Chủ tịch Hà Nội: 'Lắng nghe ý kiến các nhà khoa học để phát triển Thủ đô'

Ngày 14/5, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Đây là dịp để lãnh đạo Thành phố Hà Nội lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển khoa học công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển kinh tế xã hội Thủ đô nói chung, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

UBND Thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỉ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

UBND Thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt chuyên gia, nhà khoa học nhân dịp kỉ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

Hà Nội có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển KH&CN

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh gửi lời chúc mừng, tri ân đến các chuyên gia, nhà khoa học cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong ngành KH&CN của Thủ đô và cả nước.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong những năm qua, Hà Nội luôn dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực khoa học - công nghệ, với mục tiêu xuyên suốt là: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Hà Nội là địa phương tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước (trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia), với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Lãnh đạo thành phố Hà Nội xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng để Thủ đô tập trung đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã và đang triển khai thực hiện gần 300 nhiệm vụ thuộc 9 Chương trình khoa học - công nghệ cấp thành phố và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn với tỷ lệ cao, các dự án sản xuất thử nghiệm được áp dụng 100%, các đề tài, đề án được áp dụng khoảng 90%.

Số lượng đơn đăng ký, bằng chứng nhận sở hữu công nghiệp, số công bố quốc tế trên địa bàn Hà Nội luôn ở vị trí dẫn đầu toàn quốc. Hai năm liên tục (2022, 2023), Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).

Đặc biệt, thời gian qua, Thành phố đã triển khai 3 nhiệm vụ rất quan trọng là: xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Trong quá trình triển khai, Thành phố đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ, tham gia góp ý, tư vấn, phản biện rất tâm huyết và trách nhiệm của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Lãnh đạo TP. Hà Nội tặng hoa chúc mừng Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội.

Lãnh đạo TP. Hà Nội tặng hoa chúc mừng Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội.

Lắng nghe ý kiến các nhà khoa học để phát triển Thủ đô

Đến nay 2 quy hoạch của Thủ đô đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua, đã báo cáo Lãnh đạo Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị và đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình, xin ý kiến Quốc hội khóa 15 tại Kỳ họp 7; dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng sẽ được trình Quốc hội khóa 15 xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 này.

Luật Thủ đô sửa đổi và 2 quy hoạch được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý và tiền đề đặc biệt quan trọng, góp phần kiến tạo và phân bố không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới; tạo lập thể chế phát triển đồng bộ, vượt trội, đặc thù và là cơ sở để thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực, động lực để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.

“Với tinh thần cầu thị và lắng nghe, Lãnh đạo Thành phố mong muốn được đón nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm, đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học.

Đồng thời trân trọng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đề xuất nhiều ý tưởng đột phá, giải pháp sáng tạo, cùng đồng hành xây dựng Thủ đô Hà Nội – Xanh - Văn hiến - Văn Minh - Hiện đại; có sức lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, tiếp tục xây dựng, phát triển và phát huy vai trò to lớn của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong phát triển Thủ đô là một việc rất quan trọng và rất cần thiết, cả trước mắt và lâu dài.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại hội nghị.

Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về trí thức, KH&CN. Đồng thời phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, tạo môi trường thuận lợi để phát huy tốt nhất vai trò, sự đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong phát triển KTXH.

“Sự chung sức đồng lòng của các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác KH&CN chắc chắn sẽ tạo lập nên những bước tiến mới, thành công mới và vị thế mới, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm KH&CN của cả nước và khu vực”, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-tich-ha-noi-lang-nghe-y-kien-cac-nha-khoa-hoc-de-phat-trien-thu-do-10279770.html