Quan tâm thái quá là can thiệp vào tự do của mỗi người

Sự quan tâm thái quá, vô hình trung, đã can thiệp vào tự do của mỗi người.

Tôi muốn nói về trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên cán bộ Quận 1, TP.HCM, nay nghỉ hưu lái xe cứu thương miễn phí. Và một trường hợp khác mới đây, của một thí sinh Đường lên đỉnh Olympia bị dân mạng “ném đá” về cách ăn mừng chiến thắng bị cho là ngông nghênh, thiếu khiêm tốn.

Cách ăn mừng chiến thắng của Quán quân Nguyễn Thu Hằng.

Cách ăn mừng chiến thắng của Quán quân Nguyễn Thu Hằng.

Ở trường hợp của ông Hải thì người ta dõi theo ông và khuyên ông đủ điều. Ông đi tới đâu cũng có người chú ý, quay phim chụp ảnh, rồi đến hỏi han làm quen bắt chuyện. Một số còn khuyên ông nên thế này nên thế kia; bình luận, nhận xét công việc từ thiện của ông.

Sự quan tâm tới mọi người xung quanh rất quý, đáng trân trọng, thể hiện sự hiếu khách trọng nghĩa trọng tình của người Việt, nhưng cũng nên điều tiết ở mức độ vừa phải sao cho bản thân ông Hải không cảm thấy bất tiện.

Ở tuổi trên 50, ngũ thập tri thiên mệnh, ông Hải không còn trẻ để hồ đồ và bồng bột với các quyết định của mình; ông từng là cán bộ ở quận giàu có, sầm uất bậc nhất thành phố nên đã va chạm với đủ kiểu sang hèn, thấm mọi cung bậc hỉ nộ ái ố trong cuộc đời, biết quá nhiều ngõ ngách đời công chức. Những quyết định lúc cuối đời như thế không còn ở dạng lên men hay thai nghén nữa mà đã được nung nấu đủ chín để không phải hối tiếc hay băn khoăn.

Còn sự việc của em học sinh vừa chạm tay vào vòng nguyệt quế của Đường lên đỉnh Olympia thì có lẽ chúng ta quá khắt khe? Cách ăn mừng hay sự biểu lộ cảm xúc đầy cá tính của mỗi người nếu không vi phạm luật pháp, quy chế, chuẩn mực…, thì nên tôn trọng. Đấy là quyền mỗi cá nhân.

Ý định gọt giũa cho giống cái phổ thông là cách làm điên rồ nhất để tạo ra một xã hội “đồng phục” ý tưởng, “nhân bản” hành động; nhào nặn để từng người tròn vo không góc cạnh là bóp chết sáng tạo từ trứng nước.

Chuyện của ông Hải và em thí sinh tuy khác nhau nhưng giống ở chỗ đều được mọi người “quan tâm” trên mức bình thường. Ông Hải được quan tâm một phần vì tò mò, hiếu kỳ; em nữ sinh bị chú ý bởi thể hiện cảm xúc “hơi quá”, khác thường.

Tò mò và hiếu kỳ có lẽ là bản chất của con người. Chả phải ở ta mà Tây cũng thế, đời tư và chuyện riêng của các nhân vật đình đám luôn được một số tờ báo săm soi. Báo bán được tức là có độc giả. Có lẽ vì thế nên các quy định về bảo vệ quyền tự do cá nhân ở nhiều nước rất chặt chẽ.

Những quy định như thế quay trở lại giúp định hình một lối sống (hay văn hóa) tôn trọng cá nhân và sự riêng tư của mỗi người. Dù vẫn còn nhưng có lẽ xã hội phương Tây ít tọc mạch và quan tâm thái quá tới công việc của người khác.

Cái sự tò mò hiếu kỳ ở ta không phải tò mò quả táo rơi của Newton mà phần nhiều tò mò theo kiểu “quan tâm đến công việc nhau”. Sự quan tâm ấy đôi khi cũng cần thiết trong cuộc sống nhưng tùy mức độ, tùy nơi, tùy hoàn cảnh và tùy thời điểm.

Bây giờ nếu quan tâm quá đôi khi cũng khiến người được quan tâm khó xử và có thể gây phiền hà cho họ.

Tôi dám chắc sự chú ý quá mức của mọi người xung quanh lâu dần sẽ khiến ông Hải cảm thấy bị làm phiền hơn là hãnh diện với công việc của mình.

Các quốc gia văn minh (hoặc hướng tới văn minh) đều tối đa hóa tự do cho công dân của mình, mà muốn vậy đồng nghĩa với tối đa hóa quyền tự quyết của mỗi người. Bởi thế sự quan tâm thái quá, vô hình trung, đã can thiệp vào tự do của mỗi người./.

Ngọc Mai/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/quan-tam-thai-qua-la-can-thiep-vao-tu-do-cua-moi-nguoi-780697.vov