Chủ tịch Quốc hội: Tài sản tham nhũng phải tịch thu

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, thời gian qua cho thấy, một số cán bộ công chức, viên chức có tài sản rất lớn nhưng không giải trình được hợp lý nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý việc này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 27. Ảnh: Quang Khánh.

Ðưa cấp trên ra tòa có khả thi?

Ngày 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 3 về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó tập trung vào hai phương án xử lý qua đường tòa án hay bằng thu thuế đối với loại tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Về việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình phương án xử lý theo đường tòa án, nhưng lại băn khoăn về tính khả thi, không biết có thực hiện được không?

Ông Phúc nêu thực tiễn trước các kỳ đại hội, bầu cử, đơn thư tố cáo tăng rất nhiều. “Với quy định này thì đơn thư sẽ tăng rất nhiều lần, chủ yếu là về kê khai tài sản. Trong khi cơ quan xác minh kiêm nhiệm thế này thì có xử lý được đơn thư dồn dập như thế không?”, ông Phúc lo ngại.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, với người Việt Nam thì cái tình, cái lý khó nói ranh giới. “Cấp dưới chuyển tòa án về tài sản của cấp trên thì khó chứ không dễ. Ví dụ Ban Công tác Đại biểu mà kiểm soát tài sản của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ thì Trưởng Ban có dám ký chuyển không. Không chuyển thì cũng khó vì thực tiễn cuộc sống nó thế”, ông Phúc băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến, phải trở lại cái gốc của vấn đề là kiểm soát dòng tiền và tài sản. Ông ủng hộ theo chính sách thuế, còn xử lý hành chính là do quy định nội bộ. Đảng thì Đảng quy định, chính quyền thì chính quyền quy định, như vậy sẽ gọn hơn. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, dự thảo luật còn chưa nêu được thế nào là giải trình hợp lý, dễ dẫn tới “kéo nhau ra tòa, rồi cãi nhau”.

Với rất nhiều phương án được đưa ra, như qua con đường đánh thuế, phạt hành chính, đưa ra tòa, hay xử lý là hình sự… Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, với nền pháp luật của chúng ta thì không có một phương án nào đảm được tất cả các yêu cầu. Chính vì vậy, giờ phải “so bó đũa, chọn cột cờ”. Nếu phương án nào cũng “băn khoăn, e ngại” thì rất khó cho cả cơ quan soạn thảo lẫn cơ quan thẩm tra.

“Có hai vấn đề chúng ta từng làm là cấm đốt pháo và bắt buộc đội mũ bảo hiểm với người đi xe máy, rồi vừa qua là thay đổi chỗ ngồi trong phòng xét xử, lúc đó cũng rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí phản ứng dữ dội, nhưng quyết tâm rồi chúng ta cũng làm được”, bà Nga nêu quyết tâm.

Chuyển sang tòa làm gì cho phức tạp

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, muốn phòng ngừa tham nhũng, trước tiên phải quyết tâm thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các khoản chi tiêu từ 500 nghìn đồng trở lên. Như vậy, nếu có tham nhũng, có tiền trong nhà cũng không tiêu nổi.

Với tài sản chứng minh do tham ô mà có, luật đã quy định, dứt khoát phải tịch thu. Còn với tài sản chưa chứng minh được tham ô, chưa chứng minh được nguồn gốc thì phải xử lý ra sao? Trong trường hợp này, theo ông Hiển nên truy thu thuế. Theo tính toán của ông Hiển, nếu tính cả mức nộp, rồi tiền phạt thêm, tiền nộp chậm…thì tổng số tiền truy thu qua đường thuế có thể lên tới 145%. Nếu làm nghiêm, có khi còn thu vượt cả số tài sản người đó không kê khai. “Cứ theo con đường thuế mà thu, việc gì phải nặng nề, chuyển sang tòa, sang viện cho phức tạp ra”, ông Hiển nêu quan điểm.

Một số cán bộ có tài sản lớn không giải trình được

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đối với tài sản phạm tội, vi phạm pháp luật thì đã có Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rất cụ thể, rồi Luật PCTN hiện hành và dự thảo luật sửa đổi cũng quy định rất rõ là tịch thu tài sản do tham nhũng mà có. Cứ có nguồn gốc tham nhũng là tịch thu, xử lý.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quyết tâm chính trị của chúng ta là phải minh bạch thu nhập tài sản để phòng chống tham nhũng. Trong khi đó, việc kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán bộ công chức, viên chức có tài sản rất lớn nhưng không giải trình được hợp lý nguồn gốc. Nhà nước cũng chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý việc kê khai tăng thêm như thế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề cử tri quan tâm nhất không phải người tham nhũng bị tù bao nhiêu năm mà chỉ muốn biết tài sản tham nhũng đó thu hồi được chưa, và thu hồi được bao nhiêu? Tuy nhiên, khi xử lý vấn đề này cũng phải tính tới đặc điểm văn hóa của người Việt, người dân có truyền thống tích lũy nhiều đời. Rồi tài sản của cán bộ công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, ngoài lương có thể tăng thu nhập từ làm thêm giờ và nhiều hình thức khác.

Chốt phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sớm trình xin ý kiến Bộ Chính trị về hai phương án này, sau đó sẽ hoàn thiện trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới.

Thành Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chu-tich-quoc-hoi-nguyen-thi-kim-ngantai-san-tham-nhung-phai-tich-thu-1322541.tpo