Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội lào đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm Quốc hội việt nam - Lào

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Lào, sáng ngày 27/9, tại thủ đô Viêng chăn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đồng chủ trì Hội thảo chuyên đề với chủ đề 'Chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm' và 'Công tác phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo giữa các cơ quan Quốc hội và Chính phủ và các Bộ ngành liên quan'.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ngành của Việt Nam và Lào.

“Chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm” và “Công tác phối hợp xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo giữa các cơ quan Quốc hội và Chính phủ và các Bộ ngành liên quan” là chủ đề có ý nghĩa rất quan trọng và phù hợp với yêu cầu của nhân dân trong điều kiện mở rộng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, liên hệ trực tiếp đối với hoạt động, nhiệm vụ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan hành pháp và tư pháp trong công tác quản lý và giải quyết các vấn đề của xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Quốc hôi Lào Pany Yathotou nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm Lào và tham dự Hội thảo chuyên đề giữa Quốc hội hai nước. Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou nhấn mạnh: Tiếp tục truyền thống mối quan hệ hợp tác và tình đoàn kết giữa hai Quốc hội Việt Nam - Lào đi vào chiều sâu trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, trong thời gian qua, Quốc hội Lào và Quốc hội Việt Nam đã coi hình thức cùng tổ chức hội thảo chuyên đề là một hình thức hợp tác thiết thực, hiệu quả nhằm trao đổi bài học kinh nghiệm lẫn nhau trong việc thực hiện vai trò lập pháp ngày càng vững mạnh. Hội thảo chuyên đề chung giữa Quốc hội hai nước lần này, các đại biểu sẽ tập trung vào hai chủ đề lớn về: giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm; xem xét, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đây là chủ đề có ý nghĩa rất quan trọng và phù hợp với yêu cầu của nhân dân trong điều kiện mở rộng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, liên hệ trực tiếp đối với hoạt động, nhiệm vụ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của các cơ quan hành pháp và tư pháp trong công tác quản lý và giải quyết các vấn đề của xã hội, nhất là trong việc giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, bảo đảm giải quyết những vấn đề tranh chấp trong xã hội một cách đúng đắn, theo quy định của pháp luật, công bằng, an toàn trật tự xã hội được bảo đảm. Cả hai chủ đề đều liên hệ trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, đến trách nhiệm của mọi bộ phận của Nhà nước, trong đó có cả Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải cùng nhau tham gia vào việc khuyến khích, thúc đẩy giải quyết các vấn đề của nhân dân một cách phù hợp, đúng pháp luật, bảo đảm quyền cơ bản của công dân theo quy định Hiến pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đồng chủ trì Hội thảo

Chủ tịch Quốc hội Lào đề nghị: “Các báo cáo viên của cả hai nước tập trung trao đổi thẳng thắn và hiệu quả về các nội dung của Hội thảo; tin tưởng, cùng với sự chuẩn bị chu đáo của các Ủy ban liên quan của Quốc hội hai nước cũng như các bộ, ngành liên quan của hai nước trên tinh thần mối quan hệ hữu nghị, tình đồng chí anh em. Hai Bên cần phát huy hơn nữa việc trao đổi về kinh nghiệm hoạt động giữa các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân một số địa phương của hai nước, tổ chức thực hiện vai trò lập pháp, giám sát trong lĩnh vực này để đề ra phương hướng hợp tác giữa hai Quốc hội thời gian tới, nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào nói chung và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác tốt đẹp, toàn diện giữa hai cơ quan lập pháp hai nước nói riêng”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị kim Ngân phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV của Việt Nam và nhiệm kỳ Khóa VIII của Lào, Quốc hội của hai nước đã 8 lần tổ chức Hội thảo chung, trong đó hai Chủ tịch Quốc hội đã đồng chủ trì 4 hội thảo. Có thể nói, quan hệ hợp tác nghị viện đặc biệt đó chỉ có thể có được giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào. Điều này càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Quốc hội hai nước đối với những vấn đề quan trọng của đất nước và là biểu hiện sinh động của quan hệ hợp tác ngày càng thiết thực, hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, các vấn đề này đã được quy định trong các bản Hiến pháp của Việt Nam, trong đó Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” (Điều 35, khoản 1). Tiếp đó, Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đã thể chế hóa các quy định của Hiến pháp. Việt Nam luôn xác định chính sách về việc làm là một trong những chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ngay từ sau đổi mới, Việt Nam đã có nhiều chương trình, kế hoạch và đầu tư ngân sách cho hoạt động này. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã có Chiến lược Việc làm giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm; Quỹ hỗ trợ việc làm... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiến hành triển khai đồng bộ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách trợ cấp mất việc làm, bảo đảm an toàn việc làm; chính sách hỗ trợ việc làm cho các đối tượng yếu thế trong xã hội... Việc đào tạo, nâng cao trình độ nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư và tạo điều kiện để người dân được đào tạo nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm có thu nhập. Cùng với việc triển khai đồng bộ thực hiện chính sách việc làm và giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, Việt Nam đang đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường phân cấp trong quản lý nhà nước về lao động - việc làm; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về chính sách, chế độ đối với người lao động và người sử dụng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với phát triển kinh tế toàn cầu ngày càng lớn như hiện nay.

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Hội thảo

Chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến chuyên đề về phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Việt Nam xác định rõ công tác xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Với phương châm “lấy dân làm gốc”, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia quản lý nhà nước theo tinh thần “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tập thể và cá nhân, năm 1998, lần đầu tiên Việt Nam đã ban hành Luật Khiếu nại, tố cáo. Đạo luật này đã kế thừa các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các văn bản dưới luật để việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung đến năm 2011, Việt Nam đã ban hành Luật Khiếu nại và năm 2018 đã ban hành Luật Tố cáo. Việc đổi mới này càng khẳng định tư tưởng của Việt Nam trong quá trình giải quyết xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo phải gắn với thực hiện “công bằng, dân chủ” trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, qua đó khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã có sự phối hợp khá chặt chẽ, nhịp nhàng trong vấn đề này, mặc dù công tác xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, có mặt nhạy cảm, cần nỗ lực hơn nữa để ngày càng đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào tại Hội thảo

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Việt Nam và Lào sẽ trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và làm sáng tỏ những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Quốc hội Lào; tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm, kết quả hợp tác, tích cực góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt, gắn bó tin cậy và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Các đại biểu Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào tại Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niện và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tham luận tại Hội thảo

Tại hội thảo, lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành của Việt Nam và Lào đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến việc phân cấp quản lý giữa các ngành liên quan đến giáo dục kỹ năng nghề nghiệp, tập huấn nghề nghiệp và đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường , xây dựng và quản lý Quỹ Lao động và Quỹ Đào tạo giáo dục nghề nghiệp để khuyến khích công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo tay nghề cho bền vững; Kinh nghiệm trong tiếp nhận, kiểm tra, nghiên cứu và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo và bài học rút ra từ thực tiễn giám sát và phối hợp trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân; Sự phối hợp giữa cơ quan Quốc hội với các bộ, ngành để thúc đẩy việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực này ở mỗi nước./.

Hải Yến - Quang Sỹ

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/cacvilanhdao/pages/hoat-dong.aspx?itemid=42063