Chủ tịch HĐQT Vinatex: Nhu cầu vốn lớn nhưng tiếp cận tín dụng hạn chế, đề xuất hỗ trợ lãi suất cho cả vay ngoại tệ

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề ''Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững'' diễn ra ngày 18/9, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay vấn đề tiếp cận tín dụng vẫn là khó khăn lớn với các doanh nghiệp dệt may, nhất là trong hai tháng gần đây.

8 tháng đầu năm, doanh nghiệp dệt may tận dụng tốt cơ hội phục hồi

Theo ông Lê Tiến Trường, giai đoạn quý IV năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022 là giai đoạn phát triển tốt và tận dụng được cơ hội của ngành dệt may, điều đó một phần nhờ tác động quan trọng của các chính sách điều tiết vĩ mô.

“Trong 8 tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam đã đạt đến kim ngạch xuất khẩu khoảng 31,2 tỷ USD, tăng trưởng tới 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ít nhất chục năm trở lại đây. Lần đầu tiên chúng ta tăng trưởng tới 20% trong 8 tháng đầu năm”, ông Trường chia sẻ.

Cũng theo ông Trường, một tín hiệu đáng mừng khác là trong 8 tháng đầu năm, theo số liệu Tổng cục Hải quan thì tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu cho ngành dệt may chỉ rơi vào khoảng 13 tỷ USD. Như vậy, ngành dệt may đã tạo ra 18 tỷ USD thặng dư thương mại từ xuất khẩu. Trong số này thì chỉ có khoảng 6,5 tỷ USD là tiền lương cho người lao động, còn lại là gần 12 tỷ USD là mua từ các nguồn nguyên liệu, phụ liệu ở trong nước.

“Tức là bên cạnh việc đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu thì ngành dệt may còn góp phần tạo ra động lực phục hồi doanh nghiệp ở nhiều loại hình khác nhau. Ngoài ra, từ trước đến nay, ngành dệt may chỉ đạt tốc độ cái tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50% thì trong 8 tháng đầu năm 2022, chúng ta đạt tốc độ nội địa hóa lên đến 59%, tiến gần mục tiêu 60% của năm 2025”, ông Trường nói thêm.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh: Quochoi

Một thắng lợi khác của ngành dệt may, theo ông Trường, là việc trong nhiều năm, ngành dệt may chỉ có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ tư trong các ngành nhưng thặng dư thương mại luôn luôn đứng thứ nhất.

“Chúng ta bắt nhịp được với cái tổng cầu của thế giới khi họ phục hồi, mở cửa trở lại sau đại dịch. Trong các nước xuất khẩu dệt may, Việt Nam là nước có chính sách mở cửa hoạt động bình thường sớm nhất so với cả Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc, chính vì thế cho nên 6 tháng đầu năm 2022, chúng ta tận dụng được cái cơ hội này rất tốt, đơn hàng và kết quả kinh doanh tốt, hiệu quả cao. Điều này chủ yếu nhờ phản ứng chính sách, cùng với đó là chính sách hỗ trợ liên quan đến tiền lương, tiền thuê nhà… để cho người lao động quay trở lại nhanh, thị trường lao động phục hồi nhanh, làm cho sản xuất nhanh trở về trạng thái bình thường hóa”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam cho hay.

Nhu cầu vốn lớn trái ngược với room tín dụng hạn chế

Tuy vậy, đánh giá về triển vọng ngành những tháng tiếp theo, ông Trường chỉ ra rằng đến giờ phút này, dư địa chính sách mà chúng ta đã thực hiện sớm để đem lại lợi ích cho ngành dệt may cũng như các ngành xuất khẩu khác thì các quốc gia khác cũng đã áp dụng rồi, chẳng hạn họ cũng mở cửa sản xuất, cũng hỗ trợ lãi suất (Bangladesh hay Ấn Độ). Ngoài ra, có xu thế thị trường toàn cầu đột nhiên trở nên lạnh, cầu của thế giới giảm mạnh do rủi ro suy thoái phủ bóng kinh tế thế giới, lạm phát cao…

“8 tháng đầu năm, lạm phát ở Mỹ có thời điểm lên tới 9% nhưng giá hàng hóa dệt may giảm 9%, hàng tồn kho tăng rất cao. Vậy nên nếu trong 8 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng chúng ta có thể xuất khẩu được 3,73 tỷ USD hàng dệt may thì dự kiến 4 tháng cuối năm, con số này dự báo chỉ khoảng 3,1 - 3,2 tỷ USD”.

Cùng đó, giá trị đồng VND neo với giá trị USD, nên so với tương quan các đồng tiền khác như CNY (Nhân dân tệ) hay EUR (Euro) thì ngành xuất khẩu Việt Nam có nguy cơ mất lợi thế về giá.

Chưa kể, doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận tín dụng do room tín dụng còn hạn chế. Theo ông Trường, nếu nhập khẩu hàng gia công để phục vụ xuất khẩu thì được miễn thuế, còn mua nguyên vật liệu trong nước vừa phải nộp thuế VAT, vừa phải chuẩn bị thuế nhập khẩu, bao giờ xuất khẩu mới được hoàn thuế, khiến trung bình doanh nghiệp mất thêm 24% để mua nguyên liệu trong nước.

"Vừa rồi 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng tốt lên tới 9,3%, vay được vốn để làm FOB thì doanh nghiệp sẵn sàng làm, nhưng tháng 7 và tháng 8 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,6%, doanh nghiệp tiếp cận vốn khó nên có hiện tượng có đơn FOB nhưng doanh nghiệp buộc phải làm CIF, làm gia công vì không vay được tiền mua nguyên liệu, làm cho một loạt doanh nghiệp gia công trong nước không có cơ hội có đơn hàng, không tăng được giá trị gia tăng", ông Trường đặt vấn đề.

Về vấn đề này, ông Trường kiến nghị giải quyết theo 2 hướng: (i): doanh nghiệp mua hàng trong nước để làm hàng xuất khẩu thì hậu kiểm không bắt nộp trước VAT vào thuế nhập khẩu để tăng cường khả năng tiêu thụ hàng hóa nội địa. (ii): với những ngành hàng mà vẫn còn có đơn hàng thì room tín dụng vay ngắn hạn là rất quan trọng, cần có cơ chế hỗ trợ.

“Hiện nay tất cả các cái khách hàng trên thế giới đều giãn thời gian trả tiền từ 90 ngày trước đây lên 120 - 150 ngày, điều này góp phần làm cho nhu cầu vốn chủ động tăng lên, không kể chúng ta muốn làm FOB nhiều, nhu cầu vốn lưu động lại tăng nữa, nhưng room tín dụng không có. Đó là chưa kể giai đoạn kinh doanh hiện tại tỷ suất lợi nhuận thấp nên ngân hàng dễ chê phương án kinh doanh, càng khó tiếp cận tín dụng”, ông Trường trình bày.

Thứ hai là với gói giảm lãi suất 2%, ông Trường thông tin Tập đoàn dệt may thì mới tiếp cận được cỡ khoảng 140 tỷ vốn gốc. “Có một phần khách quan là chúng tôi vay bằng vốn lưu động, bằng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu thì như vậy là không tiếp cận được. Với gói giảm lãi suất này chúng tôi đề nghị cũng nên có sự cân nhắc, xem xét, nếu được thì có cả hỗ trợ lãi suất cho khoản vay ngắn hạn bằng ngoại tệ”.

Trước đó, trong phiên thảo luận sáng, PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, có thể nên hỗ trợ lãi suất cả đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu. Thực tế, có những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuộc nhóm ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng họ chỉ vay bằng ngoại tệ...

Trong trung và dài hạn, liên quan đến đầu tư đổi mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Chủ tịch Tập đoàn dệt may Việt Nam đặt vấn đề: “Đây là khoản đầu tư mà vừa có suất đầu tư lớn, sau này khi vận hành nó thì chi phí vận hành cũng cao. Bởi vì cái tiết kiệm là tiết kiệm xã hội: không phải xử lý rác, không phải xử lý chất thải chứ về phía sản xuất chắc chắn là giá thành lên. Và vì thế thì các dự án đầu tư theo hướng xanh nếu tiếp cận theo các chuẩn mực ngân hàng kinh doanh bình thường thì sẽ bị xếp là những dự án có tỷ suất thu hồi vốn không tốt".

“Chúng tôi rất mong muốn đối với các ngành xuất khẩu, những ngành đang đem lại thặng dư tương đối tốt, có nguồn lao động lớn, đồng thời cũng có giá trị gia tăng ở trong nước đạt trên 50% thì nên được quan tâm, xem xét một cách riêng biệt củng cố cái khu vực này, vừa đảm bảo việc làm, vừa đảm bảo thặng dư và vừa đảm bảo cái tốc độ tăng trưởng ngành trong thời gian tới”, ông Trường kiến nghị.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chu-tich-hdqt-vinatex-nhu-cau-von-lon-nhung-tiep-can-tin-dung-han-che-de-xuat-ho-tro-lai-suat-cho-ca-vay-ngoai-te.html