Khó xử lý nuôi chim yến tự phát tại khu dân cư

Để đầu tư một nhà nuôi chim yến cũng mất cả tỷ đồng nên phải những người có điều kiện mới đủ khả năng làm.

Trong buổi họp báo ngày 16/5/2019, ông Lê Văn Sum - phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, tình trạng nuôi chim yến tự phát tại khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn khó xử lý.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó xử lý nuôi chim yến tự phát tại khu dân cư khó xử lý được ông Sum nêu ra là do nhiều cán bộ của tỉnh Bạc Liêu cũng tự ý làm nên khi đi xử lý "khó" nói được ai.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Sum: "Riêng ở phường 5, TP Bạc Liêu nhà chủ tịch cũng nuôi yến thì nói gì nữa".

Nhiều cán bộ tỉnh Bạc Liêu cũng nuôi yến trong khu dân cư nên khó xử lý (ảnh minh họa)

Nhiều cán bộ tỉnh Bạc Liêu cũng nuôi yến trong khu dân cư nên khó xử lý (ảnh minh họa)

Ngày 17/5/2019, trao đổi thêm với Đất Việt về tình trạng này, ông Trịnh Hoài Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, hiện có hơn 1.000 nhà yến trong khu dân cư. Tình trạng tự phát này xảy ra phía Sở NN&PTNT Bạc Liêu đã thấy có vấn đề, mặc dù đã ban hành quy hoạch, định hướng cụ thể nhưng không giải quyết được tình trạng tự phát này gây mất môi trường, tiếng ồn.

Ông Thanh cho hay, theo quy định hiện nay, lãnh đạo huyện và thành phố là đơn vị cấp phép cho việc các hộ dân cư nuôi chim yến nên quyền kiểm tra, xử phạt cũng thuộc thẩm quyền của cấp huyện, thành phố. Chính vì thế, với những cán bộ nuôi chim yến tại khu dân cư cũng khó xử lý vì "không ai lại tự kiểm tra, xử phạt mình".

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Nam - Giám đốc Sở TN&MT Bạc Liêu chia sẻ khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng cán bộ nuôi chim yến là do khâu hậu kiểm của Sở Xây dựng và Sở NN&PTNT không được chặt chẽ.

"Khi mới xây nhà, đi xin giấy phép thì cán bộ thường nêu mục đích xây nhà ở nhưng khi thực hiện lại thay đổi công năng thành nhà nuôi chim yến" - ông Nam nói và cho rằng, nếu như khâu hậu kiểm tốt hơn thì chắc chắn sẽ không có chuyện cán bộ tự ý thay đổi công năng nhà để nuôi chim yến một cách phổ biến như hiện nay.

Đây cũng là vấn đề được ông Dương Chí Bình - Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu thừa nhận là "cái khó" trong việc xử lý tình trạng người dân xây nhà nuôi yến trong khu dân cư.

Nói về việc Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu hay những hộ dân khác cố tình thay đổi công năng nhà ở để thành nhà nuôi chim yến, ông Bình khẳng định, không phải do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn mà phải bất chấp các quy định, ô nhiễm môi trường để tăng gia sản xuất mà phải là những người "có điều kiện" mới nuôi được.

Theo tính toán của ông Bình, để dựng được một nhà nuôi yên tầm trung (từ 2 - 3 tầng) thì cũng phải mất cả tỷ đồng. Trong đó, tiền dựng nhà từ 300 - 400 triệu đồng, còn tiền mua phân chim yến, hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến cũng phải 600 - 700 triệu đồng.

"Không phải khó khăn kinh tế mà tự phát nuôi kinh tế mà phải là những người có điều kiện mới dám nuôi. Không những thế, lợi nhuận từ việc nuôi yến cũng rất cao nên nhiều người nuôi theo mặc dù ở trong khu dân cư và biết gây tiếng ồn, ảnh hưởng tới những người xung quanh" - ông Bình nói.

Vân Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/chu-tich-tp-nuoi-chim-yen-trong-dan-cu-nen-kho-noi-3380266/