Chủ tịch EuroCham: Cùng 'mở khóa' EVFTA

Chia sẻ với TG&VN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier khẳng định, doanh nghiệp hai bên cần hiểu rõ thị trường mà họ muốn xuất khẩu để tận dụng tối đa lợi ích từ EVFTA.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier.

Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Đây là thời khắc lịch sử, là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) cùng các cơ quan, tổ chức có vai trò làm “cầu nối” thúc đẩy Hiệp định ở cả hai phía như EuroCham.

Kể từ khi bắt đầu đàm phán vào năm 2012, EuroCham đã đi đầu trong việc vận động thúc đẩy ký kết Hiệp định này. Các thành viên của EuroCham đã tích cực chia sẻ ý kiến trong suốt 14 vòng đàm phán. Sau khi thỏa thuận được rút gọn vào năm 2015, EuroCham tiếp tục vận động hành lang trong buổi làm việc với các Nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ cũng như tại Việt Nam, trong đó nêu bật những lợi ích kinh tế và xã hội mà thỏa thuận này mang lại.

EVFTA là Hiệp định thương mại tự do toàn diện và tham vọng nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia thứ hai ở châu Á ký thỏa thuận thương mại tự do với EU, sau Singapore. Thỏa thuận này sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội tiếp cận thị trường lên đến 500 triệu dân, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu tại một thị trường phát triển nhanh như Việt Nam.

Khi EVFTA chính thức có hiệu lực, Hiệp định này sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU. Theo ông, liệu sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư lớn hơn nữa từ EU vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực công nghệ cao không?

Việt Nam là một thị trường phát triển nhanh, có vị trí chiến lược quan trọng với thế giới. Trong vài thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp cải cách để môi trường thương mại và đầu tư cởi mở hơn, cạnh tranh hơn và thân thiện hơn với doanh nghiệp. Vì vậy, chắc chắn việc loại bỏ dần thuế quan và hàng rào phi thuế quan sẽ làm tăng dòng vốn đầu tư từ EU sang Việt Nam.

Trên hết, chúng tôi biết rằng, Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện việc số hóa tất cả các lĩnh vực và ngành công nghiệp thông qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, sẽ có nhiều cơ hội đáng kể dành cho các công ty châu Âu trong lĩnh vực này, góp phần hướng tới mục tiêu số hóa quốc gia, tạo việc làm sử dụng công nghệ cao trong tương lai, đặc biệt trong các lĩnh vực như viễn thông.

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp EU và doanh nghiệp Việt Nam khai thác được hiệu quả và triệt để lợi ích của Hiệp định EVFTA?

Để có thể “mở khóa” được toàn bộ tiềm năng của EVFTA, doanh nghiệp hai bên phải am hiểu thị trường mà họ muốn xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ của mình. Ví dụ, thị trường EU đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao. Vì vậy, các công ty Việt Nam xuất khẩu hàng hóa như cà phê, hải sản, các loại hạt… nên hiểu rõ các yêu cầu của thị trường để tận dụng tối đa các cơ hội có sẵn.

Tương tự như vậy, doanh nghiệp châu Âu cũng cần đầu tư thời gian để tìm hiểu thị trường Việt Nam và xây dựng mối quan hệ với các đối tác để tận dụng tối đa cơ hội từ thị trường đang phát triển nhanh này.

Có khó khăn nào đang chờ ở phía trước không, thưa ông?

Trước đây, thách thức đặt ra của hai bên là đảm bảo việc triển khai EVFTA diễn ra suôn sẻ và hiệu quả. Bây giờ, cả hai bên cần phải làm việc cùng nhau để đảm bảo rằng, các lợi ích đã thỏa thuận về nguyên tắc có thể được hiện thực hóa. Nói cách khác, cần nâng cao nhận thức về EVFTA giữa các cộng đồng doanh nghiệp ở cả hai bên, hợp tác với các đối tác đáng tin cậy như: EuroCham, Hiệp hội doanh nghiệp các nước thành viên và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thêm vào đó, ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực, Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo rằng, không có lỗ hổng nào trong khuôn khổ pháp lý hay sự thiếu nhất quán đối với các quy định của EVFTA để doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tận dụng tối đa lợi ích mà thỏa thuận này mang lại.

Nhân dịp này, EuroCham sẽ thành lập một Hội đồng Kinh doanh chung với mục tiêu giám sát việc thực hiện EVFTA tại tất cả các tỉnh, thành của Việt Nam.

Kỳ vọng của ông dành cho sự phát triển kinh tế của hai bên khi EVFTA chính thức được thực thi?

Các chuyên gia châu Âu đã dự đoán rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi đáng kể về kinh tế khi EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực. Sự gia tăng trong thương mại và đầu tư trong thời gian mười năm thực hiện Hiệp định được dự báo góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 8% so với thời gian chưa có EVFTA. Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc lương của người lao động sẽ tăng khoảng 3%, góp phần tăng thu nhập hộ gia đình.

Đối với EU, có những lợi ích rõ ràng từ việc Việt Nam mở cửa thị trường. Hàng hóa của châu Âu hiện đang chịu mức thuế cao hơn nhiều so với hàng hóa từ các quốc gia mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do trước đó. Vì vậy, khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan được xóa bỏ, thì một số sản phẩm của châu Âu như dược phẩm, ô tô và một số sản phẩm công nghệ cao khác sẽ trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường Việt Nam.

“EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, song thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi xuất sang thị trường quan trọng này”.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

(thực hiện)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-eurocham-cung-mo-khoa-evfta-109881.html