Chủ tịch UBND tỉnh: Cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của Nghệ An

Đó là một trong những chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý về định hướng phát triển cho ngành Du lịch Nghệ An trong đó đặc biệt coi trọng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Chiều 14/3, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với Sở Du lịch.

Tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Đức Anh

Tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Đức Anh

Phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Theo báo cáo của Sở Du lịch, trong năm 2017 - 2018, ngành Du lịch Nghệ An đạt được những kết quả tích cực. Lượng khách du lịch có lưu trú tăng bình quân 15,5%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 32,9%/năm. Riêng năm 2018, tổng lượt khách du lịch đạt trên 6 triệu lượt, trong đó có trên 4,29 triệu lượt khách lưu trú, tăng 33,3% so với năm 2016; có 128.700 lượt khách quốc tế, tăng 76,6% so với năm 2016. Tổng thu từ khách du lịch năm 2018 đạt 7.410 tỷ đồng, bằng 197% so với năm 2016.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch báo cáo nhiệm vụ, mục tiêu phát triển du lịch năm 2019. Ảnh: Đức Anh

Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Tính đến nay, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh là 839; có 27 đơn vị lữ hành quốc tế, 7 đơn vị lữ hành nội địa. Không gian phát triển du lịch được mở rộng cả về địa bàn và loại hình, một số điểm đến du lịch mới hình thành nhưng có sức thu hút khách khá.

Thị xã Cửa Lò là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Nghệ An. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Nghệ An vẫn còn những hạn chế như chất lượng tăng trưởng thiếu vững chắc, lượng khách quốc tế chiếm tỷ trọng thấp. Tính hấp dẫn và đa dạng của sản phẩm chưa được cải thiện, tiến độ các dự án còn chậm, chưa khai thác phát huy được hết tiềm năng khu vực miền Tây, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực tiếp tục diễn ra…

Mục tiêu năm 2019 và những năm tiếp theo là hình thành các sản phẩm mang thương hiệu du lịch Nghệ An; hoàn thành thu hút 3-5 dự án đầu tư có quy mô và chất lượng cao. Kết nối Nghệ An vào chuỗi giá trị các sản phẩm du lịch vùng Bắc Trung bộ, liên vùng Bắc - Nam Trung bộ và với các trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Năm 2019, Nghệ An phấn đấu đón và phục vụ 6,5 triệu lượt khách, trong đó 4,65 triệu lượt khách lưu trú, 145 ngàn lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút từ 5,0 - 5,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 170 ngàn khách quốc tế; doanh thu đạt 10.000 tỷ đồng, đóng góp từ 5 - 6% GRDP của tỉnh; tạo việc làm cho trên 30.000 lao động. Đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9 - 10%.

Đồng Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu về việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. Ảnh: Đức Anh

Trên cơ sở đó, Sở Du lịch đặt ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về tham mưu xây dựng quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh; tăng cường liên kết các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch, xây dựng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển....

Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành có thêm ý kiến đóng góp về cơ chế phối hợp, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá trong phát triển du lịch, kết nối du lịch với sản xuất, vấn đề xây dựng trụ sở làm việc cho Sở Du lịch, sản phẩm hàng hóa phục vụ du khách, cửa hàng trưng bày, quy hoạch phố đi bộ ở thành phố Vinh...

Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị chung toàn tỉnh

Phát biểu kết luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá cao những nỗ lực của ngành Du lịch, đồng thời lưu ý 4 vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai. Thứ nhất, tập trung kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị du lịch chung của toàn tỉnh; Sở cần định hướng, gợi mở, phân loại cho từng doanh nghiệp tham gia kinh doanh từng loại sản phẩm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.

Thứ hai, hiện tại nguồn nhân lực của ngành Du lịch còn thiếu và yếu, Sở Du lịch cần nghiên cứu, tham mưu và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các trường chuyên nghiệp trên địa bàn mở rộng đào tạo thêm chuyên ngành Du lịch (từ trung cấp trở lên), đảm bảo tính chuyên nghiệp trong quá trình đào tạo.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Du lịch tập trung kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị du lịch chung của toàn tỉnh. Ảnh: Đức Anh

Thứ ba, lâu nay việc tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch còn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, chưa mang tính hệ thống. Vì thế, thời gian tới công tác này cần được đẩy mạnh, mang tính quy mô lớn và đa dạng về hình thức, kết hợp quảng bá trực tiếp với quảng bá qua hệ thống truyền thông và mạng xã hội.

Thứ tư, Sở Du lịch sớm tiến hành rà soát, nghiên cứu, đánh giá và phân loại các sản phẩm du lịch, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển. Trong đó, ưu tiên những sản phẩm mang tính đặc trưng của Nghệ An, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực sự trở thành những sản phẩm chủ lực phục vụ du khách. Đặc biệt, trong vòng 5 năm tới nhất định phải xây dựng được 1 đến 5 sản phẩm du lịch đặc thù, khi du khách đến Nghệ An nhất thiết phải tìm đến thưởng thức.

Công Kiên - Đức Anh

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/chu-tich-ubnd-tinh-can-xay-dung-cac-san-pham-du-lich-dac-thu-cua-nghe-an-236739.html