt qua khủng hoảng.

Tuy nhiên, ông cũng tư vấn, không có nghĩa là đa ngành là sai. “Đa ngành cũng đúng và nhất nghệ tinh, nhất thân vinh cũng đúng, vấn đề là chọn thời điểm. Lúc khó thì tập trung và khi có cơ hội thì lan tỏa”, ông Hải nói.

Giờ là lúc "chế biến thịt thành lạp sườn" để có thể để lâu dài

Nhận được câu hỏi hướng đi của doanh nghiệp bất động sản trong thời điểm khó khăn đặc biệt này, ông Hải chia sẻ, năm nay, ông tập trung tiêu tiền chứ chưa tính tới việc làm thế nào để bán được hàng.

“Vì cố cũng không bán được. Giờ tôi phải tính chế biến thịt thành lạp sườn, thành sản phẩm để có thể để lâu dài", ông Hải tiết lộ.

Theo tính toán của ông, vấn đề cần giải vào thời điểm khó khăn của thị trường bất động sản là làm thế nào để sống sót được khi 5 năm nữa mới bán hàng, làm thế nào để quản trị rủi ro trong vòng 5 năm chưa bán hàng... Cùng với đó, việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng. Trong trường hợp của Alphanam là sớm chọn phân khúc sản phẩm theo nhu cầu của người dùng thật, sản phẩm bất động sản ở các địa phương, nhà ở xã hội...

"Chúng tôi gọi thời điểm này là cơ hội theo nghĩa đó. Từ Tết đến giờ đã giải ngân nhiều ngàn tỷ đồng, các tháng tới cũng sẽ thêm nữa”, ông Hải tiết lộ.

Quan điểm của người sáng lập Alphanam là cần xác định rõ nguồn lực, năng lược để tự tin, vì thiếu tự tin sẽ mất đi nhuệ khí để vượt khó, từ đó sẽ mất đi cơ hội.

Đặc biệt, ông cho rằng, lúc này là lúc nên hợp tác để tìm kiếm cơ hội và hợp lực để cùng làm. Đây là lý do ông tham gia Tọa đàm của HanoiBA, gửi lời đề nghị hợp tác, chia sẻ từ Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tới các hội viên của HanoiBA.

Tọa đàm “Kinh tế 2023 - Nhận diện và Hành động của Doanh nhân trẻ” là một trong hoạt động của Chương trình “XUÂN ĐOÀN VIÊN HANOIBA 2023” với chủ đề KẾT NỐI VƯƠN XA. Trong Chương trình, HanoiBA đã tổ chức Ngày hội Kết nối HanoiBA - Chào Xuân 2023 với 108 gian hàng trưng bày sản phẩm hàng hóa của Hội viên, qua đó giúp doanh nghiệp tìm hiểu đối tác, xây dựng chuỗi cung ứng, rút ngắn thời gian tìm kiếm bạn hàng. Ngày Hội cũng mang tới hơn 130 nhu cầu mua - bán tới từ nội bộ HanoiBA, giúp hội viên tìm kiếm đơn hàng, bạn hàng nhanh chóng, không mất chi phí, sắp xếp gặp gỡ 1 - 1 với các nhà mua hàng.

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chu-tich-alphanam-toi-di-ung-hai-chu-da-nganh-vi-tung-phai-tra-gia-cho-no-d183976.html