Chủ tịch huyện Anh Sơn: Chủ trương sáp nhập trường ở cả nước, không riêng huyện

'Huyện sẽ xem xét, việc gì bất hợp lý thì có thể điều chỉnh, còn những gì hợp lý và đúng chủ trương thì trước sau cũng phải triển khai', ông Quyền nói.

Liên quan đến việc, hàng trăm phụ huynh tại xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho con nghỉ học để phản đối chủ trương sáp nhập trường, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày 9/9, ông Nguyễn Việt Tiến – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lạng Sơn cho biết, học sinh đã đến trường, nhưng số lượng vẫn còn rất ít.

Ông Tiến thông tin thêm: “Theo báo cáo từ phía nhà trường, tại điểm trường Trung học cơ sở Khai Lạng ở xã Lạng Sơn chỉ có 32/ 153 học sinh của các khối 6, 7, 8 đi học. Tại điểm trường chính tại xã Khai Sơn chỉ có 9/52 em khối lớp 9 đi học”.

Cũng theo ông Tiến, trong ngày 8/9 đoàn lãnh đạo của tỉnh Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An và lãnh đạo huyện Anh Sơn cũng đã về tại địa phương để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Rất đông người dân tập trung trước cổng trường Trung học cơ sở Khai Lạng, cơ sở tại xã Lạng Sơn để phản đối việc sáp nhập trường trong ngày 7/9. Ảnh: Báo Nghệ An

“Thông qua kết luận của buổi đối thoại với người dân, lãnh đạo tỉnh và huyện cũng đã phân công các tổ chức đoàn thể, cán bộ công chức và trưởng thôn trên địa bàn làm nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân theo từng khu vực.

Tạm thời phương án được chúng tôi hướng đến là tiếp cận bằng hình thức nhỏ lẻ để làm sao cho việc vận động nhân dân cho con đi học đạt hiệu quả nhất.

Ngoài ra, để đảm bảo tinh thần học tập tốt nhất cho những học sinh hiện đang đi học, chúng tôi cũng yêu cầu cán bộ và các giáo viên trong trường đến động viên tinh thần các em đó.

Còn với những học sinh nào có thông tin rằng, các em muốn đi học nhưng có người ngăn cản thì chúng tôi cũng bố trí người để theo dõi và đi cùng các em đó đến trường, nếu có vấn đề gì đột xuất xảy ra thì có thể chủ động giải quyết”, ông Tiến cho hay.

Nêu lên các phương án để giải quyết sự việc này trong thời gian sắp tới, ông Tiến nói: “Thực hiện theo chỉ đạo trong Kết luận buổi đối thoại với người dân của đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền địa phương cũng đang tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân dân để người dân đồng thuận cho con đến trường đầy đủ, sớm nhất.

Bên cạnh đó, những vướng mắc của bà con nhân dân cũng sẽ được chúng tôi tiếp thu và đề đạt tinh thần lên với cấp trên”.

Về việc ổn định tại trường học, thầy Lê Đình Hà - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Khai Lạng cũng đã có những chia sẻ với phóng viên.

Theo đó, thầy Hà cho biết: “Để ổn định tâm lý cho số học sinh đã đến trường đi học, chúng tôi cũng đã bố trí các giáo viên cùng với lực lượng công an có mặt từ sáng sớm tại cổng trường. Mỗi lần có học sinh đến, đều sẽ có lực lượng để đón các em, không để cho ai ngăn cản việc vào trường và đi học chính đáng của các em đó.

Trong sáng ngày 8/9, tại trường đã xảy ra việc, có hơn 50 người dân ùa vào trường để đưa các học sinh ra ngoài, không cho học tiếp. Đáng nói, trong số này, có một số người không có con em đang theo học trong trường.

Vì thế, trong sáng hôm nay, an ninh tại trường cũng đã được thắt chặt để đảm bảo an toàn hơn cho các học sinh. Riêng các học sinh đã vào lớp, việc học tập của các em vẫn được nhà trường cho tổ chức diễn ra bình thường”.

Trao đổi thêm về việc này, ông Hoàng Quyền – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Anh Sơn cho biết, đề án sáp nhập Trường Trung học cơ sở Lạng Sơn và Trường Trung học cơ sở Khai Sơn thành Trường Trung học cơ sở Khai Lạng (đóng trên địa bàn xã Khai Sơn) đã được Ủy ban nhân dân huyện Anh Sơn thực hiện từ năm học 2018 – 2019.

Theo lộ trình, đầu năm học 2022 - 2023, toàn bộ khối 6, 7, 8 sẽ được chuyển về trường mới. Nhưng khi nhận được thông tin, nhiều hộ dân đã đồng loạt gửi đơn thư phản đối vì cho rằng quãng đường đến điểm trường mới quá xa.

Cũng theo ông Quyền, trước đó, khi nhận thấy người dân tại địa phương vẫn chưa đồng thuận nên vào tháng 7, Thường trực Huyện ủy Anh Sơn đã ra thông báo về việc tạm dừng sáp nhập, học sinh vẫn được đi học tại các điểm trường như năm học trước.

Tuy nhiên, quyết định này từ phía Ủy ban nhân dân huyện Anh Sơn vẫn không khiến cho người dân ở đây chấp thuận. Sau đó, người dân tiếp tục không cho con em đến trường để gây áp lực, yêu cầu huyện này phải hủy bỏ đề án sáp nhập trường đã ban hành từ 4 năm trước.

Như vậy, trước đó tại điểm chính của Trường Trung học cơ sở Khai Lạng, số lượng học sinh khối lớp 9 vẫn được đi học đầy đủ. Tuy nhiên, sau đợt phụ huynh phản đối sáp nhập thêm khối 6, 7, 8 thì số lượng học sinh khối lớp 9 tại đây cũng bị sụt giảm theo.

Ông Hoàng Quyền - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Anh Sơn. Ảnh: truyenhinhnghean.vn

“Sự việc cũng đang được tập trung giải quyết, hiện chúng tôi cũng đã đối thoại với người dân và ghi nhận được những động thái tích cực hơn.

Để đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh nên tạm thời chúng tôi vẫn để học sinh đi học tại điểm trường cũ như trước. Toàn bộ ý kiến ghi nhận được từ các buổi đối thoại chúng tôi sẽ xem xét chứ không thể bố trí ngay theo các yêu cầu của người dân đưa ra được.

Chủ trương về sáp nhập trường lớp là chung của cả nước chứ không riêng gì trên địa bàn huyện Anh Sơn, nên từng bước chúng tôi sẽ lên phương án giải quyết để có thể hài hòa giữa nhu cầu của người dân, quyền lợi học tập của học sinh và tiến độ thực hiện các chủ trương của Nhà nước.

Việc học tập của các học sinh đã được ổn định từ nhiều năm nay, thời điểm đó phụ huynh cũng đồng thuận, ý định sáp nhập theo kế hoạch trong năm học này khi phụ huynh phản đối chúng tôi cũng đã cho tạm dừng để xem xét, nghiên cứu.

Trong chuyện này, Ủy ban nhân dân huyện Anh Sơn cũng đã trên tinh thần lắng nghe ý kiến của người dân. Qua đó, nếu thấy cái gì bất hợp lý thì có thể điều chỉnh, còn những gì hợp lý và đúng chủ trương rồi thì trước sau gì cũng phải triển khai.

Tuy nhiên, việc xem xét và giải quyết sự việc ra sao thì cần có thời gian nhất định để nghiên cứu, còn trước mắt các học sinh không được đi học thì ảnh hưởng trực tiếp vẫn là quyền lợi của chính các em đó”, ông Quyền khẳng định.

Thông tin thêm về nguyên nhân được phụ huynh cho rằng, nếu chuyển về điểm trường mới sẽ xa hơn, học sinh đi lại vất vả hơn, ông Quyền cho hay: “Trên thực tế, hai điểm trường cũng chỉ cách nhau khoảng cách trung bình là 4,7km, có vùng lân cận thì học sinh đi học từ xã này sang xã khác cũng chưa đến 2 cây số.

Theo tôi, với địa bàn nông thôn thì khoảng cách như vậy không phải là quá xa. Hơn nữa, để chuẩn bị cho chủ trương sáp nhập thì chúng tôi cũng đã cho tu bổ đường sá, việc đi lại trong khoảng cách như vậy đối với các học sinh cũng tương đối thuận lợi, việc đi học của các em không còn quá vất vả”.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chu-tich-huyen-anh-son-chu-truong-sap-nhap-truong-o-ca-nuoc-khong-rieng-huyen-post229449.gd