Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Tham gia CPTPP giúp nâng cao nội lực, củng cố vị thế

'Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh', Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Q.Khánh

Sáng ngày 2/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Theo Tờ trình, việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương.

“Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh”, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP, nhất là các nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Ngoài thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế…

Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng… đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng đảm bảo sự vững chắc ổn định chính trị - xã hội.

“Với những cam kết đã đủ rõ, đủ chi tiết và có thể áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp Hiệp định này”, Chủ tịch nước đề nghị.

Để đảm bảo thực hiện Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan rà soát, hoàn thiện danh mục các luật, pháp lệnh, nghị định cần sửa đổi, bổ sung ban hành mới để phù hợp với các cam kết CPTPP.

Chính phủ kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 văn bản gồm 8 luật, 4 nghị định; kiến nghị ban hành mới 7 văn bản (6 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng); kiến nghị gia nhập 3 điều ước quốc tế.

Quá trình thực hiện hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nếu phát sinh văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung sẽ có kiến nghị để sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, căn cứ quy định Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan trong kỳ họp thứ 6 này.

CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng

Trình bày thuyết minh về Hiệp định, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay, thị trường các nước CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Vì vậy, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

“Theo kết quả nghiên cứu chính thức, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% - thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi”, báo cáo thuyết minh của Chính phủ nêu.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

CPTPP cũng được cho là sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế; tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo.

Kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000; dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo (ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày)…

Nhiều thách thức

Chính phủ cũng nêu nhiều thách thức khi gia nhập CPTPP.

Về thương mại hàng hóa, sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường 3 nước Canada, Mexico và Peru.

Xét theo mặt hàng, thịt heo, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Ngoài ra, một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, Chính phủ cũng khẳng định có nhiều giải pháp để khắc phục các thách thức.

CPTPP cũng đem lại thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế.

Để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động.

Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP cũng có thể làm cho một số DN lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Song Chính phủ nhận định, cơ cấu xuất nhập khẩu của phần lớn các nền kinh tế trong CPTPP không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam nên tác động chỉ mang tính cục bộ, ngắn hạn….

Riêng lĩnh vực lao động, Chính phủ nêu rõ, đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn.

“Thách thức này sẽ được giải quyết chủ yếu thông qua việc xây dựng những quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục thành lập, quản lý đăng ký hoạt động của tổ chức của người lao động; chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo trước Quốc hội.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tham-gia-cptpp-giup-nang-cao-noi-luc-cung-co-vi-the_t114c67n140739