Chủ tịch Quốc hội: Sắp xếp huyện, xã liên quan tới 'ghế của cán bộ', tâm tư là đương nhiên

'Tách ra thì có thêm ghế, nhập vào thì người thế này, người thế khác nên tâm tư là lẽ đương nhiên', Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện.

Sáng 11/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 của 6 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng.

Trước khi biểu quyết thông qua Nghị quyết, các đại biểu thảo luận thêm về đề án sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh Cao Bằng, do nội dung này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo đề án được trình, 4 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Cao Bằng sẽ thực hiện sắp xếp lại. Cụ thể, sẽ nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Báo cáo giải trình thêm về nội dung này, sáng nay, ông Lại Xuân Môn - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, qua đó giảm 38 xã và cả nghìn thôn xóm.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết thêm, trong quá trình xây dựng đề án, tỉnh lập đoàn đi tham quan học tập ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An. Qua đó rút kinh nghiệm khi thực hiện nên đạt sự đồng thuận rất cao, trên 90%.

Theo Bí thư tỉnh Cao Bằng, để có được kết quả như Đề án, tỉnh đã lập Ban Chỉ đạo, dưới đó là 5 tổ: Tuyên truyền vận động, Sắp xếp đơn vị hành chính, Giải quyết đơn thư khiếu nại, Sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ, Cơ sở vật chất như trụ sở, kinh phí.

Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhấn mạnh, việc triển khai đề án rất công khai, minh bạch, khách quan, vô tư, khoa học và đúng trình tự pháp luật. Qua 6 tháng triển khai, Thường vụ Tỉnh ủy chưa nhận được ý kiến nào không đồng thuận hay có vấn đề.

Bí thư tỉnh Cao Bằng cũng khẳng định, việc sáp nhập các huyện, xã theo đề án gây nhiều băn khoăn, vì có người tăng chức, có người xuống chức, có người đang ở gần lại phải đi xa. Tuy nhiên, Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra kịch bản giải quyết những khó khăn khi thực hiện đề án sáp nhập và nhận được sự đồng thuận rất cao.

Riêng việc sáp nhập 4 huyện Trà Lĩnh với Trùng Khánh và huyện Phục Hòa với Quảng Uyên, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn cho biết việc sáp nhập này được Tỉnh ủy, HĐND và cử tri đồng thuận cao. Bởi việc sáp nhập 4 huyện này về lâu dài sẽ phát triển kinh tế tốt hơn, phòng thủ quốc phòng tốt và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Sau khi nghe Bộ Nội vụ và nhiều bộ ngành cũng như tỉnh Cao Bằng giải trình thêm trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nội dung này đã rõ hơn so với phiên thảo luận chiều qua (10/2).

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngoài tiêu chí như diện tích tự nhiên, dân số, việc sáp nhập phải tính tới yếu tố quốc phòng an ninh, truyền thống văn hóa lịch sử, tâm tư tình cảm của nhân dân và vấn đề sau khi nhập rồi thì triển vọng phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân thế nào. "Cái này mới là quan trọng".

“Tách ra thì có thêm ghế, nhập vào thì người thế này, người thế khác nên tâm tư là lẽ đương nhiên”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước khi kết lại vấn đề, Chủ tịch Quốc hội lưu ý Đại hội Đảng sắp diễn ra, các địa phương cần ổn định để triển khai nhiệm vụ, nhưng không phải vì thế mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết một cách thiếu cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ tin tưởng cơ sở giải trình của tỉnh Cao Bằng, của Chính phủ và cơ quan thẩm tra nên đồng ý theo phương án được trình.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-sap-xep-huyen-xa-lien-quan-toi-ghe-cua-can-bo-tam-tu-la-duong-nhien-ar527101.html