Chủ tịch Trung Quốc thăm châu Âu nhằm hóa giải căng thẳng thương mại

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới 3 quốc gia châu Ậu ngay trong tuần này. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ góp phần giảm nhiệt mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu đang có xu hướng tăng nhiệt.

Phát biểu với báo giới hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có thăm cấp nhà nước tại 3 quốc gia châu Âu là Pháp, Serbia và Hungary từ ngày 5-10/5 tới.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Trung Quốc tới châu Âu trong 5 năm qua. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển chung trong quan hệ của Trung Quốc với Pháp, Serbia, Hungary, cũng như quan hệ Trung Quốc - châu Âu. Chuyến thăm cũng sẽ tạo ra những động lực mới mẻ cho sự phát triển hòa bình của thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong chuyến thăm, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, Tổng thống Hungary Tamas Sulyok và Thủ tướng Viktor Orban. Các cuộc gặp sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương và quan hệ Trung Quốc - Liên minh châu Âu, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Pháp sẽ là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu lần này.

Ngay sau thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Văn phòng Tổng thống pháp cũng phát đi thông cáo cho biết cuộc hội đàm tại Paris giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp sẽ tập trung vào các cuộc khủng hoảng quốc tế, trước hết là cuộc chiến ở Ukraine và tình hình ở Trung Đông, các vấn đề thương mại, hợp tác khoa học, văn hóa và thể thao. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các hành động chung nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, đặc biệt là tình trạng khẩn cấp về khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và tình hình tài chính của các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Chuyến thăm châu Âu lần này của ông Tập Cận Bình diễn ra trong thời điểm mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã xấu đi trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Liên minh châu Âu mở một cuộc điều tra về vấn đề trợ cấp nhà nước của Trung Quốc dành cho các hãng xe điện và tua bin gió của nước này. Đây được cho là một nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm bảo vệ một số ngành công nghiệp của mình trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ đến từ Trung Quốc. Động thái của Liên minh châu Âu sau đó đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Trong một tuyên bố mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa bảo hộ không thể giải quyết được vấn đề của chính mình. Chủ nghĩa bảo hộ đề cao sự lạc hậu. Chúng tôi kêu gọi Liên minh châu Âu tuân thủ các quy định và nguyên tắc thị trường của Tổ chức Thương mại Thế giới. Trung Quốc sẽ bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc”.

Dự kiến, cuối năm nay, Ủy ban Châu Âu dự kiến sẽ kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp đối với hoạt động sản xuất xe điện của Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến mức thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Khối này cũng đang xem xét các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành sản xuất tấm pin mặt trời, bao gồm cả cuộc điều tra chống bán phá giá.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, nếu Liên minh châu Âu kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp xe điện bằng cách trừng phạt ô tô Trung Quốc, Trung Quốc cũng có thể sẽ trả đũa. Năm ngoái, Trung Quốc cũng đã đáp trả các hạn chế xuất khẩu của Mỹ bằng cách đặt giới hạn đối với việc vận chuyển hai kim loại được sử dụng trong sản xuất chip của Mỹ là gali và gecmani.

Mới đây nhất, Trung Quốc cũng đã tung ra một loạt cảnh báo đối với Pháp, quốc gia được coi là một trong những nhân vật chính trong tranh chấp xe điện, bằng cách tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh của Pháp. Pháp là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ cuộc điều tra chống trợ cấp của Ủy ban châu Âu đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giới phân tích nhận định chuyến thăm châu Âu lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai bên. Bởi thực tế, căng thẳng gia tăng sẽ kích hoạt những biện pháp ăn miếng trả miếng, qua đó khiến trao đổi thương mại giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc đứng trước những nguy cơ khó lường.

Hồng Nhung/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chu-tich-trung-quoc-tham-chau-au-nham-hoa-giai-cang-thang-thuong-mai-post1092277.vov