Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô - Người kiến tạo thời kỳ mới cho Cu-ba

Ngày 19-4, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Cu-ba, đúng như dự đoán cũng như nguyện vọng của người dân trên quốc đảo Ca-ri-bê này, Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô đã tái cử chức Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng. Như vậy, Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô sẽ là người tiếp tục đưa đất nước Cu-ba vào thời kỳ phát triển rực rỡ...

Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô, người dẫn dắt Cu-ba phát triển. Ảnh: Reuters

Người em, người đồng chí số 1 của Phi-đen

Ra-un Ca-xtơ-rô sinh ngày 3-6-1931 và lớn lên cùng anh trai Phi-đen tại trang trại trồng mía của cha ở miền đông Cu-ba. Ra-un lớn lên đi học ở Xan-ti-a-gô và sau đó chuyển đến La Ha-ba-na học đại học, rồi gia nhập Đoàn thanh niên Cộng sản ở thành phố này. Ngay từ thời niên thiếu, ông đã thấm nhuần từ tưởng giải phóng Cu-ba của người anh trai bằng việc tham gia các hoạt động bạo động của sinh viên chống chế độ độc tài Phun-gen-xi-ô Ba-ti-xta.

Ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, ông đã đảm nhiệm chức sứ giả của Cu-ba đi làm nhiệm vụ ngoại giao ở các nước Đông Âu. Ra-un Ca-xtơ-rô có mối liên hệ mật thiết với quân đội và chính quyền Xô-viết và chính ông đã giữ vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng tên lửa của Cu-ba năm 1962.

Từ sau khi Cách mạng Cu-ba giành thắng lợi vào năm 1959, với danh tiếng “Bàn tay thép chính thống”, Ra-un luôn thể hiện là một quân nhân nghiêm khắc, mẫu mực, nói đi đôi với làm. Mặt khác, trong lĩnh vực xây dựng và phát triển đất nước, Ra-un Ca-xtơ-rô luôn có thái độ và chủ trương linh hoạt, mềm dẻo trong các chính sách phát triển kinh tế.

Sau khi Liên Xô giải thể, ông đã vài lần tiến hành cải cách nền kinh tế theo hướng phi tập trung hóa và tự hạch toán trong phạm vi nhỏ... Khi đó Cu-ba đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Chính sự kiên trì của Ra-un Ca-xtơ-rô trong thực hiện chế độ kinh tế thị trường tự do trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã đưa Cu-ba thoát được cuộc khủng hoảng. Năm 1997, khi đến thăm Trung Quốc, Ra-un Ca-xtơ-rô cũng rất quan tâm tới nền kinh tế xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc. Ra-un Ca-xtơ-rô cho biết, ông rất muốn tiến hành cải cách nền kinh tế dưới tiền đề giữ vững sự ổn định thể chế chính trị.

Chính vì thế, không khó hiểu khi Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố nghỉ hưu, người duy nhất được tin tưởng điều hành đất nước là Ra-un Ca-xtơ-rô. Bởi chỉ có ông, người chiến sỹ từng trải và mưu lược đã từng kinh qua cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, kinh qua các thời kỳ khó khăn nhất của đất nước mới đủ ý chí, nghị lực để tiếp tục đưa đất nước Cu-ba tiến theo con đường Xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân đã chọn.

Cu-ba vững bước hướng tới tương lai

Đánh giá về những thành tựu của Ra-un Ca-xtơ-rô trong nhiệm kỳ đầu tiên trên cương vị, Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cu-ba, có thể nói bên cạnh việc quyết định nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội và ngoại giao cởi mở thì có lẽ dấu ấn lớn nhất là việc ông đã đưa đất nước Cu-ba bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Với Cu-ba, bình thường hóa quan hệ với Mỹ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường bên ngoài lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong bối cảnh tiến trình cập nhật hóa mô hình nền kinh tế đang diễn ra ở đảo quốc Ca-ri-bê này cần có sự hỗ trợ về vốn, công nghệ và năng lượng từ bên ngoài. Tuy nhiên, Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô cảnh báo rằng các ý định của Oa-sinh-tơn với La Ha-ba-na vẫn không thay đổi, cho rằng "mục tiêu của Mỹ vẫn giữ nguyên và chỉ có phương pháp là thay đổi". Do đó, giới phân tích cho rằng thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Cu-ba đối với Mỹ trong thời gian tới chính là hợp tác để phát triển nhưng vẫn phải đảm bảo sự tôn trọng chủ quyền quốc gia, nền độc lập, hệ thống chính trị và mô hình xã hội chủ nghĩa mà La Ha-ba-na kiên định theo đuổi.

Về đối nội, một trong những thách thức đang đặt ra đối với Cu-ba là làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế một cách có hiệu quả với tốc độ được đẩy mạnh. Trong 5 năm qua, Cuba đã tiến “không ngừng, nhưng không vội”, như khẩu hiệu mà Chủ tịch Ra-run đã đề ra, với việc cấp phép và tạo điều kiện bước đầu cho các hợp tác xã phi nông nghiệp tự quản và các thành phần kinh tế tự doanh phát triển và thay thế một số doanh nghiệp nhà nước đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng ăn uống hay vận tải công cộng, tinh giảm biên chế nhà nước, ban hành Luật Đầu tư, xây dựng Đặc khu phát triển Ma-ri-en….

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định những thành công về kinh tế - xã hội trong thời gian qua vẫn còn khiêm tốn và chưa thực sự tương xứng với tiềm năng cũng như thế mạnh của đất nước. Một trong những trở ngại lớn nhất đối với công cuộc phát triển kinh tế chính là việc chưa thể thống nhất hệ thống "tiền tệ kép" phức tạp, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của nền kinh tế. Việc loại bỏ hệ thống này là một nhiệm vụ đầy thách thức, bởi có thể tác động đến sự ổn định tiền tệ, cán cân tài chính và sự bất bình đẳng. Ngoài ra, Cu-ba cũng cần giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng tài chính hợp lý, kiểm toán minh bạch và những đảm bảo về pháp lý để thu hút vốn nước ngoài chảy vào nước này, từ đó phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế.

Sau thành công rực rỡ về mọi mặt trong nhiệm kỳ đầu tiên, giới quan sát cho rằng, ở nhiệm kỳ tới, khi mà mối quan hệ Cu-ba - Mỹ đã “tan băng”, Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô sẽ tiếp tục đưa đất nước Cu-ba vững bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chu-tich-ra-un-ca-xto-ro-nguoi-kien-tao-thoi-ky-moi-cho-cu-ba/