Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc giao đất, cho thuê đất phải qua đấu thầu công khai

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt yêu cầu này khi thảo luận về các báo cáo ngân sách tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/10.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị là phải thực hiện đấu thầu công khai việc giao đất, cho thuê đất nộp tiền một lần cho các mục đích kinh doanh thương mại. “Tôi cho là nhà nước thất thoát nhiều lắm trong quản lý đất đai. Giờ người ta làm giàu, các đại gia bất động sản phất lên đều từ chỗ này” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Về nguyên nhân, Chủ tịch Quốc hội nhận xét “làm theo kiểu này không rõ ràng, làm thất thoát tiền bạc của nhà nước lớn lắm, thất thoát không phải do tham nhũng mà chính là do cơ chế của chúng ta thiếu chặt chẽ”.

Liên quan tới các báo cáo ngân sách, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện theo đúng nguyên tắc, tiêu chí xây dựng dự toán ngân sách năm 2019. Theo đó, phải giữ đúng định hướng đã được Ban Chấp hành Trung ương thông qua, Bộ Chính trị đã xem xét, quyết định, áp dụng với quản lý trần nợ công và bội chi.

Cụ thể, những nội dung điều chỉnh liên quan tới đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nguồn sử dụng là từ dự phòng ngân sách, không chấp nhận đội trần 2 triệu tỷ đồng. Chủ tịch Quốc hội đồng ý xác lập trước các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên rồi để Chính phủ điều hành cụ thể. Nguyên tắc là các dự án, công trình mới thì phải đảm bảo tiêu chí cấp thiết, cấp bách mới làm.

Liên quan tới danh mục các công trình sẽ đầu tư trong kế hoạch vốn trung hạn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải chú ý tới những ý kiến để tháo gỡ cho các vùng khó khăn. Chẳng hạn có những dự án nhỏ như đề xuất của Tuyên Quang được bố trí 500 tỷ đồng giải phóng mặt bằng để làm đường đấu nối với cao tốc Hà Nội – Lào Cai, vì đó là khoản đầu tư nhỏ nhưng sẽ mang lại hiệu quả tốt.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xem lại Nghị định 126 để sửa đổi ngay trong quý cuối của năm 2018 vì nhiều nội dung quy định vẫn chưa tuân thủ luật ngân sách. Chẳng hạn, việc thoái vốn tại DNNN, lâu nay nguồn tiền đưa về Quỹ sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp là sai, vì tiền này phải nộp ngân sách.

Trả lời các yêu cầu của Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, đề xuất điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công trung hạn của Chính phủ tăng thêm 60 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư ODA là lấy từ phần giảm 60 nghìn tỷ của vốn trái phiếu Chính phủ chứ không phải từ nguồn dự phòng.

Về nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2 triệu tỷ đồng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng báo cáo là thực tế đã được quyết từ 3 năm trước. Trần đầu tư công trung hạn này được xây dựng trên cơ sở cân đối nguồn thu và dựa trên phương án mức tăng trưởng trung bình 5 năm đạt 6,75%.

Thực tế, bình quân 3 năm qua, mức tăng trưởng mới đạt 6,57% nên để 5 năm đạt được mức trung bình 6,7% là không dễ - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói, và khẳng định nếu có sử dụng nguồn ngân sách dự phòng, thì cũng cần xem xét kỹ.

Trọng Nhân /

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/chu-tich-quoc-hoi-yeu-cau-viec-giao-dat-cho-thue-dat-phai-qua-dau-thau-cong-khai-305791.html