Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh, dẫn dắt nền ngoại giao Việt Nam (kỳ cuối)

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh thấm sâu, trở thành quan điểm, nguyên tắc, phương châm trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến” và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh

Trước khi lên đường thăm Pháp (31/5/1946), Hồ Chủ tịch gửi Cụ Huỳnh Thúc Kháng 5 chữ “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Năm chữ cô đọng mà hàm chứa tư tưởng lớn. Độc lập dân tộc, lợi ích quốc gia là bất biến, còn bối cảnh tình hình, ý đồ, hành động của kẻ thù thì thiên biến vạn hóa. Đây là triết lý về mối quan hệ biện chứng giữa mục tiêu và phương pháp, nguyên tắc và sách lược ngoại giao. Nếu chỉ nhấn “bất biến” sẽ trở thành giáo điều, bảo thủ; nếu chỉ biết “vạn biến” dễ chệch hướng, xa lạc mục tiêu. “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trở thành phương châm chỉ đạo của cách mạng, cẩm nang của nghệ thuật ngoại giao Việt Nam.

Xử lý khôn khéo quan hệ với các nước lớn là biểu hiện sinh động của nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Nhiều câu chuyện đời thường giản dị mà hàm chứa bản lĩnh, trí tuệ, sự sâu sắc, tinh tế, mẫn tiệp và hiệu quả trong xử lí mối quan hệ với các nước lớn, cả bè bạn và đối phương.

Giữa thập niên 1960, Liên Xô và Trung Quốc nảy sinh bất đồng căng thẳng, có thể đẩy Việt Nam vào thế “kẹt” trong quan hệ với 2 nước lớn. Chuyện kể rằng dịp nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchyov 70 tuổi, có ý kiến đề xuất bỏ chúc mừng. Gần đến ngày sinh nhật ông Khrushchyov, Bác mời Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam tới ăn cơm. Ly rượu đầu tiên, Bác chúc mừng đồng chí Khrushchyov 70 tuổi. Đại sứ Liên Xô báo cáo về nước, lãnh đạo Liên Xô hài lòng, gửi điện cảm ơn. Báo chí không đưa tin, Trung Quốc không có gì để phàn nàn. Khi Mao Chủ tịch gợi ý Việt Nam làm theo đại cách mạng văn hóa Trung Quốc, Bác nhã nhặn trả lời: “Việt Nam trước mắt không thể làm đại cách mạng văn hóa, chúng tôi cần làm đại cách mạng võ hóa đã”. Mao Chủ tịch vui vẻ đồng tình.

Hồ Chủ tịch đã khéo léo khước từ ý định đưa một bộ phận quân đội nước bạn tham gia chiến trường, tránh phức tạp về sau. Chúng ta luôn giữ nguyên tắc: Tôn trọng, cân bằng quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc; tạo cho 2 nước có vị trí nhất định trong cuộc kháng chiến, trên cơ sở đường lối độc lập, tự chủ. Quan điểm giữ cân bằng quan hệ với các nước lớn được vận dụng hiệu quả ngay từ giai đoạn đó, trong điều kiện cực kỳ khó khăn, ta cần sự ủng hộ của cả hai. Kết quả là Xô - Trung mâu thuẫn nhưng vẫn ủng hộ Việt Nam.

Ngày 18/5/1946, lần đầu tiên báo Cứu quốc công bố ngày sinh của Hồ Chủ tịch, cũng là ngày thành lập Mặt trận Việt Minh. Tổ chức sinh nhật trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn trái với tính cách của Người. Nhưng ý nghĩa đặc biệt sâu xa là để xử lý tình huống ngoại giao. Khí thế rầm rộ của các đoàn thể, nhân dân biểu thị sức mạnh đoàn kết dân tộc; làm thất bại âm mưu tổ chức lễ đón Cao ủy Đông Dương d'Argenlieu để thị uy, phô trương thanh thế của Pháp.

Chính phủ Pháp tổ chức trọng thể Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sân bay Le Bourget, thủ đô Paris ngày 22/6/1946. (Ảnh tư liệu)

Chính phủ Pháp tổ chức trọng thể Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Sân bay Le Bourget, thủ đô Paris ngày 22/6/1946. (Ảnh tư liệu)

Trong chuyến thăm Pháp năm 1946, Hồ Chủ tịch có các cuộc tiếp xúc với nhiều chính khách, lãnh đạo đảng phái chính trị, bộ trưởng, tướng lĩnh Pháp… Qua hoạt động ngoại giao, Người giành được thiện cảm của nhiều chính khách, giới tinh hoa; nhà cầm quyền Pháp vừa e ngại vừa tôn trọng.

Nghệ thuật, phong cách ngoại giao giản dị, gần gũi, ứng xử linh hoạt, bản lĩnh, khôn khéo, giúp Việt Nam vượt qua các tình huống phức tạp, nhạy cảm, giữ vững độc lập, tự chủ, quan hệ với bạn bè, tận dụng mọi cơ hội, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến lợi ích quốc gia, dân tộc, không để kẻ thù lợi dụng, tạo cớ gây căng thẳng.

"Chỉ có qua học tập, qua sự cố gắng của từng cá nhân và cả ngành thì công tác ngoại giao mới đáp ứng nhu cầu của đất nước". (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

“Ngoại giao tâm công”, đặc trưng nổi bật của nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Kế thừa truyền thống dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng nghệ thuật “Ngoại giao tâm công” lên tầm cao mới. Đó không phải là hành động khôn khéo bề mặt mà xuất phát từ bản tính nhân văn, nhân ái, hòa hiếu, yêu hòa bình, phát huy giá trị văn hóa, điểm tương đồng, chinh phục lòng người bằng chính nghĩa, lẽ phải, đạo lý, nói đi đôi với làm; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè, nhân dân thế giới, cảm hóa đối phương.

Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh thấm sâu triết lý phương Đông: Đừng làm những điều mà bạn không muốn người khác làm cho mình. Với bạn bè luôn thủy chung, chân thành, tận tình, tận nghĩa; với đối phương thì khoan dung, tìm cách hạn chế tổn thất cho nhân dân cả hai bên. Người luôn vận dụng nhuần nhuyễn “ngũ biết”: Biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến. Vì thế, ngoại giao Hồ Chí Minh chứa đựng sức mạnh to lớn, lâu bền, vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo.

***

Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất”. Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru (1889-1964) viết: “Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta không chỉ được tăng thêm về sự hiểu biết mà chúng ta còn lớn lên về tầm vóc”. Nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam (1934-2007) đúc kết: “Ông là tiêu biểu cho một nền văn hóa, không phải là nền văn hóa châu Âu, mà có lẽ tiêu biểu cho nền văn hóa tương lai”.

Điều gì tạo nên sức mạnh và sự cuốn hút của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Đó là sự tổng hòa giữa một danh nhân văn hóa, lãnh tụ thiên tài và nhà ngoại giao kiệt xuất; sự kết tinh giữa truyền thống và hiện đại, triết lý, tinh hoa văn hóa Đông – Tây. Tư tưởng của Người có giá trị nhân văn sâu sắc, sự thấu hiểu và hình thức biểu đạt giản dị, gần gũi, ai cũng có thể cảm nhận được. Dùng hình tượng cái chiêng để nói về quan hệ giữa thực lực và ngoại giao là một trong rất nhiều minh chứng. Đặc biệt, cuộc đời, sự nghiệp của Người là biểu hiện sinh động về sự thống nhất giữa lý luận và hành động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam năm 1966. (Nguồn: TTXVN)

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh thấm sâu, trở thành quan điểm, nguyên tắc, phương châm trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; hình thành trường phái ngoại giao “cây tre”, góp phần đưa cách mạng Việt Nam vượt qua thách thức, giành thắng lợi to lớn.

Càng vinh dự, tự hào, càng phải phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tốt lời dạy của Người: “Chỉ có qua học tập, qua sự cố gắng của từng cá nhân và cả ngành thì công tác ngoại giao mới đáp ứng nhu cầu của đất nước”. Đó là cách thiết thực kỷ niệm ngày sinh của Người; để tư tưởng Hồ Chí Minh vững bền trong lòng dân tộc; ngoại giao luôn tiên phong, đồng hành cùng đất nước.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-khai-sinh-dan-dat-nen-ngoai-giao-viet-nam-ky-cuoi-227475.html