Chủ tịch tỉnh Bình Dương yêu cầu làm rõ sai phạm vụ đấu giá nghìn tỷ tại dự án KDC Hòa Lân

Việc Thanh tra Bộ Tư pháp có kết luận chỉ ra nhiều sai phạm trong thương vụ bán đấu giá nghìn tỷ tại dự án KDC Hòa Lân (Bình Dương) là hết sức cần thiết và rất quan trọng. Thế nhưng, thay vì xử lý theo quy định nhằm khắc phục và tránh gây thêm nhiều hậu quả phức tạp thì các đơn vị liên quan đi làm ngược lại.

Dừng mọi giao dịch tại dự án KDC Hòa Lân chờ kết quả điều tra

Liên quan đến hàng loạt sai phạm trong việc bán đấu giá tài sản có giá trị lên đến nghìn tỷ tại dự án Khu dân cư (KDC) Hòa Lân (thị xã Thuận An, Bình Dương) mà Thanh tra Bộ Tư pháp đã chỉ ra và Pháp luật Plus đã phản ánh, mới đây, hàng loạt các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã chính thức vào cuộc làm rõ vụ việc.

Dừng mọi giao dịch liên quan dự án KDC Hòa Lân.

Dừng mọi giao dịch liên quan dự án KDC Hòa Lân.

Cụ thể, ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc, đồng thời trong khi chờ kết quả, nghiêm cấm mọi hình thức giao dịch tại dự án KDC Hòa Lân.

Về phía Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cũng thông tin, hiện vụ việc đang trong quá trình chờ cơ quan chức năng xem xét làm rõ nên vẫn chưa thể cho Công ty Kim Oanh chuyển đổi chủ đầu tư dự án.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, sau khi rà soát lại, xét thấy dự án còn vướng nhiều thủ tục, chưa đủ điều kiện. Mặt khác, Công ty Thiên Phú có đơn đề nghị ngăn chặn, do đó Sở chưa thể tham mưu cho UBND tỉnh về việc chuyển đổi.

Trong khi đó, liên quan việc Công ty TNHH SXTM Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) tố cáo Văn phòng Công chứng Thành phố Mới (Bình Dương) đã thực hiện công chứng Hợp đồng mua bán tài sản (số 01-10/2017/HĐMBTSBĐG ngày 01/7/2017) là dự án KDC Hòa Lân sai quy định khi UBND tỉnh Bình Dương chưa cho phép chuyển đổi chủ đầu tư, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương cũng đã vào cuộc xác minh và đang chờ kết quả.

Ngoài ra, theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh vào cuộc điều tra, làm rõ dấu hiệu bất thường của thương vụ đấu giá nghìn tỷ tại dự án KDC Hòa Lân mà báo chí gần đây đã phản ánh.

Có thể thấy, kể từ khi Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ ra hàng loạt sai phạm và báo chí phản ánh, hiện các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đang nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ vụ việc.

Trong đó, việc cấm tất cả các giao dịch liên quan tại dự án KDC Hòa Lân để phục vụ cho công tác điều tra là rất cần thiết, nhằm tránh tiếp tục xảy ra những hậu quả nghiêm trọng khác dẫn đến càng làm vụ việc thêm phức tạp và khó khắc phục.

Động thái “lạ” của Chi nhánh ngân hàng

Như Pháp luật Plus đã phản ánh, dự án KDC Hòa Lân do Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư. Do gặp khó khăn về tài chính nên ngày 17/4/2015, Công ty Thiên Phú đã ký biên bản thỏa thuận giao tài sản là dự án KDC Hòa Lân (có diện tích 490.765,1m2) để một Chi nhánh ngân hàng tại TP HCM xử lý thu hồi nợ.

Ngày 17/6/2015, Chi nhánh ngân hàng và Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn ký hợp đồng bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án KDC Hòa Lân với giá khởi điểm 1.467,7 tỷ đồng.

Trải qua 12 phiên đấu giá kéo dài từ năm 2015 đến 2017, Công ty A Đông Hải (nay đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Oanh TP HCM – viết tắt là Công ty Kim Oanh) trở thành đơn vị trúng thầu với giá 1.353 tỷ đồng.

Kết luận Thanh tra và Đơn khởi kiện của Công ty Thiên Phú.

Theo quy chế đấu giá và phương thức thanh toán sau đấu giá, thì Công ty Kim Oanh chấp nhận phương án trả ngay một lần cho tổng số tiền đã đấu giá thành trong thời hạn 45 ngày. Tuy nhiên, kể từ thời điểm trúng đấu giá đến nay đã gần 2 năm nhưng Công ty Kim Oanh vẫn chưa thanh toán dứt điểm số tiền trên.

Mặc dù nhiều lần vi phạm cam kết nghĩa vụ thanh toán trong thời gian dài nhưng Chi nhánh ngân hàng vẫn không có biện pháp xử lý dứt điểm theo quy định, thậm chí còn rất nhiều lần “ưu ái” cho Công ty Kim Oanh nhằm giãn thời hạn thanh toán. Chính điều này đã gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú và có nguy cơ gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Cụ thể, ngay sau khi ký Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá (ngày 01/7/2017) thì ngày 4/7/2017, Chi nhánh ngân hàng cùng với Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và đơn vị trúng đấu giá là Công ty A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) đã ký Biên bản thỏa thuận về việc sửa đổi nội dung Hợp đồng mua bán, theo đó quyết định kéo dài thời hạn thanh toán cho Công ty Kim Oanh.

Tiếp đó ngày 23/10/2018, Agribank Chợ Lớn có công văn số 235/NHNoCL-TD gửi UBND tỉnh Bình Dương và Sở Xây dựng Bình Dương khẳng định Công ty Kim Oanh vẫn còn nợ 478,2 tỷ đồng nhưng vẫn đề nghị các cơ quan trên chuyển đổi chủ đầu tư dự án KDC Hòa Lân cho Công ty Kim Oanh. Đồng thời Agribank cũng cho biết Công ty Kim Oanh sẽ trả hết số tiền còn thiếu chậm nhất đến hết tháng 12/2018.

Cam kết là vậy, tuy nhiên cũng như bao lần “hứa suông” trước, tính đến hết tháng 12/2018, Công ty Kim Oanh vẫn chưa trả hết số tiền còn lại. Lúc này, thay vì phải xử lý sai phạm theo các cam kết và quy định pháp luật, Chi nhánh ngân hàng lại vẫn tiếp tục “dung túng” dành cho Công ty Kim Oanh sự ưu ái đến khó tin khi ra công văn số 75/NHNoCL-KHDN ngày 23/2/2019, chủ động giãn thời gian trả nợ cho Công ty Kim Oanh đến ngày 31/3/2019.

Theo đại diện Công ty Thiên Phú, việc Văn phòng Công chứng Thành phố Mới (Bình Dương) là đơn vị hiểu biết pháp luật nhưng bất chấp các quy định đã cố tình công chứng cho Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá (KDC Hòa Lân) là rõ ràng có động cơ và mục đích không trong sáng ở đây.

Khó tin hơn, gần đây nhất, khi truyền thông liên tục lên tiếng về sự “bất thường” này thì ngày 6/3/2019, Chi nhánh ngân hàng lại ban hành Công văn số 88/NHNoCL-KHDN gửi UBND tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương để đề nghị các cơ quan này tạo điều kiện hỗ trợ Công ty Kim Oanh chuyển đổi chủ đầu tư dự án KDC Hòa Lân với lập luận rằng công ty này tiếp tục “hứa” sẽ thanh toán hết tiền nợ trong quý I/2019.

Điều bất thường là, chính những ưu ái này của ngân hàng lại đang đi ngược với biên bản thỏa thuận giữa đơn vị này với Công ty Kim Oanh về những nội dung được điều chỉnh trong Hợp đồng ngày 4/7/2017. Thỏa thuận này nêu rõ: “Agribank chỉ bàn giao quyền sở hữu tài sản khi Công ty A Đông Hải thanh toán toàn bộ số tiền 1.353.000.000.000 đồng”.

Đến lúc này, dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Vì sao Chi nhánh ngân hàng lại liên tục bất chấp quy định pháp luật, bất chấp việc Công ty Kim Oanh nhiều lần vi phạm các cam kết nhưng vẫn cố tình “dung túng” cho công ty này? Liệu có động cơ gì khác?

Liên quan vụ việc, phóng viên đã liên hệ đến Chi nhánh ngân hàng này tại TP HCM làm rõ các thông tin, thế nhưng đã nhiều ngày trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ đơn vị này.

Theo đại diện Công ty Thiên Phú, việc Văn phòng Công chứng Thành phố Mới (Bình Dương) là đơn vị hiểu biết pháp luật nhưng bất chấp các quy định đã cố tình công chứng cho Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá (KDC Hòa Lân) là rõ ràng có động cơ và mục đích không trong sáng ở đây.

Từ công chứng trái quy định này đã gây ra rất nhiều hậu quả và hệ lụy như: Ngân hàng không thể đơn phương hủy ngay Hợp đồng đã công chứng vì phải thông qua Tòa án; Công ty Kim Oanh chậm thanh toán tiền khiến Công ty Thiên Phú không thể tất toán được nợ gốc và lãi vay với số tiền thiệt hại rất lớn; ngân hàng cũng không thu được tiền theo tiến độ; rất nhiều thiệt hại đã xảy ra cho các bên.

“Ngay cả việc sau này Tòa án có hủy Hợp đồng trên thì việc giải quyết các hậu quả pháp lý do việc Văn phòng công chứng sai cũng sẽ rất phức tạp”, đại diện Công ty Thiên Phú cho biết.

Bảo Hà - Vũ Kiến Dân

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/chu-tich-tinh-binh-duong-yeu-cau-lam-ro-sai-pham-vu-dau-gia-nghin-ty-tai-du-an-kdc-hoa-lan-d92573.html