Chủ tịch Quốc hội: Chất vấn vẫn là hình thức giám sát hiệu quả của Quốc hội

Cuối giờ chiều nay (15/8), phiên chất vấn đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết thúc tốt đẹp, với 107 lượt đại biểu đăng ký chất vấn, 54 đại biểu thực hiện quyền chất vấn, và 8 đại biểu tranh luận. Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn; tán thành và ghi nhận các giải pháp, các cam kết tại phiên chất vấn này.

Đối với lĩnh vực tư pháp, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế của ngành trong các mặt như: công tác tự kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật còn chậm; Luật Đấu giá tài sản và pháp luật có liên quan không còn phù hợp; công tác giám định tư pháp còn không ít hạn chế, bất cập; nổi lên là hạn chế trong công tác lập, xây dựng luật, pháp lệnh.

Qua phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra. Tập trung khắc phục cơ bản tình trạng chậm hồ sơ, đề xuất xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội không phù hợp với quy định Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tập trung rà soát hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các pháp lệnh, luật, nghị quyết theo tinh thần Nghị quyết kỳ họp thứ 5, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, nhất là tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn pháp lý liên quan đến các thị trường hàng hóa, dịch vụ, chứng khoán, bất động sản, mua sắm, đầu tư công, phòng cháy, chữa cháy, hoàn thuế giá trị gia tăng.

Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhu cầu thị trường trong nước phục hồi chậm, thị trường nông sản xuất khẩu có nhiều biến động, số lượng đơn hàng giảm, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng, kết nối điều hòa cung - cầu còn bất cập. Việc phát triển bền vững nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng còn nhiều thách thức.

Về khai thác, bảo vệ phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, phát triển giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với thủy sản, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu triển khai thực hiện các chương trình điều tra đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của thủy sản định kỳ 5 năm. Điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền đối với một số ngành nghề ở vùng biển phù hợp khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản. Tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU. Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi khai thác IUU và tiếp tục giải trình, vận động EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng của EC về thủy sản đối với Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, đi vào thực chất hơn; ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/chu-tich-quoc-hoi-chat-van-van-la-hinh-thuc-giam-sat-hieu-qua-cua-quoc-hoi-186345.htm