Chủ tịch Fed: Nếu không kiềm chế được lạm phát, 'nỗi đau' sẽ còn lớn hơn nhiều!

Bài phát biểu của ông Jerome Powell tại Jackson Hole ngắn gọn một cách bất thường. Nó mang thông điệp cứng rắn về lộ trình nâng lãi suất sắp tới của Fed. Và đây có thể là tin không vui với thị trường chứng khoán.

 Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra bài phát biểu dài vỏn vẹn 8 phút trong ngày 26/8 (Ảnh: NYTimes)

Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra bài phát biểu dài vỏn vẹn 8 phút trong ngày 26/8 (Ảnh: NYTimes)

Trong bài phát biểu được mong đợi diễn ra tại Jackson Hole, Wyoming, ông Jerome Powell khẳng định rằng Fed sẽ “sử dụng các công cụ đang có một cách mạnh mẽ” để chống lạm phát, hiện vẫn đang ở sát mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm qua.

Mặc dù đã trải qua 4 lần tăng lãi suất liên tiếp, với tổng 2,25%, nhưng ông Powell vẫn tuyên bố rằng “sẽ không có chuyện ngừng hoặc tạm ngừng” nâng lãi suất.

“Mặc dù lãi suất cao hơn, đà tăng trưởng chậm hơn, và các điều kiện thị trường lao động mềm hơn sẽ làm giảm lạm phát, nhưng chúng cũng sẽ gây ra chút ít đau đớn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp,” ông Powell nói trong bài phát biểu đáng chú ý.

“Đây là cái giá phải trả khi kiềm chế lạm phát. Nhưng nếu thất bại trong việc bình ổn giá, nỗi đau sẽ còn lớn hơn nhiều", ông nói.

Giá cổ phiếu đã giảm sau bài phát biểu của ông Powell, trong đó chỉ số Dow Jones giảm hơn 500 điểm. Lợi tức Kho bạc Mỹ cũng giảm trong phiên.

Bài phát biểu được đưa ra trong lúc có nhiều tín hiệu cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh, nhưng lại chưa có dấu hiệu giảm.

2 chỉ số được theo dõi sát sao, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), cho thấy giá cả hàng hóa đã thay đổi đôi chút trong tháng 7, chủ yếu là do giá năng lượng giảm sâu.

Cùng thời điểm, 2 lĩnh vực khác của nền kinh tế đang chậm lại. Giá nhà ở đang giảm nhanh chóng, và các nhà kinh tế học tin rằng mức tăng đột biến trong hoạt động thuê nhà suốt một năm rưỡi qua chắc chắn sẽ nguội lạnh.

Tuy nhiên, ông Powell nói rằng Fed không tập trung vào dữ liệu của 1 hoặc 2 tháng mà rộng hơn nhiều, và họ sẽ tiếp tục đưa ra hành động quyết liệt cho đến khi lạm phát giảm xuống mức sát mức mục tiêu dài hạn là 2%.

“Chúng tôi đang chuyển dịch quan điểm chính sách một cách có chủ đích, đến một mức độ đủ để giảm lạm phát xuống mức sát với 2%,” ông nói. Nhìn vào tương lai, lãnh đạo Fed nói thêm rằng “việc phục hồi sự bình ổn giá chắc chắn sẽ cần có quan điểm chính sách hạn chế trong một khoảng thời gian. Lịch sử đã cho thấy không nên nới lỏng chính sách quá sớm.”

Nền kinh tế Mỹ đã trải qua nhiều quý liên tiếp tăng trưởng GDP âm, thường được xem như một tín hiệu suy thoái. Tuy nhiên, ông Powell và phần lớn các nhà kinh tế học vẫn cho rằng nền kinh tế Mỹ được duy trì ở trạng thái khỏe mạnh nếu chậm lại.

Đi thẳng vào vấn đề

Bài phát biểu của ông Powell ngắn gọn một cách bất thường. Trong khi các lãnh đạo của Fed, bao gồm cả ông Powell, thường sử dụng bài phát biểu ở Jackson Hole như một cơ hội để đưa ra sự thay đổi chính sách bao quát của mình, thì bài phát biểu của ông Powell hôm thứ Sáu vừa qua chỉ kéo dài có 8 phút.

Ông cũng tự giới thiệu về bài phát biểu của mình, nói rằng “bài phát biểu sẽ ngắn gọn hơn, tập trung vào điểm chính của tôi, và thông điệp trực tiếp mà tôi muốn đưa ra.”

“Bình ổn giá là trách nhiệm của Fed, và nó đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế của chúng ta,” ông Powell nói. “Thiếu đi bình ổn giá, nền kinh tế sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai.”

Các thị trường đang tiếp tục chờ đợi cuộc họp tiếp theo của Fed tổ chức trong tháng 9 để xem Ủy ban Thị trường Mở Liên bang có tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm hay không. Ông Powell nói rằng quyết định “còn tùy thuộc vào dữ liệu sắp đến và diễn biến toàn cục. Ở một số thời điểm, khi quan điểm về chính sách tiền tệ được thắt chặt thêm, đó chắc chắn là lúc hợp lý để giảm nhịp độ tăng.”

Bài học lịch sử của Fed

Fed hiện đang tận dụng kinh nghiệm từ một bài học trong quá khứ để áp dụng trong bối cảnh hiện nay.

Cụ thể, ông Powell nói rằng lạm phát trong 40 năm trước đã giúp Fed nhận ra 3 bài học: Các ngân hàng trung ương giống như Fed chịu trách nhiệm kiềm chế lạm phát, kỳ vọng đó mang ý nghĩa quyết định và rằng “chúng tôi cần kiên trì cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành.”

Ông Powell nhấn mạnh rằng, thất bại của Fed khi không hành động quyết liệt trong thập kỷ 70 đã gây ra nỗi ám ảnh cho nhiều người về mức lạm phát cao, dẫn tới lãi suất tăng khủng khiếp vào đầu thập kỷ 80. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Fed lúc bấy giờ, Paul Volcker, đã buộc phải kéo nền kinh tế vào suy thoái để kiềm chế lạm phát.

Mặc dù liên tục tuyên bố rằng ông không nghĩ suy thoái là điểm đến không thể tránh khỏi của nền kinh tế Mỹ, nhưng Powell nhấn mạnh rằng kiềm chế sự kỳ vọng là điều quan trọng nếu Fed muốn tránh một kết cục giống như ông Volcker.

Đầu thập kỷ 80, “một giai đoạn dài áp dụng chính sách tiền tệ cực kỳ hạn chế là điều cần thiết để kiềm chế lạm phát cao, và khởi động tiến trình giảm lạm phát xuống mức thấp và ổn định,” ông Powell nói. “Mục tiêu của chúng tôi là tránh kết cục đó, bằng cách hành động quyết liệt ngay bây giờ".

Theo CNBC

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chu-tich-fed-neu-khong-kiem-che-duoc-lam-phat-noi-dau-se-con-lon-hon-nhieu!-post160015.html