Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: 'Cần tập trung nhiều hơn nữa cho ngành giáo dục'

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành giáo dục đối với sự phát triển của tỉnh, trong việc đào tạo con người, nguồn nhân lực góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì buổi làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh.

Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì buổi làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh.

Sáng 27/4, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh về tình hình giáo dục trong thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì buổi làm việc. Tham dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ, lãnh đạo các huyện, các trưởng phòng GD&ĐT...

Ý kiến từ cơ sở

Báo cáo tại buổi họp, bà Đặng Thị Quỳnh Diệp – Q.Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Hà Tĩnh nằm trong tốp đầu của cả nước, hiện đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Toàn cảnh buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh với Sở GD&ĐT.

100% trường mầm non tổ chức bán trú, 95,3% số trẻ ăn bán trú; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được chú trọng; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5%. Chất lượng giáo dục phổ thông được duy trì, ổn định và có sự chuyển biến tích cực; công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi đạt kết quả cao…

Tuy nhiên, bà Đặng Thị Quỳnh Diệp cũng chỉ rõ những khó khăn mà ngành giáo dục đang vấp phải, cần được tháo gỡ trong thời gian tới như: Cơ sở vật chất chưa đồng bộ; thiếu giáo viên đối với bậc mầm non, tiểu học; thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới những năm tới sẽ tiếp tục thiếu giáo viên các môn đặc thù…

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp nhấn mạnh, trong khi giáo viên thiếu, nhưng tuyển dụng gặp khó khăn, nhất là đối với giáo viên mầm non, tiểu học. Đặc biệt đầu vào để tìm kiếm giáo viên đủ năng lực đáp ứng điều kiện tuyển dụng rất khó. Trong khi vị trí lao động hợp đồng trong cơ sở giáo dục không được giao chỉ tiêu biên chế…

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp - Q. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh báo cáo tại buổi làm việc.

“Nhân lực thiếu, cơ sở vật chất phần lớn đã xuống cấp” – bà Diệp cho hay. Bà Diệp cũng nói thêm: Tiêu chí nông thôn mới, trường đạt chuẩn một lần nữa gây khó khăn cho các trường, trong khi đó việc vận động xã hội hóa ở cơ sở là điều không dễ dàng. Khó lại hoàn khó, khi muốn nâng cao chất lượng giáo dục nhưng cơ sở vật chất trường, lớp xuống cấp chưa được cải tạo.

Ý kiến từ cơ sở như huyện Hương Khê, Vũ Quang phàn nàn về hệ thống trường lớp một số nơi đã xuống cấp, khó khăn trong nguồn vốn để xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Thiếu giáo viên cũng là một vấn đề nóng tại các huyện miền núi này, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học, trong đó giáo viên tiếng Anh đang thiếu nhiều.

“Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa đối với giáo dục miền núi. Bố trí đủ biên chế, nhất là giáo viên tiểu học. Thực hiện quy hoạch trường lớp, ở Hương Khê có nhiều điểm trường rất khó khăn về quản lý do có nhiều trường liên cấp” – ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê ý kiến.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến từ các trưởng phòng GD&ĐT cấp huyện đều cho rằng: Hiện nay, đối với công tác phối kết hợp giữa các phòng chuyên môn cấp huyện vẫn còn có những vướng mắc, chưa thống nhất giữa các địa phương, chưa đúng quy định của Chính phủ; công tác quản lý về chuyên môn chưa gắn với công tác quản lý nhân sự, tài chính; số người làm việc theo vị trí việc làm tại một số Phòng GD&ĐT còn ít, không được HĐND tỉnh giao hàng năm.

Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê ý kiến tại buổi họp.

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp cũng nói thêm: Hướng đi sắp tới, ngành giáo dục Hà Tĩnh sẽ xây dựng trường học trọng điểm cấp tỉnh, nhưng đang gặp khó khăn do chưa có mô hình. Công tác xã hội hóa lâu nay áp dụng tại các trường học còn khó khăn trong quá trình thực hiện. Vấn đề này, mong Chủ tịch UBND tỉnh hết sức quan tâm.

Một trong kiến nghị, được nhiều ý kiến đưa ra: Tỉnh cần có chính sách đặc thù thu hút người giỏi ngoại tỉnh vào ngành giáo dục. Như cho tuyển đặc cách, tuyển ngoài chỉ tiêu đối với sinh viên sư phạm có kết quả học tập tốt, thay vì vẫn giữ cơ chế cũ là chỉ tuyển con em chính sách…

“Cần tập trung nhiều hơn nữa cho ngành giáo dục”

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải yêu cầu: “Mọi kiến nghị từ cơ sở đều phải tập hợp lại và gửi lên Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Việc này cần thiết nhưng cũng là trách nhiệm”.

Bà Phan Thị Tố Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ.

Với nhiều ý kiến của ngành giáo dục tại buổi làm việc, Chủ tịch tỉnh đã yêu cầu những đơn vị có liên quan phải giải đáp ngay giữa cuộc họp. Ví dụ như về thiếu giáo viên mầm non, tiểu học và vì sao lại không cho tuyển đủ giáo viên trong thời gian dài như vậy.

Vấn đề này, bà Phan Thị Tố Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Thời gian qua, Sở đã tăng cường công tác tham mưu xin biên chế, tuy nhiên đề nghị Sở GD&ĐT có sự chủ động vào cuộc. Ngoài ra, sở cũng cần rà soát sớm số lượng học sinh tăng cơ học hàng năm để có sự tham mưu kịp thời; tiếp tục thực hiện biệt phái giáo viên, tăng sỹ số học sinh trên lớp theo quy định.

“Việc nữa, bố trí sĩ số trên lớp, phải sĩ số tối đa theo quy định, khi chưa đáp ứng sĩ số mà đòi biên chế giáo viên đứng lớp là không đúng” – bà Hoa nhấn mạnh.

Ông Hà Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho rằng, việc thừa thiếu giáo viên là do dân số tăng trưởng mỗi năm khác nhau.

Bà Hoa cũng nói thêm, việc tiếp tục cho tuyển giáo viên, chỉ tuyển 80% còn 20% cho phép được hợp đồng. Đề nghị tỉnh tiếp nhận đối với giáo viên ở ngoài tỉnh, nhưng chất lượng phải đảm bảo, trước nay chỉ dành cho con em chính sách ngoại tỉnh về công tác tại tỉnh, điều này dẫn đến không thu hút được nhân tài và khó khăn trong việc tuyển dụng.

Trà lời về đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, ông Trần Việt Hà – Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng: Để có cơ sở tham mưu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT cần rà soát cụ thể việc quy hoạch sáp nhập trường lớp, thống kê các hạng mục cần đầu tư xây dựng, từ đó tổng hợp để các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải ghi nhận những thành quả đáng tự hào của ngành GD&ĐT Hà Tĩnh trong thời gian qua, đặc biệt là những kết quả nổi bật về chất lượng mũi nhọn được thể hiện qua các kỳ thi.

Ông Võ Trọng Hải nhấn mạnh, cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với ngành giáo dục.

Chủ tịch nhấn mạnh: “Cần tập trung nhiều hơn nữa cho ngành giáo dục. Ngành giáo dục tỉnh đã làm được rất nhiều việc, làm rất tốt, tôi chọn ngành này để làm việc là điểm khởi đầu cho chặng đường trong vị trí đảm nhận công việc mới”.

“Giáo dục là cái gốc, phải đảm bảo bứt phá trong thời gian tới. Muốn vậy, ngành giáo dục phải có giải pháp về tương lai, để nâng cao chất lượng giáo dục sắp tới, chỉ mới đề cập đến khó khăn thôi chưa đủ. Tôi đề nghị, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để tháo gỡ những khó khăn cho ngành’ – Chủ tịch Võ Trọng Hải nói rõ.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho rằng: Cần có cơ chế quy hoạch lại hệ thống trường lớp phù hợp, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng với yêu cầu đổi mới. Ở các cấp học, tiếp tục tăng cường đổi mới, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nhân văn, tạo điều kiện cho học sinh phát triển phẩm chất năng lực. Làm tốt công tác phân luồng, đào tạo học sinh sau THCS, THPT gắn với nhu cầu thực tế để góp phần giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực trên địa bàn Hà Tĩnh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chu-tich-ubnd-tinh-ha-tinh-can-tap-trung-nhieu-hon-nua-cho-nganh-giao-duc-XrooUK9GR.html