Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người con kiên trung của Nam Bộ thành đồng

Sáng nay, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Xã Mỹ Hòa Hưng - TP Long Xuyên - Tỉnh An Giang tổ chức Lễ mít tinh trọng thể và chương trình nghệ thuật đặc biệt nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Tham dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các bộ ban ngành từ trung ương tới địa phương, đại diện của các tầng lớp nhân sĩ trí thức...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao bức hình Bác Hồ và Bác Tôn tặng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh An Giang. Ảnh Trần Như

Cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 70 năm của Bác Tôn gắn liền với tiến trình lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân và cách mạng Việt Nam, trải qua bao gian lao thử thách từ người thợ máy Ba Son dũng cảm đến người chiến sĩ cộng sản kiên trung trong nhà tù đế quốc và đến khi đã là Chủ tịch nước, Bác Tôn vẫn luôn thể hiện phẩm chất của người dân Nam Bộ chân chất, giản dị, khiêm nhường, nêu cao phẩm chất sáng ngời của người cộng sản kiên trung; cần, kiệm, liêm chính, đoàn kết, gắn kết cộng đồng, tương thân tương ái, trọng nghĩa khí, cần cù, sáng tạo, chí công vô tư, thương dân nhất mực, Bác Tôn đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Hình ảnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng được khắc họa một cách sống động với nhiều cung bậc cảm xúc, được dẫn dắt, kết nối bằng những tác phẩm âm nhạc, bằng ngôn ngữ hình thể, đạo cụ, phục trang và thiết kế sân khấu... nhằm khái quát được cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn đầy khí thế và khát vọng của tuổi trẻ khi làm công nhân ở xưởng Ba Son hay anh Hai Thắng hình tượng trở thành người thợ máy Việt Nam duy nhất dũng cảm kéo lá cờ đỏ thiêng liêng lên đỉnh cột cờ thiết giáp hạm France và hát vang bài "Quốc tế ca" hùng tráng để ủng hộ Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, ủng hộ V.I. Lê-nin, ủng hộ chính quyền Xô-viết.

Ngược dòng thời gian, mùa thu 1888, trên Cù lao Ông Hổ, tỉnh An Giang - một sinh linh bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước. Chàng trai ấy sinh ra trên cõi đời này như một “định mệnh” dành cho Cách mạng... Thời gian trôi đi, cậu bé Tôn Đức Thắng ngày nào thành chàng thanh niên mang trong mình trái tim đầy nhiệt huyết tình yêu nước và khát vọng hòa bình bởi bài học đầu đời là bài học làm người, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đã được Tôn Đức Thắng ghi tạc trong tâm hồn, hun đúc lý tưởng cách mạng của chàng trai Nam Bộ.

Qua âm nhạc và lời ca, chân dung anh Hai Thắng, người công nhân mẫu mực được thể hiện qua tác phẩm: Người là Bác Tôn của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Hay trong Người thợ Ba Son của nhạc sĩ Phan Nhân; Và với Bài ca Hắc Hải của nhạc sĩ Kiều Tấn, hình tượng anh Hai Thắng vụt sáng giữa bầu trời quốc tế cộng sản - người quả cảm dương cao ngọn cờ vì Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại ngay trên tàu chiến hạm của Pháp mà không hề run sợ… Tất cả những hành động ấy thể hiện hình tượng cao đẹp của người Chiến sĩ Cộng sản Tôn Đức Thắng.

Hình ảnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong những năm bị tra tấn nơi "ngục tù Côn Đảo" cũng được khắc một cách rõ nét qua những tác phẩm được trình diễn, khiến những ai có mặt ở sân khấu lễ kỷ niệm 130 năm Chủ tịch Tôn Đức Thắng không khỏi ngậm ngùi rơi lệ.

Nhắc tới cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn sẽ là thiếu sót lớn nếu không nói tới người phụ nữ đôn hậu, kiên trung, quên cả bản thân mình vì chồng, vì con - đó là bà Đoàn Thị Giàu (tức Hai Oanh) quê ở Vĩnh Kim, Tiền Giang.

Đây là lần đầu tiên, một chương trình nghệ thuật quy tụ hàng trăm nghệ sĩ diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên tham gia với những màn trình diễn đầy ấn tượng. Chương trình do Tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các bộ, ngành liên quan và Công ty Newstar thực hiện. Tổng đạo diễn: Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn; Đạo diễn & dàn dựng sân khấu:Nghệ sĩ Dương Thảo; Kịch bản & lời bình: Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến; Giám đốc âm nhạc: Nhạc Sỹ Vy Nhật Tảo.

Câu chuyện về mối tình thủy chung son sắt của vợ chồng bác Tôn Đức Thắng khiến ai nghe cũng đều cảm động. Câu chuyện tưởng xa vời hóa ra là sự thật, đó là câu chuyện bàHai Oanh biết mặt Bác Tôn chỉ qua tấm ảnh chụp trong đám tang người em trai được gửi về từ Toulon cùng lời trăng trối muốn chị gái trở thành vợ của anh Hai Thắng. Họ cưới nhau như mối duyên tiền định sau 4 năm chờ đợi. Cuộc sống vợ chồng chỉ tính bằng ngày rồi sớm qua đi khi bác Tôn bị đầy ra Côn Đảo. Mãi 5 năm sau, lần đầu tiên bà Hai Oanh nhận được thư chồng qua vợ một người bạn tù, nhưng bức thư ông viết khiến bà đau đớn bởi ông khuyên bà nên đi lấy chồng để có nơi nương tựa.

Nuốt những tủi hờn và nước mắt vào trong, bức thư hồi âm bà viết: “Anh Hai! Nghe lời anh, em đã lấy chồng rồi. Chồng em là Tôn Đức Thắng ở Long Xuyên. Chúng em ăn ở với nhau đã có ba mặt con, nay phải xa nhau, dù bao năm nữa em cũng vẫn chờ!”.

Bác Tôn đã đi xa, nhưng trong trái tim mỗi người dân đất Cù lao Ông Hổ luôn nhớ về Người. Những lời căn dặn và ước nguyện của Bác Tôn đã và đang được các thế hệ người dân An Giang phấn đấu không ngừng, quyết tâm vượt qua khó khăn vươn lên học tập tấm gương trung thành, tận tụy, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, tăng cường đoàn kết, nêu cao ý chí tự lực tự cường, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, xây dựng An Giang không ngừng phát triển đi lên cùng đất nước.

Chương trình nghệ thuật cũng là dịp để nhân dân An Giang nói riêng, cả nước nói chung thể hiện sự trân trọng, tri ân công đức Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Minh Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/chu-tich-ton-duc-thang-nguoi-con-kien-trung-cua-nam-bo-thanh-dong-905556.html