Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan tham quan Làng gốm Chu Đậu

Thăm làng gốm Chu Đậu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cùng tìm hiểu về một số nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam qua nghề gốm truyền thống Chu Đậu…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev trải nghiệm trực tiếp quy trình sản xuất gốm Chu Đậu. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ Chương trình thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, sáng 22/8, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã cùng Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev và Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Kazakhstan đến thăm Làng nghề gốm Chu Đậu (tỉnh Hải Dương).

Đây là một trong những làng gốm có lịch sử lâu đời và nhiều sản phẩm tinh xảo của nghệ thuật gốm Việt Nam, được trưng bày, giới thiệu ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thăm xưởng sản xuất. Ảnh: TTXVN

Tham quan Làng gốm Chu Đậu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã nghe giới thiệu những nét đặc trưng của gốm Chu Đậu và cùng chiêm ngưỡng các gian trưng bày sản phẩm gốm đặc sắc, thăm xưởng sản xuất-nơi các nghệ nhân của Làng gốm đang làm việc.

Sau khi cùng thử tạo hình một chiếc bình gốm, bày tỏ ấn tượng với độ tinh xảo, sự độc đáo, giá trị truyền thống của gốm Chu Đậu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Kazakhstan Kassym - Jomart Tokayev đã chúc mừng tỉnh Hải Dương và Công ty CP Gốm Chu Đậu (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) đã hợp tác phục dựng thành công dòng sản phẩm gốm lịch sử truyền thống rất quý; đồng thời mong muốn Hải Dương và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục quảng bá, phát triển và đưa gốm Chu Đậu tới khắp thế giới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart ký lưu niệm lên sản phẩm bình gốm Chu Đậu. Ảnh: TTXVN.

Thôn Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, thành phố Hải Dương, cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 km. Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, là biểu tượng của “nền văn minh lúa nước” có từ thế kỷ XIII và được tôn vinh là “Sản phẩm mang biểu tượng hoàng gia” vào cuối thế kỷ XVII.

Hiện các tác phẩm gốm Chu Đậu đã được trân trọng bảo quản và trưng bày tại 46 viện bảo tàng nổi tiếng ở 32 quốc gia trên toàn thế giới. Mỗi tác phẩm gốm Chu Đậu đều chứa đựng nhiều ý nghĩa, có những nét đặc trưng riêng, thể hiện ở kiểu dáng, màu men tro trấu, các hoa văn họa tiết tinh xảo, giàu bản sắc văn hóa thuần Việt. Gốm Chu Đậu giữ vị trí quan trọng trong lịch sử thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và là nghề truyền thống được truyền lại từ hàng trăm năm trước.

Kể từ khi Việt Nam và Kazakhstan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 đến nay, mối quan hệ giữa hai nước ghi nhận nhiều bước phát triển tích cực. Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Kazakhstan trên đà phát triển tốt đẹp.

Việc Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) ký Hiệp định Thương mại tự do vào năm 2015 đã mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước EAEU nói chung và với Kazakhstan nói riêng.

Từ khi EAEU được ký, kim ngạch thương mại Việt Nam-Kazakhstan tăng trưởng tích cực, trung bình khoảng 28%/năm. Kazakhstan là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong EAEU. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 600 triệu USD. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 1,5 tỷ USD vào năm 2030.

Hà Lê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-va-tong-thong-cong-hoa-kazakhstan-tham-quan-lang-gom-chu-dau.htm