Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Phải có tầm nhìn và khát vọng lớn hơn để Hà Nam thành tỉnh giàu, mạnh

'Phải có khát vọng lớn hơn, qua đó củng cố tư duy, tầm nhìn, ý chí tự cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam. Với tư duy, tiềm năng và đà phát triển như hiện nay, Hà Nam hoàn toàn có thể trở thành tỉnh giàu, tỉnh mạnh', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam chiều nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Như Báo ĐBND đã đưa tin, chiều nay, 14.5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh Hà Nam và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ động đồng hành, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nghe Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh Hà Nam từ đầu nhiệm kỳ đến nay; các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ. Đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ đã trao đổi cụ thể về các kiến nghị của tỉnh.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng sự phát triển nhanh chóng, thay đổi ngoạn mục của tỉnh Hà Nam – địa phương có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hiến, mảnh đất khoa bảng, quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa. Sau 26 năm kể từ khi tái lập tỉnh (1997-2023), từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn, Hà Nam hiện nay đã trở thành tỉnh phát triển rất năng động, kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc Tỉnh ủy Hà Nam đã tập trung ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục cải cách hành chính... “Điều này đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo bài bản của Đảng bộ tỉnh Hà Nam với định hướng, tư duy, tầm nhìn khá xa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2021 – 2022, dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid – 19, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam vẫn có bước phát triển tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,06%/năm - mức tăng cao so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Thu NSNN đạt bình quân gần 14 nghìn tỷ đồng/năm, bình quân tăng ngân sách đạt 13,95%/năm, cao hơn mức bình quân tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý, năm 2022, Hà Nam đã tự cân đối được ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ đạt xấp xỉ 93%, nông, lâm nghiệp, thủy sản còn khoảng 7%).

Quang cảnh cuộc làm việc

Du lịch khởi sắc, nhất là khi dịch Covid-19 được kiểm soát; phát huy tốt lợi thế của Khu du lịch Tam Chúc, kết nối hình thành các tuyến, điểm du lịch văn hóa, lịch sử, lượng khách du lịch tăng mạnh, bình quân 3 năm đạt gần 3 triệu lượt khách/năm. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Năm 2020, Hà Nam đã trở thành tỉnh thứ 4 trong cả nước được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội có chuyển biến tích cực; dịch Covid - 19 được kiểm soát. Các chính sách xã hội, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 được hỗ trợ kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm dần, năm 2022 chỉ còn 2,69%.

Ghi nhận việc Tỉnh ủy Hà Nam đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã xác định trong các tháng cuối năm 2023 và từ nay đến hết nhiệm kỳ.

Gợi mở thêm một số nội dung, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tỉnh Hà Nam cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Tỉnh; rà soát lại các chỉ tiêu, mục tiêu cần điều chỉnh, bổ sung, tăng cường đoàn kết, nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.

“Đặc biệt, Hà Nam cũng phải rà soát lại trong bộ máy, trong đội ngũ của mình, có giải pháp quyết liệt để nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, khắc phục thực tế như các đồng chí đã nêu là hiện nay có một bộ phận cán bộ còn đùn đẩy trách nhiệm, né tránh, sợ trách nhiệm làm cho công việc lòng vòng kéo dài, kể cả những người “tròn vo” không làm gì, giữ gìn với tâm lý không làm thì ít khuyết điểm... Đồng thời, phải quan tâm đến vấn đề quy hoạch, đào tạo cán bộ cho nhiệm kỳ sau”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Nam khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để khai thác, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của Tỉnh trên cơ sở phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, phát triển các vùng động lực. Khi phê duyệt xong thì nên tổ chức công bố Quy hoạch, triển lãm Quy hoạch để người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư nhìn thấy Quy hoạch, hình dung được 5 năm, 10 năm, tầm nhìn 20 năm, 30 năm tới Hà Nam sẽ phát triển như thế nào thì chắc chắn động lực, ý chí phát triển sẽ nâng lên.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Lâm Hiển

“Các đồng chí đặt mục tiêu xây dựng Hà Nam trở thành tỉnh khá thì cũng phải rà soát lại. Phải có khát vọng lớn hơn, qua đó củng cố tư duy, tầm nhìn, ý chí tự cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam. Với tư duy, tiềm năng và đà phát triển như hiện nay, Hà Nam hoàn toàn có thể trở thành tỉnh giàu, tỉnh mạnh”.

Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý tỉnh Hà Nam phải “hâm nóng” hơn nữa tinh thần kiến tạo.“Quốc hội giám sát, xây dựng pháp luật cũng phải kiến tạo phát triển. Địa phương càng phải đẩy mạnh tinh thần này. Tất cả mọi hành động phải đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân, phải chủ động hơn nữa chứ không phải chỉ là vấn đề tháo gỡ khó khăn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bảo đảm an sinh, tăng cường phúc lợi

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Hà Nam tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, phát huy những điểm sáng vừa qua trên tinh thần chủ động hơn nữa, đồng hành, hỗ trợ chính quyền thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh.

Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và phát triển văn hóa để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của phát triển. Hiện nay, cơ quan đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa theo tinh thần Hội nghị toàn quốc về văn hóa do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì vừa qua. Do đó, Hà Nam cũng cần chủ động nghiên cứu, có chương trình về chấn hưng, phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh để khi trung ương ban hành thì có thể triển khai được ngay.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tỉnh Hà Nam tiếp tục chú trọng lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận lòng dân thực sự vững chắc, giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, không để bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, phòng ngừa vi phạm và xử lý kịp thời những vi phạm, khuyết điểm.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và giao Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Trong đó, với đề xuất liên quan đến quy hoạch đất đai, Chủ tịch Quốc hội cho rằng do hiện nay luật pháp không quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh nữa nên việc triển khai trong thực tế chưa được bài bản.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong Nghị quyết về quy hoạch vừa qua, Quốc hội đã bổ sung một nội dung hết sức quan trọng là “Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất khi cần thiết”. “Có câu này thì tháo gỡ được về mặt pháp lý. Do đó, trường hợp Chính phủ thấy cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2023, kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong quy hoạch đã có đất dự phòng còn khi đã có chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ cho địa phương thì phải phân bổ hết chứ không thể có khái niệm tạm giao rồi bảo để lại một ít dự phòng. Ngày 2.5 vừa qua, Thủ tướng đã có Công điện số 360/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ, trường hợp nhu cầu sử dụng đất có phát sinh (tăng, giảm) so với chỉ tiêu được phân bổ thì gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan thực hiện nghiêm Công điện này, sớm rà soát và giải quyết xong từ nay đến cuối năm. Cần thiết điều chỉnh thì báo cáo Quốc hội. “Chúng ta bảo đảm minh bạch chứ không có xin – cho gì chỗ này cả”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Hà Nam sẽ sớm hiện thực hóa Mục tiêu chung đến năm 2025 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2050 trở thành đô thị thông minh, thành phố phát triển hiện đại, trung tâm công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, trung tâm mua sắm của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước với 3 trụ cột: kinh tế phát triển thịnh vượng - xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ, tự do - môi trường sinh thái là “Thành phố trong vườn”, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và các không gian đô thị - nông thôn, văn hóa, thể thao, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái theo hướng phát triển bền vững, xanh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, Thành phố Phủ Lý. Ảnh: Lâm Hiển

+ Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Nam, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý. Sau khi hoàn thành, nút giao Phú Thứ sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng trong việc kết nối cao tốc Hà Nội – Ninh Bình với hạ tầng giao thông của tỉnh Hà Nam, góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy hoạch tỉnh Hà Nam và quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, góp phần tạo ra không gian và động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Nam. Dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đã dự lễ khai trương Khu phức hợp thể thao Tượng Lĩnh.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-phai-co-tam-nhin-va-khat-vong-lon-hon-de-ha-nam-thanh-tinh-giau-manh-i328074/