Chủ tịch CEO Group Đoàn Văn Bình: Miễn Visa để thu hút 20 triệu khách du lịch đến Việt Nam

Đây là kiến nghị được ông Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp bất động sản đưa ra tại Diễn đàn Bất động sản thường niên lần thứ nhất Việt Nam do VNREA và Kênh truyền hình VITV vừa tổ chức sáng 15/11 tại Hà Nội.

Ông Bình cho biết: Trong thời gian gần đây, hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung và pháp luật về bất động sản nói riêng đã được hoàn thiện một bước. Tuy nhiên, từ thực tiễn kinh doanh tại nhiều địa phương trong cả nước với nhiều loại hình bất động sản như nhà ở, nhà ở xã hội, bất động sản nghỉ dưỡng, các doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc.

Ông Đoàn Văn Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO.

Do vậy, một trong những giải pháp đột phá là sớm thực hiện miễn visa cho khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. Điều này sẽ giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí xin visa qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam. Bởi thực tiễn để thu hút trên 20 triệu khách quốc tế một năm ở các nước đang thành công trong việc thu hút du khách quốc tế đều miễn visa.

Nhà nước cần đầu tư thực sự cho du lịch. Để thu hút 20 triệu khách quốc tế và hàng trăm triệu lượng khách du lịch nội địa vào năm 2020 và lĩnh vực du lịch đóng góp tiệm cận 10% vào GDP, thu nhập 30 tỷ USD, tạo hàng triệu việc làm, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có kế hoạch đầu tư thực sự cho lĩnh vực này một cách thỏa đáng thông qua các đầu việc cụ thể sau: Hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch; đầu tư cho hoạt động truyền thông; đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu vực dự án… Sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như Condotel đang phát triển bùng nổ tại nước ta.

Về chính sách, pháp luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Trên cơ sở nghiên cứu các dự thảo luật, ông Bình đưa ra một số đề xuất như:

Thứ nhất, cần sớm thông qua luật các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vì thực tế chúng ta đang rất chậm so với các nước trong khu vực và thế giới trong lĩnh vực này. Hơn nữa, nhiều nước có các đặc khu thành công cũng thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung pháp luật để phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Thứ hai, luật cần có cơ chế vượt trội nằm ở hai chữ “mở” (open) và “tự do” (free). “Mở” ở đây là chính sách thông thoáng đến đâu, ví dụ như không chỉ cho người nước ngoài mua nhà mà còn mua cả bất động sản nghỉ dưỡng được không? “Tự do” là có cho phép tiêu ngoại tệ mạnh trong đặc khu hay không, hoặc có mở hết ưu đãi thuế (free tax) và thị thực (free visa) hay không?

Thứ ba, cần thiết phải lựa chọn thiết chế Trưởng đặc khu so với thiết chế hiện nay để tạo ra đột phá, thử nghiệm chính quyền đô thị tương lai, một người quyết và chịu trách nhiệm.

"Bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp du lịch trong nước, cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho du khách nước ngoài tới Việt Nam, cũng là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản phát triển" - ông Bình nhấn mạnh.

Theo Báo Xây Dựng

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/du-lich/chu-tich-ceo-group-doan-van-binh-mien-visa-de-thu-hut-20-trieu-khach-du-lich-den-viet-nam-30946