Chủ tịch FED cất tiếng, Dow Jones nhảy một mạch hơn 600 điểm

Thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua ghi dấu ấn ngày thứ 3 tăng liên tiếp trong tuần này, với chỉ số Dow Jones vọt hơn 600 điểm, khi các nhà đầu tư hứng khởi trở lại trước lời bình luận về lãi suất có khuynh hướng 'bồ câu' của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell.

Đây rõ ràng là thông tin rất tích cực, khi những lo lắng về thanh khoản thắt chặt hơn, cùng với việc FED duy trì quan điểm “diều hâu” đối với việc bình thường hóa chính sách tiền tệ, phủ bóng mây u ám lên thị trường trong suốt thời gian qua.

Có phiên tăng mạnh nhất trong 8 tháng qua

Chỉ số công nghiệp Dow Jones hôm qua vụt tăng 617,7 điểm, tương đương 2,5%, lên 25.366,43 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 cũng tăng mạnh 61,65 điểm, tương đương 2,3%, đóng cửa tại 2.743,82 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng leo dốc 208,89 điểm, tương đương 3% và khép phiên tại 7.291,59 điểm.

Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất tính theo % của chỉ số Dow và S&P 500 kể từ ngày 26/3 đến nay; chỉ số Nasdaq cũng tăng mạnh nhất tính từ ngày 25/10 đến nay. Tính riêng trong 3 ngày đầu tuần này, Dow Jones đã bứt phá hơn 1.000 điểm. Với 3 phiên tăng mạnh vừa qua, Dow Jones và S&P 500 ghi nhận sắc xanh trong tháng 11, sau những ngày liên tiếp bị bán tháo.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng điểm khi lãi suất cho vay ngắn hạn giảm và lãi suất dài hạn tăng sau những nhận định từ ông Powell. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Bank ETF tăng 1,3% trong khi cổ phiếu Morgan Stanley, Goldman Sachs và Bank of America đều vọt hơn 2%. Cổ phiếu J.P. Morgan Chase tăng 1,1%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng nhảy vọt trong ngày thứ Tư, phục hồi từ đà lao dốc gần đây. Cổ phiếu Amazon và Netflix bứt phá 6%, cổ phiếu Apple và Alphabet vọt hơn 3,5%, cổ phiếu Facebook tăng 1,3%.

Xuất phát từ chủ tịch FED?

Trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế New York vào hôm qua, ông Powell nói: "Lãi suất tuy vẫn còn thấp theo tiêu chuẩn lịch sử, và chỉ ngay dưới vùng trung lập được dự kiến cho nền kinh tế - không kích thích cũng không kìm hãm tăng trưởng".

Các lời bình luận này của chủ tịch FED được các nhà đầu tư xem như một sự rút lui khỏi lập trường cứng rắn của ông vào đầu tháng 10, thời điểm ông cho biết ngân hàng trung ương quyết định "có thể đi qua mức trung lập, nhưng chúng ta vẫn còn một con đường dài để đến mức trung lập từ thời điểm này".

Bài phát biểu của ông Powell khiến thị trường hứng khởi trở lại

Giọng điệu nhẹ nhàng hơn của ông Powell xuất hiện sau lời chỉ trích gay gắt từ Trump, khi nói với tờ Washington Post trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba rằng ông "không vui chút nào" với lựa chọn để Powell kế vị Janet Yellen làm chủ tịch FED. Trump cũng đã nhiều lần chỉ trích FED về hành động tăng lãi suất.

Tuy nhiên, Powell cho rằng, không có gì về việc có thể dừng tăng lãi suất khi các nhà hoạch định chính sách của FED sẽ họp vào tháng tới. Và một số nhà kinh tế lập luận rằng nhận xét của Powell không phải là hoàn toàn theo quan điểm “bồ câu” như cách mà các nhà đầu tư diễn giải.

Chính sách thương mại và nền kinh tế Mỹ

Ngoài câu chuyện chính sách tiền tệ, những lo ngại về thương mại tiếp tục là tâm điểm khi các nhà đầu tư đang chờ đợi những diễn biến mới từ Hội nghị thượng đỉnh G-20, bắt đầu vào thứ Sáu này tại Buenos Aires, trong đó mọi ánh mắt sẽ dồn về cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Mỹ và cố vấn kinh tế hàng đầu của ông - Larry Kudlow, đều đã đưa ra những tuyên bố trong tuần này, làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng thỏa thuận thương mại hoặc khuôn khổ có thể ngăn chặn hàng rào thuế quan mới hay mở rộng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019.

Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, Larry Kudlow, trước đó đã xoa dịu những lo ngại của thị trường, khi cho biết chính quyền ông Trump đang nối lại thảo luận “ở mọi cấp độ” với Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông đưa tin, lời đề nghị này chỉ là sự giả vờ trong một phần chiến lược của Nhà Trắng.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ, Bộ Thương mại công bố tăng trưởng kinh tế đã điều chỉnh đạt 3,5% trong quý 3, khá sát với con số ước tính đầu tiên, dù thấp hơn con số dự báo của các chuyên gia kinh tế là 3,6%.

Matt Forester, giám đốc đầu tư của Lockwood Advisors, BNY Mellon cho biết: “Báo cáo GDP quý 3 điều chỉnh là lời nhắc nhở các nhà đầu tư rằng nền kinh tế Mỹ mạnh đến mức nào. Với sự tăng trưởng nóng như vậy, thật khó để nhận định rằng nền kinh tế Mỹ đang xấu đi”.

Ngoài ra, số liệu thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đã mở rộng lên mức 77,2 tỷ USD trong tháng 10, từ mức 76,3 tỷ USD của tháng trước đó. Con số này thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế là 77,7 tỷ USD.

Doanh số bán nhà mới đã điều chỉnh theo mùa đạt 544.000 căn trong tháng 10, thấp hơn mức 597.000 căn trong tháng 9 và cũng thấp hơn dự báo là 589.000 căn.

ĐỒNG AN

Thị trường chứng khoán châu Á đóng cửa trong sắc xanh vào hôm qua, với chỉ số Nikkei của Nhật tăng 1% dựa trên nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn mạnh mẽ. Tại Hồng Công, chỉ số Hang Seng tăng 1,3%, trong khi chỉ số Shanghai trên sàn Thượng Hải và chỉ số Shenzen của sàn Thâm Quyến đều tăng hơn 1%.

Chứng khoán châu Âu tăng đầu phiên nhưng sau đó lại không thể giữ vững, với chỉ số Stoxx Europe 600 kết thúc gần như không đổi.

Giá dầu thô lại giảm mạnh, trong khi giá vàng leo lên cao hơn và chỉ số USD Index suy yếu sau bài phát biểu của ông Powell.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chu-tich-fed-cat-tieng-dow-jones-nhay-mot-mach-hon-600-diem-19151.html