Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam có thể lỡ nhịp tăng trưởng của thế giới

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng phân hóa. Những nước mở cửa sau như Việt Nam có thể phải đối mặt nhiều rủi ro về tăng trưởng.

Không chỉ bàn việc phục hồi kinh tế trong năm nay mà còn cả những năm tới là đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại tọa đàm "Tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội" do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế tổ chức sáng 27/9.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mở lại Diễn đàn Kinh tế thường niên sau thời gian gián đoạn từ 2017. Tọa đàm này là một trong những hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ diễn đàn, nhằm nghe chuyên gia góp ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nói ông không đưa ra kết luận, mà chỉ hệ thống hóa lại ý kiến của các chuyên gia, bởi nhiều vấn đề còn phải tiếp tục bàn thêm. Đây là cơ sở để xây dựng quyết sách của Quốc hội, tài liệu tham khảo cho các đại biểu, đồng thời phục vụ cho kỳ họp tháng 10 sắp tới.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc tọa đàm. Ảnh: Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc tọa đàm. Ảnh: Quốc hội.

Tính toán đến đà phục hồi kinh tế của thế giới

"Năm ngoái kinh tế Việt Nam khác thế giới khi chúng ta ở nhóm tăng trưởng cao. Nhưng năm nay, có thể là cả 2022, khi thế giới phục hồi mạnh, Việt Nam có thể gặp rủi ro lỡ nhịp tăng trưởng", ông Vương Đình Huệ nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trên thế giới đang có sự phân hóa 2 nhóm nước. Nhóm thứ nhất là các nước đang phục hồi mạnh, chủ yếu là quốc gia phát triển. Tiền đề của họ là chủ động nguồn vaccine, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, thực lực kinh tế tốt, tung ra các gói hỗ trợ hấp dẫn, thậm chí có nước "siêu nới lỏng" chính sách tài khóa và tiền tệ.

Đà phục hồi kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào đà phục hồi của nhiều đối tác lớn. Ảnh: Việt Linh.

Nhóm thứ hai là những nước đang phục hồi chậm, đối mặt với rủi ro bùng phát dịch bệnh trở lại, số ca tử vong có thể tăng lên. Đây là nhóm thuộc nhóm thị trường mới nổi, đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đặc điểm của nhóm này là chưa tự chủ vaccine, dư địa tài khóa tiền tệ chưa phải nhiều, thực lực còn yếu.

Khi mình có khả năng bắt đầu phục hồi, nhưng những đối tác lớn của chúng ta sẽ thắt chặt sớm hơn, thì đó là thách thức lớn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ông nhấn mạnh việc lỡ nhịp phục hồi hoàn toàn có thể xảy ra khi dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam là 3,5-3,8%, trong khi nhiều nước trên thế giới là 6%. Do đó, ông lưu ý cần phải coi trọng công tác dự báo, tính toán cả những yếu tố này trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, các nước đang phát triển còn có thể gặp rủi ro kép. Đó là khi trong trung và dài hạn, nhóm này phục hồi kinh tế thì nhóm nước tiên tiến hiện tại có thể thắt chặt trở lại chính sách tài khóa và tiền tệ, để đề phòng rủi ro lạm phát và hệ quả của "siêu nới lỏng".

"Chính phủ cần bàn kỹ vấn đề này. Khi mình có khả năng bắt đầu phục hồi, nhưng những đối tác lớn của chúng ta sẽ thắt chặt sớm hơn, thì đó là thách thức lớn", ông nói.

13,7 triệu người được thụ hưởng gói hỗ trợ 38.000 tỷ

Lắng nghe và tự tay ghi chép phần lớn ý kiến tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế, kể cả phần trao đổi, tranh luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhóm lại một số vấn đề như chiến lược chống dịch, chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, mở cửa kinh tế...

Ông đồng tình việc khi xuất hiện chủng mới Delta, dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ tư đã tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội, sức khỏe, thể chất và tinh thần của người dân. Dịch bệnh tác động rất nhanh và mạnh đến TP.HCM cùng các tỉnh trọng điểm phía Nam, nơi đóng góp 45% GDP cho cả nước.

Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương cố gắng để làm sao trong 15 ngày thực hiện xong, gói này sẽ chi rất nhanh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ông lo ngại kết quả này còn tiếp tục tác động đến mục tiêu tăng trưởng năm 2022 và nhiệm vụ trong giai đoạn 5 năm.

Ông Huệ cũng dẫn lại lời chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng mức tăng trưởng của Việt Nam bị sụt giảm một phần do tình hình y tế xấu đi và chương trình vaccine triển khai chậm.

Trong khi đó, các chương trình ứng phó, hỗ trợ có quy mô còn khiêm tốn. Sắp tới, Chính phủ sẽ tiến hành biện pháp hỗ trợ theo gói 38.000 tỷ đồng trích từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo tính toán, khoảng 13,7 triệu người được thụ hưởng trực tiếp từ gói này với mức hỗ trợ thấp nhất là 1,8 triệu đồng và cao nhất 3,3 triệu đồng/người.

“Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương cố gắng để làm sao trong 15 ngày thực hiện xong, gói này sẽ chi rất nhanh”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết 8.000 tỷ trong gói này được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

Hỗ trợ có mục tiêu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại ý kiến các chuyên gia về nhận định cần hỗ trợ cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn, trong đó ưu tiên chính sách tài khóa.

Ông cho biết nhiều người khuyến nghị tăng chi cho y tế, hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn như gói 30.000 tỷ vừa qua. Đồng thời, việc hỗ trợ phải có mục tiêu, có đích đến, có thời hạn cụ thể cho từng đối tượng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải có mục tiêu và đích đến. Ảnh: Nam Khánh.

Ông cũng cho rằng cần có giải pháp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như có thể cho phép chuyển lỗ nhiều hơn trong điều kiện hiện nay để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ dòng tiền.

Ngoài ra, có thể tính toán biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị lỗ bằng khoản chi phí trong giá thành cao hơn chi phí thực tế, nhất là trong chi phí về nhân công. Điều này có thể hỗ trợ doanh nghiệp có thực lực, nhưng đang bị lỗ.

Ngoài ra, khâu tổ chức thực thi chính sách cũng phải nhanh gọn, tăng cường đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Ông nhấn mạnh trước mắt phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh giao vốn vì hiện tại còn khoảng 80.000 tỷ chưa phân bổ được.

Về việc đẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội cho biết khi thị trường chứng khoán phát triển, nếu bán được, doanh nghiệp vừa thu hút được nhà đầu tư, vừa tăng thu cho ngân sách.

Về mô hình chống dịch, ông nhắc lại ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng dịch bệnh còn kéo dài, trên thế giới có nhiều mô hình chống dịch. Ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng, chuyển sang giảm tỷ lệ tử vong thay vào giảm ca nhiễm, đẩy nhanh tiêm chủng và đạt 60-70% dân số.

Do đó, Việt Nam nếu mở cửa thì phải mở có lộ trình, có kiểm soát, mở cửa theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng đối tượng doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào an toàn sẽ được ưu tiên xem xét mở cửa. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực của ngành y tế và nâng cao ý thức của cộng đồng.

Hiếu Công - Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-tich-quoc-hoi-viet-nam-co-the-lo-nhip-tang-truong-cua-the-gioi-post1266669.html