Chủ tịch Tôn Đức Thắng: Chiến sĩ tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam

Ngày 18/8, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo 'Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam' nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2018).

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đồng chí Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đã vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc, sự khốc liệt của chiến tranh, luôn gắn bó với đồng chí, đồng bào, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dù ở cương vị nào, đồng chí vẫn luôn là tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, tinh thần can trường, đức tính giản dị, liêm khiết để các thế hệ noi theo.

Lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương và Tổng LĐLĐ Việt Nam tại hội thảo. Ảnh: Lê Tuyết

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng khẳng định, hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Tôn Đức Thắng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có giá trị về lý luận và thực tiễn. Đây là dịp để chúng ta bày tỏ lòng tri ân đến đồng chí Tôn Đức Thắng - một hình mẫu của người công nhân Việt Nam về sự uyên thâm nghề nghiệp, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tiên phong cùng những cống hiến to lớn, quan trọng đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Đồng chí Tôn Đức Thắng được nhân dân yêu quý gọi với cái tên thân là Bác Tôn. Ngay từ đầu thế kỷ XX, đồng chí đã tham gia và lãnh đạo phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Bác Tôn là một hình mẫu tiêu biểu của người công nhân Việt Nam về sự uyên thâm nghề nghiệp, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tiên phong cùng những cống hiến to lớn, quan trọng đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Khẳng định vai trò của đồng chí Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Bác Tôn là người đã lãnh đạo phong trào công nhân Ba Son, Bác Tôn cũng là người cộng sản đã đấu tranh kiên quyết trong nhà tù ở Côn Đảo, Bác Tôn cũng là người cộng sản đã thực hiện tốt nhất những lời chỉ dẫn của Đảng, của Bác Hồ về việc thực hiện kỷ luật, thực hiện nguyên tắc tập trung – dân chủ trong Đảng”.

Còn theo GS.TS Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, trong cuộc đời mình, đồng chí Tôn Đức Thắng đã kinh qua nhiều cương vị, từ người công nhân bị áp bức bóc lột, người cán bộ công đoàn bí mật, người cán bộ Đảng ở địa phương đến cán bộ cấp cao của hệ thống chính trị cấp trung ương và trở thành nguyên thủ quốc gia, nhưng về tư tưởng, tâm hồn, phong cách, ông vẫn luôn luôn là người công nhân đích thực.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình nông dân nghèo tại Cù Lao Ông Hổ, tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Với uy tín lớn trong Đảng, trong nhân dân, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đảm nhiệm qua các chức vụ: Tổng Thanh tra Chính phủ, quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Hội trưởng Hội hữu nghị Việt Nam-Liên Xô. Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời ngày 30/3/1980.

B.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chu-tich-ton-duc-thang-chien-si-tien-phong-cua-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-78644.html