Malaysia tranh cãi về ngành đất hiếm

Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố hóa học được sử dụng rộng rãi để sản xuất thiết bị điện tử hàng ngày như máy tính xách tay, máy ảnh, tivi hay điện thoại thông minh. Chúng cũng đóng vai trò chiến lược trong phát triển xe điện và năng lượng tái tạo. Trung Quốc hiện thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm khi sản xuất khoảng 70% và xử lý gần 90% nhu cầu của thế giới.

Ngành công nghiệp giá trị cao

So với 44 triệu tấn của Trung Quốc, Malaysia chiếm một phần nhỏ nguồn cung toàn cầu khi sở hữu 30.000 tấn trữ lượng đất hiếm. Để bảo vệ ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng và giá trị cao, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim giữa tháng này công bố kế hoạch cấm xuất khẩu nguyên liệu đất hiếm. Một mặt để tránh thất thoát tài nguyên, mặt khác đảm bảo lợi nhuận tối đa cho đất nước. Theo ông Anwar, ngành công nghiệp đất hiếm dự kiến đóng góp hơn 2 tỉ USD vào tổng sản phẩm quốc nội nước này vào năm 2025 và tạo ra 7.000 việc làm mới.

Địa điểm của dự án khai thác thí điểm NR-REE đầu tiên của Malaysia. Ảnh: CNA

Địa điểm của dự án khai thác thí điểm NR-REE đầu tiên của Malaysia. Ảnh: CNA

Theo Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia Nik Nazmi Nik Ahmad, bộ quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) khai thác nguyên tố đất hiếm không phóng xạ (NR-REE) đã được nội các trình bày và thống nhất về nguyên tắc. Theo các nhà chuyên môn, SOP cuối cùng cho khai thác NR-REE ở Malaysia sẽ phụ thuộc kết quả dự án thí điểm ở Tây Bắc. Dự án tọa lạc trên 11 thửa đất và có diện tích hơn 21 triệu m2, sử dụng phương pháp lọc tại chỗ để chiết xuất nguyên tố lanthanide.

Quá khứ ô nhiễm

Hầu hết các nhóm hoạt động ở Malaysia không ủng hộ chính phủ vì lợi ích kinh tế ngắn hạn mà phát triển ngành công nghiệp khai thác và xử lý đất hiếm trong nước, đặc biệt khi phần lớn tài nguyên này nằm ở những khu vực nhạy cảm với môi trường. Về nguy cơ cho sức khỏe con người, các tổ chức phi chính phủ nêu ví dụ nhà máy Đất hiếm châu Á (ARE) ở Bukit Merah, nơi được cho là nguyên nhân gây tỷ lệ mắc bệnh ung thư và tử vong cao trong cộng đồng. Trước khi bị đóng cửa vào năm 1994, ARE chủ yếu chiết xuất yttrium từ khoáng chất monazite. Quá trình này thải ra thorium - chất phóng xạ hiện được lưu giữ vĩnh viễn tại bãi rác ở dãy Kledang. Vấn đề chất thải phóng xạ cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh cãi trong quá trình xây dựng nhà máy xử lý đất hiếm của công ty khai thác mỏ Úc Lynas ở Pahang vào những năm 2010.

Trước những ý kiến phản đối, nhà địa chất Sia Hok Kiang cho rằng sẽ nghịch lý khi người ta chống lại đất hiếm mà vẫn tiếp tục sử dụng các sản phẩm như iPhone hay máy tính xách tay. Vì vậy, ông kêu gọi các bên nên tìm cách tối ưu hóa việc khai thác và kiểm soát. Trong khi đó, Bộ trưởng Nik Nazmi cho biết cần chấp nhận thực tế là bất kỳ sáng kiến phát triển nào (xây dựng đường sá, thị trấn, nhà ở, nông nghiệp, sản xuất…) chắc chắn tác động đến môi trường và con người. Điều cần làm là giảm thiểu tác động tiêu cực đồng thời tối đa hóa lợi ích. Theo ông Sia, các mỏ được phát hiện ở Malaysia là đất hiếm chứa nhiều nguyên tố “nặng” rất quan trọng đối với các công nghệ mới. Điều này đồng nghĩa để đảm bảo lợi ích kinh tế, quốc gia Đông Nam Á cần xây dựng ngành công nghiệp hạ nguồn tiên tiến đủ khả năng xử lý các nguyên tố thành vật liệu thay vì chỉ bán nguyên liệu thô. Tiến sĩ Badrulhisham Abdul Aziz, người đang làm việc với các thợ mỏ trong nước, cho biết Malaysia khai thác 5% trữ lượng đất hiếm cũng đủ để duy trì ngành công nghiệp trong 20 năm.

MAI QUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/malaysia-tranh-cai-ve-nganh-dat-hiem-a150516.html