Chủ tịch TP Hà Nội: Lập quy hoạch thủ đô còn lúng túng về quy trình

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, việc lập quy hoạch Hà Nội bị chậm do thành phố còn lúng túng trước vấn đề nguồn đầu tư và các thủ tục, quy trình phức tạp.

Đầu cầu Hà Nội tại Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050, ngày 20/4.

Tại Hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, ngày 20/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cho Hà Nội. Đến thời điểm này, Hà Nội mới xong bước chấm thầu để lập quy hoạch. Đây là việc khá chậm.

Theo ông Trần Sỹ Thanh, nguyên nhân ở đây bao gồm cả chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan do ở dưới địa phương còn rất lúng túng trong câu chuyện nguồn.

"Nguồn đầu tư công quy trình quá lâu. Việc làm quy hoạch đầu tư công quá lâu nhưng nếu làm nguồn vốn sự nghiệp thì không lại được phép. Hà Nội cũng lúng túng mất 6-7 tháng về vấn đề nguồn. Đợt này chúng tôi quyết tâm dứt điểm cho kịp và quyết tâm tháng 10 sẽ xong quy hoạch”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Một vướng mắc khác được Chủ tịch TP Hà Nội nhắc tới là thủ tục, quy trình còn dài và phức tạp. Cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập quy hoạch có 6 luật: Luật Quy hoạch 2017, Luật Đô thị 2009 và Luật Xây dựng 2014,b Bên cạnh đó là Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách.

“Tuy nhiên, khái niệm nội hàm, định nghĩa trong các luật này khác nhau. Luật Dự án quy hoạch, nhiệm vụ quy hoạch, đồ án quy hoạch… rất lủng củng. Đây là về mặt khái niệm khiến việc triển khai gặp khó”, ông Thanh nhìn nhận.

Nói riêng về câu chuyện áp dụng Luật Đầu tư công để chi tiêu đấu thầu, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, sau khi Thủ tướng phê duyệt kế hoạch là đấu thầu để lựa chọn nhà tư vấn, quy trình đấu thầu sẽ mất vài tháng.

Bên cạnh đó, cả nước hiện mới chỉ có một vài đơn vị đủ năng lực tư vấn, trong khi lập quy hoạch đang cần triển khai đồng bộ ở 63 tỉnh/thành phố. Khối lượng công việc rất nhiều, hiện cũng chưa có quy định một chuyên gia được làm bao nhiêu quy hoạch, nên ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các quy hoạch.

Chính vì vậy, lãnh đạo TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ ra Nghị quyết sửa một số điều để thời gian triển khai rút ngắn lại.

Ý kiến của ông Trần Sỹ Thanh cũng là lý giải nguyên nhân chậm trễ trong lập quy hoạch của TP HCM. Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, quy trình đấu thầu phức tạp nên quá dài, tư vấn ít nhưng nhu cầu nhiều.

“Đặc biệt đối với TPHCM, yêu cầu và nguyện vọng rất cao nhưng nguồn lực của ngân sách có hạn và muốn được có quy hoạch tốt thì thành phố cần có nguồn lực của bên ngoài, tức là xã hội hóa”, ông Hoan phân tích.

Ưu tiên giải quyết vướng mắc lập quy hoạch cho Hà Nội và TP HCM

Trước các kiến nghị của hai đầu tàu kinh tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, nếu có khó khăn ở đâu thì Hà Nội có thể tổ chức mời để các Bộ/ngành đến cùng Hà Nội giải quyết vướng mắc.

“Cần đặt bước đi mới có thể thành đường. Tôi đề nghị TP Hà Nội sớm triển khai. Lãnh đạo thành phố có thể nghiên cứu Nghị quyết 61 của Quốc hội đã nói rõ, các trường hợp liên quan đến dự án trong quy hoạch thì TP Hà Nội có đủ thẩm quyền để chỉ định cơ quan thực hiện tham gia đấu thầu”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở cho Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đồng tình với việc tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch vẫn chưa được như kế hoạch đề ra, một phần do công tác tư vấn còn gặp khó khăn, cần khắc phục để bảo đảm chất lượng. Vấn đề kinh phí cho công tác quy hoạch có những quy định chưa hợp lý.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị công tác thẩm định cần đổi mới để nhanh hơn, chất lượng hơn, tiếp thu, giải trình rõ ràng, khẩn trương; một số vướng mắc về pháp lý cần tiếp tục giải quyết, xử lý.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch.

Nội dung nào thuộc thẩm quyền thuộc Chính phủ thì Chính phủ thực hiện, thuộc các bộ, ngành thì các bộ, ngành thực hiện; thuộc thẩm quyền thuộc Quốc hội thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các các Bộ/ngành phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương, tuy nhiên dành nhiều ưu tiên hơn với hai thành phố Hà Nội và TP HCM để giải quyết các vấn đề ách tắc trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác quy hoạch nói riêng.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chu-tich-tp-ha-noi-lap-quy-hoach-thu-do-con-lung-tung-ve-quy-trinh-post20672.html