Chủ tịch Hồ Chí Minh gương mẫu bầu cử Quốc hội, thực hiện dân chủ

Báo Quốc Hội, số đặc biệt ngày 6/1/1946 in trang trọng ngay trang nhất ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bút tích lời kêu gọi: 'Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta'.

Trước đó, trong không khí phấn khởi sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân cả nước đã chuẩn bị Tổng tuyển cử như ngày hội lớn. Nhiều người có tài, có đức ra ứng cử hoặc được giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và ứng cử viên được niêm yết công khai. Nhân dân Thủ đô Hà Nội và nhân dân nhiều địa phương trên cả nước đã gửi bản kiến nghị: "Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới". Đáp lại nguyện vọng trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư trả lời, nêu rõ: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định”.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) Đại biểu Quốc hội khóa I thành phố Hải Phòng đánh giá: “Là người có uy tín lớn với toàn dân như vậy nhưng khi ra ứng cử Đại biểu Quốc hội, Bác vẫn ứng cử ở Hà Nội, Bác vẫn ứng cử như là các đại biểu khác, mặc dù lúc ấy có nhiều tinh kiến nghị lên đề nghị Bác không phải ra ứng cử. Bác vẫn làm. Bác làm gương trong vấn đề thực hiện dân chủ. Và vị Chủ tịch có uy tín lớn như vậy nhưng nắm Chính phủ phải do Quốc hội bầu ra một cách chính thức. Trong quyền hạn của Quốc hội cũng thể hiện tính chất dân chủ rất tiến bộ lúc bấy giờ”.

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội (2/3/1946) diễn ra hết sức khẩn trương chỉ trong vài giờ buổi sáng. Ban tổ chức chọn 2 đại biểu trẻ nhất tham gia đoàn thư ký. Chính phủ báo cáo trước Quóc hội công việc kháng chiến kiến quốc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013) Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Nghệ An cho biết: “Cả hội trường đều đứng lên hoan hô và bầu Bác Hồ là người công dân số 1”.

Nhớ lại thuở ban đầu lập quyền dân chủ, nhà thơ Cù Huy Cận (1919 – 2005) Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), hết sức cảm động: “Bác Hồ là người cầm chịch chỉ huy thiết lập nền dân chủ, từ chuyện chủ trương bầu Quốc hội, cho đến việc lập ra Hiến pháp, xây dựng Hiến pháp đầu tiên luôn luôn có sự chỉ đạo rất sát sao của Bác Hồ”./.

(*) Nguồn: Trung tâm SX & PT Nội dung Số

Thực hiện : Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/chu-tich-ho-chi-minh-guong-mau-bau-cu-quoc-hoi-thuc-hien-dan-chu