Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu

Tối 20.12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Lễ trao Giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu VinFuture lần thứ hai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ trao Giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu VinFuture lần thứ hai. Ảnh: Lâm Hiển

Tham dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ trao Giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu VinFuture lần thứ hai. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng dự còn có các Đại sứ, đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture 2022, GS. Sir Richard Henry Friend và các thành viên Hội đồng Giải thưởng, Hội đồng Sơ khảo; các nhà khoa học...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ trao Giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu VinFuture lần thứ hai. Ảnh: Lâm Hiển

Giải thưởng khoa học công nghệ thường niên toàn cầu VinFuture được khởi xướng ngày 20.12.2020. Tiếp nối thành công của Giải thưởng lần thứ nhất năm 2021, Giải thưởng năm nay với chủ đề "Hồi sinh và Tái thiết" đã vinh danh các công trình, phát minh quan trọng giúp giải quyết thách thức lớn của nhân loại để hồi sinh sau đại dịch.

Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD được trao cho công trình kết nối công nghệ mạng toàn cầu của các nhà khoa học: Sir. Timothy John Berners-Lee, TS. Vinton Gray Cerf, TS. Emmanuel Desurvire, GS. Sir. David Neil Payne và TS. Robert Elliot Kahn. Sự ra đời của phát minh này đã thay đổi toàn diện phương thức làm việc, giao tiếp của con người, đặc biệt trong giai đoạn của công cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ 4, công nghệ mạng toàn cầu là nền tảng cho mọi sự kết nối và ra đời những công nghệ mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Lễ trao Giải thưởng Khoa học, Công nghệ toàn cầu VinFuture lần thứ hai. Ảnh: Lâm Hiển

Giải thưởng dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã được trao cho nhà khoa học Ấn Độ Thalappil Pradeep vì những đóng góp trong việc phát triển hệ thống lọc nước nhiễm asen với chi phí thấp, góp phần mang lại nguồn nước sạch cho người dân sinh sống tại các khu vực có nguồn nước ô nhiễm.

Giải thưởng dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới được trao cho TS. Demis Hassabis và TS. John Jumper với công trình tiên phong về hệ thống trí tuệ nhân tạo AlphaFold 2, mang đến cuộc cách mạng trong việc mô hình hóa cấu trúc protein, thúc đẩy những tiến bộ trong y sinh, y tế và nông nghiệp.

Giải thưởng dành cho Nhà khoa học nữ được trao cho GS. Pamela Christine Ronald với công trình nghiên cứu đột phá giúp phân lập một gen để tạo ra giống lúa năng suất cao chịu ngập hoàn toàn, góp phần giải quyết nhu cầu lương thực cho người dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ trao giải. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu tại Lễ trao giải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nồng nhiệt chào mừng các nhà khoa học, các đại biểu từ nhiều nước trên thế giới đã đến với Việt Nam, với Thủ đô Hà Nội để tham dự Lễ trao Giải thưởng VinFuture lần thứ hai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD cho các nhà khoa học: Sir. Timothy John Berners-Lee, TS. Vinton Gray Cerf, TS. Emmanuel Desurvire, GS. Sir. David Neil Payne và TS. Robert Elliot Kahn với công trình kết nối công nghệ mạng toàn cầu. Ảnh: Lâm Hiển

Với uy tín đã được thế giới công nhận từ Giải thưởng VinFuture lần thứ nhất, Giải thưởng năm nay đã có sự vượt trội cả về số lượng và chất lượng. Đã có 970 hồ sơ đề cử, đến từ hơn 70 quốc gia trên khắp 6 châu lục gửi về - tăng gần gấp 2 lần mùa giải đầu tiên. Về chất lượng, tỉ lệ đối tác đề cử là các tác giả thuộc nhóm 2% các nhà nghiên cứu hàng đầu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới cũng đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2021; tỉ lệ đối tác đề cử đến từ các nhà khoa học châu Á đạt 34,6%, đặc biệt, tỉ lệ đối tác đề cử đến từ châu Phi lên đến 12,4%, tăng hơn 6 lần so với năm 2021...

"Điều này không chỉ cho thấy nguồn cảm hứng mạnh mẽ từ Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu do người Việt Nam khởi xướng, mà còn mang tới cho chúng ta niềm hi vọng lớn lao về những công trình khoa học hữu ích với cuộc sống của hàng triệu người ở các quốc gia đang phát triển, hướng tới một thế giới phát triển công bằng hơn được khởi tạo từ khoa học và công nghệ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải thưởng cho GS. Pamela Christine Ronald. Ảnh: Lâm Hiển

Chúc mừng Giải thưởng VinFuture đã bước đầu khẳng định được uy tín và vị thế với giới khoa học quốc tế, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, với việc tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai, VinFuture đang thực hiện rất tốt sứ mệnh của mình.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên và Giáo sư Albert Pisano (Đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo) trao giải thưởng cho nhà khoa học Ấn Độ Thalappil Pradeep. Ảnh: Lâm Hiển

"Không chỉ là sợi dây gắn bó các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, VinFuture còn là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hóa những khát vọng khoa học lớn lao để phụng sự nhân loại, đúng như TS. Katalin Kariko, một trong những chủ nhân của Giải thưởng Chính Vinfuture lần thứ nhất đã nói “từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế”", Chủ tịch Quốc hội nói.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao cup và chứng nhận Giải thưởng Chính cho các nhà khoa học.

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-trao-giai-thuong-khoa-hoc-cong-nghe-toan-cau-i312072/