CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÀM VIỆC VỚI VĂN PHÒNG QUỐC HỘI.

Sáng 04/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì làm việc với Văn phòng Quốc hội. Tham dự buổi làm việc có các Phó Chủ tịch Quốc hội, Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Vụ thuộc Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội đã nghiên cứu kỹ các tài liệu của Văn phòng Quốc hội (VPQH) và cho rằng các báo cáo đã thể hiện sự chuẩn bị rất công phu, tâm huyết và có trách nhiệm. Tất cả các ý kiến, kiến nghị được tổng hợp nhanh, đầy đủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, muốn cho Quốc hội hoạt động hiệu quả, ngày càng chuyên nghiệp thì VPQH và Tổng Thư ký Quốc hội và Ban Thư ký cũng phải hoạt động có hiệu quả, có chất lượng, chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hoạt động của Quốc hội một phần phụ thuộc rất quan trọng vào công tác hoạt động của VPQH, Tổng Thư ký và Ban Thư ký.

VPQH có chức năng hành chính, tham mưu, tổng hợp, giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực thi các chức năng, nhiệm vụ theo hiến pháp quy định. Do vậy chất lượng của VPQH, Ban Thư ký và Tổng Thư ký tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động và tính chuyên nghiệp của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và của cả Quốc hội nói chung.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ý kiến đóng góp nêu tóm tắt, tập trung vấn đề trọng tâm, điểm lại những ưu điểm, nhược điểm, nêu ý kiến đóng góp thêm cho Tổng Thư ký, Ban Thư ký nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VPQH.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, để chuẩn bị cho cuộc làm việc này, VPQH đã chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng báo cáo gồm 4 tài liệu kèm theo. VPQH là cơ quan tham mưu, phục vụ cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc cũng như các Ủy ban.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, những kết quả, thành tựu mà Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV đã tổng kết, trong đó không thế không nhắc đến đóng góp của VPQH và Tổng Thư ký Quốc hội. Những hạn chế, tồn tại của Quốc hội nói chung cũng chính là hạn chế của VPQH. Thời gian tới, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần sửa đổi, bổ sung một số quy chế quy định, đổi mới thực hiện nhiệm vụ của VPQH trong việc tham mưu, tổng hợp, phục vụ, tổ chức thông tin truyền thông, đảm bảo an ninh an toàn, trong đó chủ trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội trong giai đoạn mới.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản báo cáo tóm tắt tình hình tổ chức, hoạt động của Văn phòng Quốc hội. Về chức năng, nhiệm vụ, Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Cơ cấu tổ chức, biên chế của VPQH có nhiều biến động trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV do tiếp nhận Truyền hình Quốc hội Việt Nam, tiếp nhận và sau đó bàn giao 63 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản cũng nêu rõ một số kết quả nổi bật đạt được của Văn phòng Quốc hội trong thời gian qua. VPQH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác, góp phần quan trọng vào thành công của Quốc hội, được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.

Báo cáo cũng nêu rõ tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân của những hạn chế này như khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, phát sinh, đột xuất. Nhiều nội dung phải phụ thuộc vào sự chuẩn bị của các cơ quan khác; tình trạng hồ sơ tài liệu chậm gửi hoặc chưa đầy đủ theo quy định vẫn diễn ra thường xuyên. Nguồn nhân lực mỏng, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ, gây áp lực thường xuyên cho đội ngũ tham mưu, phục vụ.

Báo cáo mà Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản trình bày cũng đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phương hướng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VPQH. Đồng thời Báo cáo của VPQH cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo đến 11 vấn đề trọng tâm nhằm nghiên cứu tiếp tục đổi mới, cải tiến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH, cách thức tổ chức kì họp Quốc hội, quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Báo cáo của VPQH đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban quan tâm đến 5 vấn đề như chỉ đạo sát sao công tác chuyên môn đối với đơn vị giúp việc trực tiếp; thúc đẩy, tạo điều kiện để công chức học tập, trao đổi kinh nghiệm, rèn luyện, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác thuộc lĩnh vực tham mưu, phục vụ…

Thảo luận các vấn đề trong báo cáo đưa ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định VPQH có 20 nhiệm vụ thì nhiệm vụ nào cũng đóng vai trò rất quan trọng. VPQH không chỉ đơn thuần là đơn vị gác cổng, toàn bộ hoạt động của Quốc hội đều có liên quan tới VPQH. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, buổi làm việc có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của VPQH, phục vụ cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sắp tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận thấy VPQH hoạt động có nề nếp, văn minh, sạch đẹp, an toàn, có hệ thống hoạt động chuyên nghiệp để phục vụ cho Thường trực Quốc hội và các Ủy ban. Công việc của VPQH rất nhiều, nhiều việc đột xuất, việc khó, đối nội đối ngoại từ trung ương đến các bộ ngành địa phương. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho rằng, đội ngũ VPQH đông, được đào tạo bài bản, nhiều cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với công việc, văn thư, lưu trữ, lễ tân phục vụ chuyên nghiệp… Nhìn chung các cán bộ, công chức, viên chức của VPQH chấp hành kỷ luật tốt.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị VPQH cần rà soát quy định, quy chế nhằm tránh chồng lấn chức năng, nhiệm vụ cũng như vấn đề kinh phí cần quan tâm điều chỉnh sao cho phù hợp, bình đẳng giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, nâng cao chất lượng hoạt động VPQH, Đảng đoàn Quốc hội, Đảng ủy và các đoàn thể của cơ quan, trọng tâm trọng điểm là Đảng Đoàn mạnh, Đảng ủy mạnh, đoàn thể cơ quan mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay. Đề nghị VPQH cần có tham mưu, đề xuất phù hợp, đúng quy định để đảm bảo tiết kiệm, không lãng phí, không thất thoát, có cơ chế phối hợp, tính toán đổi mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh VPQH cần quan tâm đến 2 nội dung lớn: Một là phục vụ cho Thường trực và các Ủy ban; Hai là vấn đề hậu cần như kinh phí, nhân lực, phương tiện, nhà ở, điều kiện, chính sách, đảm bảo yêu cầu phục vụ. Do vậy vấn đề này cần phải đổi mới, có giải pháp để phối hợp tốt với các Ủy ban.

Cho rằng VPQH thường xuyên tiếp xúc với lãnh đạo cao cấp, quốc tế đến thăm làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ sở VPQH cần thường xuyên nâng cấp, đảm bảo an toàn, văn minh, sạch đẹp, phối hợp với các Ủy ban đảm bảo vệ sinh, môi trường, cảnh quan, phục vụ chu đáo, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị VPQH quan tâm, đẩy mạnh công nghệ thông tin (CNTT), và băn khoăn vừa qua ứng dụng CNTT của cơ quan Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay hay chưa, hay chỉ mới áp dụng bước đầu chứ chưa thực sự sử dụng thành thạo CNTT trong hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho rằng chất lượng Truyền hình Quốc hội, Báo Đại biểu nhân dân hoạt động như thế nào để vai trò, vị trí của Quốc hội được nâng lên ở trong nước và quốc tế. Đây là vấn đề đặt ra rất lớn, do vậy Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị sắp tới cần đổi mới để nâng cao chất lượng hơn nữa.

Một vấn đề quan trọng khác mà Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh là làm thế nào để chăm lo tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần của công chức, viên chức cơ quan VPQH. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần có quỹ để chăm lo các vấn đề của cán bộ, công nhân, viên chức, có nguồn thu để tiết kiệm chi và làm cho cán bộ tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, cần quan tâm quy hoạch, bổ nhiệm đào tạo, ngoài ở thủ đô thì cũng cần quan tâm công tác này ở miền Trung và miền Nam.

Cho rằng công việc, nhiệm vụ của VPQH rất nhiều, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần phải có đổi mới, có trọng tâm trọng điểm từng tháng, từng quý trong năm để phục vụ cho Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Cho ý kiến về các vấn đề thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, VPQH có quá trình phấn đấu liên tục và trưởng thành, tiến bộ vượt bậc và có sự đổi mới rất lớn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nói đến VPQH thì chúng ta quan tâm đến 4 vấn đề lớn:

- Tham mưu, tổng hợp trên tất cả mọi lĩnh vực. Đây là bộ não hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo VPQH, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tham mưu, tổng hợp về chuyên môn.

- Công tác hậu cần kỹ thuật bao gồm cả an ninh;

- Đảm bảo thông tin, truyền thông;

- Giúp phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao các Vụ thuộc VPQH hoạt động hiệu quả, trong đó nhấn mạnh đến Vụ Pháp luật và Vụ Tổng hợp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp rất lớn vào thành công chung cho công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vừa qua, có nhiều đổi mới, nhiều ý tưởng mới.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị phân công sớm, kiện toàn lãnh đạo cấp Vụ, hiện tại cần thêm 1 Vụ phó điều hành công việc bởi hiện đang trong giai đoạn các Vụ trưởng đi vận động bầu cử ở các địa phương, do vậy cần phân công ngay 1 Vụ phó giỏi điều hành ở mỗi Vụ để kịp thời xử lý khối lượng lớn công việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần nghiên cứu xác định giá trị pháp lý của thảo luận tổ và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Ban hành nghị quyết chất vấn, nghị quyết phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban các vấn đề xã hội, Ban Công tác đại biểu, VPQH nên hình thành nhóm nghiên cứu để có quy định, hướng dẫn về đánh giá hoạt động của ĐBQH và khen thưởng đối với ĐBQH chuyên trách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình với đề xuất của VPQH đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, phối hợp các cơ quan nghiên cứu, có cơ chế điều động, biệt phái, luân chuyển công chức, viên chức giữa 4 Văn phòng Trung ương và các bộ ngành để tăng cơ hội tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn.

Các đại biểu thảo luận các vấn đề nhằm đối mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VPQH

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến phát biểu xoay quanh các vấn đề nhằm đối mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của VPQH như vấn đề nâng cao chất lượng thảo luận của phiên thảo luận tổ, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ viên chức, vấn đề chuẩn bị cơ sở vật chất cho kì họp Quốc hội khóa XV sắp diễn ra, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, nâng cao chất lượng của kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Báo Đại biểu nhân dân…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của VPQH và Tổng Thư ký Quốc hội cho buổi làm việc cũng như sự tham gia của VPQH làm việc với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu với tinh thần cầu thị, lắng nghe, chắt lọc các ý kiến để tiếp tục tham mưu cho các cơ quan hữu quan nhằm đổi mới hoạt động VPQH.

Chủ tịch Quốc hội cho biết báo cáo của VPQH được tổng hợp rất đầy đủ, tin tường rằng thời gian tới VPQH sẽ có giải pháp phù hợp để quyết định theo thẩm quyền, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, Quốc hội là cơ quan hành chính, phục vụ và tham mưu tổng hợp với phạm vi rất rộng với 15 nhóm nội dung. Khối lượng công việc rất lớn và ngày càng tăng theo nhiệm vụ được giao, trong đó nhiều việc đột xuất, yêu cầu nhanh về tiến độ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần chủ động hơn trong các công việc, thích nghi nhanh hơn, yêu cầu chất lượng cũng ngày càng cao. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội được quyết định bởi nhiều thành tố. Quốc hội ngày càng hoạt động chuyên nghiệp và hiện đại trong cả chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, công tác đối ngoại và các công tác khác. Muốn Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả thì Tổng Thư ký và Ban Thư ký ngày càng phải chuyên nghiệp và hiện đại trong công tác hành chính, tham mưu để nâng cao chất lượng hoạt động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Văn phòng Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản đồng tình các đề xuất như báo cáo đã nêu. Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị VPQH, Tổng Thư ký, Ban thư ký quán triệt sâu sát chủ tương, đường lối của Đảng, Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghiêm chỉnh chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cấp ủy Đảng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị VPQH nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của đội ngũ viên chức, công chức, người lao động. Đồng thời không ngừng nâng cao bồi dưỡng đội ngũ viên chức có năng lực, trình độ cao, chuyên môn vững, đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao. Chủ động đề xuất xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động từ các chuyên viên cấp Vụ. Chủ tịch Quốc hội đề nghị không ngừng cải tiến đổi mới cách thức, chế độ, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật kỷ cương; tăng cường ứng dụng CNTT; môi trường làm việc chuyên nghiệp, tích cực; tạo động lực, áp lực trách nhiệm lên từng cán bộ công chức và đơn vị trực thuộc; phát huy tính chủ động sáng tạo của công chức, viên chức, người lao động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần xây dựng văn hóa làm việc của VPQH, Tổng Thư ký và Ban Thư ký, nâng cao tính phối hợp, trách nhiệm vì mục tiêu chung, văn hóa của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện, gần gũi với nhân dân, với cử tri.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến vấn đề đổi mới, siết chặt kỷ luật kỷ cương, tạo môi trường lãnh mạnh, tích cực cho tất cả cán bộ công chức, viên chức của VPQH phấn đấu và trưởng thành là rất tốt. Đảng đoàn Quốc hội cũng rất quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phát huy dân chủ, đoàn kết trong tập thể, trong từng đơn vị để tạo sức mạnh tổng hợp, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, công tác thi đua khen thưởng, vấn đề quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, liên thông… phong trào văn hóa văn nghệ nhằm tạo không khí sôi nổi.

VPQH cần coi trọng, tăng cường sự phối hợp nội bộ giữa các cơ quan với nhau trong VPQH, giữa Quốc hội, Hội đồng Dân tộc với các Ủy ban của Quốc hội, tham mưu để thiết lập mối quan hệ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan liên quan. Chủ tịch Quốc hội cho biết tới đây sẽ rà soát lại quy chế làm việc, quy chế phối hợp…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị VPQH, Tổng Thư ký hiện thức hóa bằng các đề án, chương trình cụ thể để trình lên Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, có bước đi, lộ trình phù hợp, đảm bảo tính ổn định, kế thừa và phát triển, cần phải thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các chủ trương, đường lối

Chủ tịch Quốc hội đồng tình với 11 kiến nghị, đề xuất của VPQH đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo.

VPQH phối hợp tham mưu, phục vụ xây dựng chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội và xây dựng chương trình hành động của Văn phòng Quốc hội để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 161, tổ chức lớp chuyên đề cụ thể theo từng lĩnh vực, có kế hoạch cụ thể…

Phối hợp tham mưu, phục vụ tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; tham mưu, phục vụ tốt các kỳ họp thứ nhất, thứ hai của Quốc hội khóa XV, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do vậy cần chuẩn bị sớm các công việc của 2 kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là những vấn đề quan trọng nhất trước mắt cần tập trung. Các kế hoạch 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm, ngân sách các địa phương kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm và nhiều kế hoạch khác cần được chuẩn bị sớm.

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần xây dựng định hướng như công tác xây dựng pháp luật 5 năm hoặc dài hơi hơn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng là xây dựng chiến lược ban hành pháp luật như tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước, xây dựng chiến lược công tác lập pháp và chiến lược cải cách tư pháp nhằm chủ động hơn trong việc xây dựng pháp luật.

Chủ tịch quốc hội cho rằng cần tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để ngay sau khi Đề án biên chế sắp xếp, cơ cấu tổ chức được phê duyệt, khẩn trương kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy, đề xuất sửa đổi các văn bản có liên quan về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của VPQH.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Báo Đại biểu nhân dân. Hai cơ quan này đóng vai trò quan trọng nên cần có đề án riêng cho vấn đề này nhằm nâng cao vai trò và vị thế của của các cơ quan này./.

Bích Ngọc - Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=55253