Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Khắc phục chuyện ngân hàng ngại cho vay, doanh nghiệp ngại đi vay

Chủ tịch Quốc hội lưu ý làm sao khắc phục chuyện doanh nghiệp ngại đi vay, ngân hàng ngại cho vay. Tại sao cũng cho vay hỗ trợ lãi suất mà Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn giải ngân tốt, hầu như không có nợ xấu… Không thể hy sinh, hạ chuẩn tín dụng là đúng, nhưng đây là nghệ thuật điều hành.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nộp tiền vào ngân sách mới giao đất Các chính sách hỗ trợ cần có mục tiêu, tránh can thiệp đại trà Chủ động các kịch bản chính sách tài khóa trong mọi tình huống Còn dư địa tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế

Tạo động lực và niềm tin cho người dân, doanh nghiệp

Chiều 18/9, phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế và Xã hội Việt Nam 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Diễn đàn được tổ chức với phiên toàn thể - tọa đàm cấp cao và 2 phiên chuyên đề, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và địa phương với hơn 450 đại biểu tham dự trực tiếp, kết nối 6 học viện và trường đại học.

Khẳng định chất lượng tại các phiên thảo luận chuyên đề, điểm lại nội dung chính trao đổi tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, diễn đàn lần này ghi nhận sự thống nhất cao trong đánh giá tình hình thế giới và Việt Nam. Theo đó dịch Covid-19 cơ bản kiểm soát và kinh tế trên đà phục hồi, nhưng cũng phát sinh những tình huống mới, vẫn có nguy cơ dịch chồng dịch. Xung đột địa chính trị làm trầm trọng thêm những khó khăn thế giới phải đương đầu. Tăng trưởng năm 2022 giảm một nửa trong khi lạm phát tăng gấp đôi, nhất là ở nhiều nền kinh tế lớn.

Ngược dòng thế giới, Việt Nam đạt tăng trưởng cao lạm phát thấp, dự báo tăng trưởng trên 7%, lạm phát có thể kiểm soát ở mức dưới 4%, dù Việt Nam có độ mở lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Các chỉ số về khả năng chống chịu, thích ứng phần lớn ở mức trung bình và khá. Các chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ đều đi đúng hướng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn

Đánh giá về việc triển khai các Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi kinh tế, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ý nghĩa đầu tiên là tạo động lực và niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Các chính sách này đều nhận được sự đồng lòng rất cao, với quá trình xây dựng kỹ lưỡng, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ, tác động cả tổng cung và tổng cầu, sử dụng chính sách tài khóa nhiều hơn chính sách tiền tệ, ban hành đúng lúc kịp thời.

Tính chung các gói chính sách đã ban hành từ năm 2020 đến nay đã đạt khoảng 8,3% GDP năm 2020, hơn gần gấp đôi mức bình quân 4,3% của các nước có trình độ tương đương Việt Nam. Nhiều diễn giả đánh giá đây là nhờ có vị thế của chính sách tài khóa, nền tảng vĩ mô, khả năng chống chịu của chúng ta khá tốt. Bên cạnh đó, còn có hàng loạt các chính sách, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đưa ra trong những năm qua - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Không nóng vội, kiên trì giữ ổn định vĩ mô

Về ý kiến cho rằng Việt Nam nên học tập kinh nghiệm thế giới là chính sách tài khóa nên chi tiền mặt nhiều hơn cho người dân, Chủ tịch Quốc hội cho biết biện pháp này chúng ta đã tính đến và cố gắng thực hiện theo hướng này bởi biện pháp này có tác dụng nhanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cùng lúc thực hiện nhiều phương pháp chứ không chỉ chi tiền mặt. Như thông tin được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, chúng ta đã chi trực tiếp từ ngân sách khoảng hơn 86.000 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ người dân, và hơn 340.000 tấn gạo hỗ trợ thời điểm khó khăn. Hay như việc giảm thuế GTGT 2% trong 2 năm, theo tính toán của Bộ Tài chính có thể làm giảm thu ngân sách lên đến 56.000 tỷ đồng. “Tiếc là không có nhiều hơn, nhưng đây là sự cố gắng lớn của chúng ta” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Phát triển các thị trường để khơi thông nguồn lực

Liên quan đến các thị trường như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường tiền tệ, bất động sản, các thị trường dịch vụ…, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây đều là mạch máu của nền kinh tế, phải để lưu thông, phát triển lành mạnh, bền vững, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông các nguồn lực, khắc phục những khiếm khuyết của thị trường, nhưng phải tạo điều kiện cho thị trường phát triển. Đánh giá cao việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội hy vọng chính sách mới sẽ góp phần khắc phục khiếm khuyết, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, như các ý kiến đánh giá tại Diễn đàn, quá trình triển khai chính sách đã được Chính phủ làm rất nghiêm túc, tích cực, nhất là khâu ban hành thể chế chính sách, đến nay cơ bản đã ban hành xong. Tuy nhiên, do có độ trễ, có những chính sách còn chậm triển khai. Về gói hỗ trợ 2% lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã xúc tiến ban hành từ sớm, việc triển khai ban đầu luôn có những khó khăn. Về đầu tư công, trong 1 năm hầu hết các dự án đã được lên danh mục, 6 dự án quan trọng quốc gia đã có khung khổ.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong tổng giá trị 347.000 tỷ đồng của gói chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43, phải loại trừ khoản định lấy trong dự trữ ngoại hối để mua vắc xin, ước khoảng hơn 40.000 tỷ đồng, do đó tỷ lệ thực hiện gói có thể cao hơn con số ước tính hiện nay.

Lưu ý về một số nội dung trong chính sách tài khóa, tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội cho hay có ý kiến nhận xét dự toán thu ngân sách quá thận trọng cũng có thể làm không gian tài khóa bị thu hẹp, ít chủ động hơn.

Toàn cảnh Diễn đàn

Về chính sách room tín dụng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định không thể nóng vội, phải kiên trì ổn định vĩ mô, có vĩ mô là giữ được tất, mất vĩ mô là rất khó khăn, giữ được vĩ mô cũng là giữ cho từng doanh nghiệp, ngân hàng. Vấn đề ở đây không chỉ là tổng mức tín dụng mà quan trọng là cơ cấu tín dụng thế nào, vốn đi vào đâu, làm sao để gói hỗ trợ lãi suất 2% vào khu vực kinh tế thực?

“Làm sao khắc phục chuyện doanh nghiệp ngại đi vay, ngân hàng ngại cho vay. Tại sao cũng cho vay hỗ trợ lãi suất mà Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn giải ngân tốt, hầu như không có nợ xấu, tổng dư nợ mấy trăm nghìn tỷ đồng. Agribank mỗi năm vẫn được cấp bù hỗ trợ lãi suất vài nghìn tỷ, tại sao họ vẫn giải ngân được? Tại sao lại bảo sợ đi vay, sợ không muốn cho vay. Không thể hy sinh, hạ chuẩn tín dụng là đúng, nhưng đây là nghệ thuật điều hành” - Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế và Xã hội Việt Nam 2022 sáng 18/9, chuyên gia kinh tế cấp cao của UNDP tại Việt Nam Jonathan Pincus có đề xuất về chính sách kích thích chi tiêu cho hộ gia đình là chuyển trực tiếp tiền mặt cho người dân.

Lắng nghe và trao đổi lại với chuyên gia về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với việc sử dụng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, ngay một lúc Việt Nam đã chi 38.000 tỷ đồng tiền mặt, sau đó, vẫn tiếp tục kéo dài chính sách này chi thêm hơn 1.500 tỷ đồng, cộng với 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà (theo Nghị quyết số 43) là vào khoảng 2 tỷ USD, chưa kể phần chi khá lớn của các địa phương nhằm trợ cấp trực tiếp cho người dân, người lao động.

“Những chính sách đó có tính là chi trực tiếp cho người dân hay không? Chúng ta đánh giá chỉ có vấn đề giảm thuế thì không hiệu quả nếu chưa chi trực tiếp cho người dân. Vậy kinh nghiệm quốc tế chi trực tiếp cho người dân như thế nào? Nguồn từ đâu và tỷ trọng là bao nhiêu? Chưa kể trong giai đoạn 2019-2020, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân của Việt Nam bằng tiền mặt là rất lớn…” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Mặt khác, trong khi nhiều nước có tỷ lệ lạm phát cao thì vừa qua Việt Nam lại duy trì được ở mức thấp. Theo Chủ tịch Quốc hội, đặc điểm ngân sách Việt Nam là dư địa tài khóa không nhiều nên thay vì chi tiền trực tiếp cho người dân thì giảm thuế GTGT 2% sẽ giúp bất cứ người dân nào cũng được hưởng, với số tiền ít hơn nhưng mua được nhiều hàng hóa hơn và thực thi rất nhanh. Chính sách này đã giảm thu ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-khac-phuc-chuyen-ngan-hang-ngai-cho-vay-doanh-nghiep-ngai-di-vay-112981.html