Chủ tịch Quốc hội: 'Cứ ra một luật là có thêm một quỹ'

Lãnh đạo Quốc hội cho rằng cần rà soát lại và đóng cửa những quỹ tài chính nhỏ ngoài ngân sách lập ra chỉ chăm thu, còn chi rất ít.

Ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018".

Kết quả giám sát lần này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho thấy bức tranh đầy đủ việc thành lập và hoạt động các quỹ tài chính. Cơ sở pháp lý hình thành các quỹ là khác nhau, có quỹ được lập do luật, có quỹ do Nghị định hay quyết định của Thủ tướng, và cũng có quỹ chỉ cần có Thông tư của các Bộ, ngành là được lập ra. Thực tế này cho thấy hệ thống pháp luật hình thành, quản lý, sử dụng các quỹ phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch, không rõ ràng.

"Rõ ràng cái này phải chấn chỉnh. Phải có cơ sở pháp lý thống nhất, ai được thành lập quỹ, nhất là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách", bà Ngân nói, đồng thời nhấn mạnh việc "quá nhiều quỹ được lập nên, làm phân tán nguồn lực Nhà nước".

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phân tích, rà soát, đánh giá lại quỹ nào hoạt động tốt, đúng tôn chỉ mục đích, mang lại hiệu quả thì giữ. "Những quỹ nhỏ không có hoạt động gì thì giải tán", lãnh đạo Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một Nghị quyết đánh giá thực trạng và hiệu quả các quỹ đem lại; đưa ra đề xuất, định hướng cần rà soát, đánh giá kỹ từng quỹ. Nghị quyết này cũng cần xem xét ban hành pháp lệnh hay luật để ra một cơ sở pháp lý về thành lập các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Quỹ nào hoạt động tốt, đúng tôn chỉ, mục đích mang lại hiệu quả thì tiếp tục cho phát triển, tồn tại. Quỹ nào hoạt động không rõ mục đích, không hiệu quả hoặc không hoạt động, thu nhiều - chi ít thì phải xem xét lại.

"Trước mắt trong các luật chuyên ngành không quy định thành lập quỹ, tránh tình trạng 'cứ ra một luật là có thêm một quỹ'", Chủ tịch Kim Ngân dứt khoát.

Giải trình tại phiên họp, theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện có 48 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trong đó 28 quỹ ở trung ương và 20 quỹ ở địa phương và phần lớn được thành lập trước khi Luật Ngân sách Nhà nước 2015 có hiệu lực thi hành (năm 2017).

Ông Dũng thừa nhận, hoạt động của các quỹ còn nhiều tồn tại. "Quá trình tham gia với các bộ ngành, Bộ Tài chính luôn đóng vai "ông ác" khi gần như nào Luật nào cũng quỹ, kể cả ở Luật Phòng chống tác hại rượu bia, chúng tôi cũng không đồng tình về việc có quỹ", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Góp ý tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, mục đích "đẻ" ra các quỹ là dùng vốn ngân sách nhà nước làm "mồi" để huy động các nguồn xã hội. "Thực tế lại cơ bản bố trí ngân sách nhà nước thôi, còn việc huy động thu hút các nguồn lực là rất hạn chế", ông Thanh nói. Trong khi, chi cũng khá nhiều vấn đề bất cập khi chi cho chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, chi cho tuyên truyền, quảng cáo, chi cho tổ chức bộ máy... "Có quỹ chi không hết còn gửi ngân hàng thương mại", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu và đề nghị chấn chỉnh việc này.

Cũng tại phiên họp này, Đoàn Giám sát đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, sử dụng các quỹ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bỏ ngay đối 6 loại quỹ, trong đó có quỹ bảo trì đường bộ và quỹ bình ổn xăng dầu.

Trước đề nghị này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh dẫn lại ý kiến của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, rằng nếu bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu thì thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát sẽ rất khó khăn, vì giá xăng dầu thả nổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả của nhiều mặt hàng khác. "Cần lộ trình xử lý vấn đề này, nếu bỏ ngay quỹ này thì sẽ khó kiểm soát được lạm phát", ông Thanh nói.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, Bộ Tài chính đã nhiều lần trình Thủ tướng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 83, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo ông, hiện xăng dầu sản xuất trong nước đã đáp ứng gần 80% nhu cầu, còn 20% là nhập khẩu, nhất là nguyên liệu sản xuất phần lớn nhập khẩu. Do đó, ảnh hưởng của giá xăng dầu thế giới với giá trong nước vẫn rất lớn.

"Trong điều hành chung, một tay chúng ta phải kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, một tay vẫn phải theo thị trường. Tuy nhiên, nếu có cú sốc của thị trường sẽ dễ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát", ông Dũng lý giải.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Vì vậy, ông Dũng nhìn nhận, nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày) như hiện nay, để giá xăng dầu biến động hàng ngày thì khi đó sẽ không cần quỹ nữa. Còn nếu theo cơ chế hiện nay thì vẫn cần thiết.

Về quỹ bảo trì đường bộ, theo ông Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã hai lần báo cáo Thủ tướng đề nghị bỏ quỹ này. "Thủ tướng đã đồng ý, giao Bộ Giao thông Vận tải sửa Nghị định 18 cùng Quyết định của Thủ tướng về thành lập quỹ", ông nói và cho hay, quỹ này tuy thành lập theo luật nhưng 5 năm qua không còn tồn tại vì đã đưa hết vào ngân sách.

Theo VNE

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chu-tich-quoc-hoi-cu-ra-mot-luat-la-co-them-mot-quy-546138.html