Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đăng ký hiến mô, tạng

Sáng nay, 17/5, Chi hội Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Quảng Ninh đã ra mắt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Trao quyết định thành lập Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Trang.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam - đã trao quyết định thành lập Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh cho lãnh đạo tỉnh.

Việc thành lập Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh là một dấu mốc trong công tác tư vấn vận động hiến tạng tại các cơ sở y tế, góp phần xây dựng và mở rộng mạng lưới hiến tạng trên toàn quốc, giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được cứu sống.

Chi hội có 47 hội viện chính thức là lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế và sẽ tiếp tục được phát triển các hội viên đến từ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Chi hội cũng đã có Tổ tư vấn, vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người hoạt động thường xuyên tại Phòng tư vấn, vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người, có địa chỉ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh -phát biểu tại chương trình. Ảnh: Nguyễn Trang.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định: Việc tiên phong thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tuyến tỉnh đầu tiên tại Quảng Ninh đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của tỉnh trong việc phát triển mạng lưới hiến tặng mô, tạng trong cả nước. Từ đó lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng ý nghĩa nhân văn tốt đẹp của việc đăng ký hiến mô, hiến tạng, cứu sống người bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Y tế, Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam; Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các trung tâm ghép tạng trong toàn quốc, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của Quảng Ninh để địa phương từng bước tiếp nhận các kỹ thuật lấy tạng, ghép tạng.

Hiện, Việt Nam đang có khoảng 100.000 người cần ghép tạng. Hàng năm tại tỉnh Quảng Ninh có gần 1.000 bệnh nhân đang chạy thận, lọc máu chu kỳ, trong đó có khoảng 30% bệnh nhân suy thận giai đoạn III, IV, V có chỉ định ghép thận.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, và các đại biểu đăng ký hiến mô, tạng. Ảnh: Nguyễn Trang.

Do vậy, nguồn hiến tạng từ người chết não là cơ hội sống của nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, việc ghép tạng hiện nay chủ yếu đến từ người cho sống. Tỷ lệ ghép tạng từ người cho chết não còn rất hạn chế.

Vì thế, ngay sau khi ra mắt, Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh đã phát động đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người, góp phần thắp lên niềm hy vọng cho những người không may mắn bị suy mô, tạng đang khắc khoải chờ đợi sự sẻ chia sự sống của cộng đồng.

Ngay sau lễ phát động, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng nhiều đại biểu đã đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết não.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2024, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) trở thành bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên chưa ghép tạng đã chẩn đoán được chết não và lấy đa tạng chuyển đi các bệnh viện khác.

Đây là một thành công đáng ghi nhận Hiện nay, cả nước có 26 cơ sở ghép tạng được cấp phép, nhưng chỉ có 5 bệnh viện lớn đánh giá được chết não là Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Để có kết quả này, theo Sở Y tế Quảng Ninh, là do các bệnh viện tuyến cuối của tỉnh thường xuyên cập nhật đào tạo liên tục tại các trung tâm hồi sức tích cực hàng đầu của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực chẩn đoán bệnh nhân chết não, và hồi sức các tạng ở bệnh nhân chết não. Ba bệnh viện lớn là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí đã triển khai lộ trình phát triển kỹ thuật chuyên môn sâu về ghép tạng và nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc đồng thời thành lập các Hội đồng chẩn đoán chết não.

Các Bệnh viện tuyến tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia về Ghép bộ phận cơ thể người tổ chức các lớp tập huấn với nội dung “tăng cường hoạt động tư vấn, vận động hiến tạng ở người sau chết, chết não” và chủ động tạo nguồn tạng ghép tại địa phương.

Quảng Ninh cũng đã thành lập 2 Hội đồng chẩn đoán chết não gửi Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; tích cực đào tạo bác sỹ chất lượng cao tại tuyến Trung ương, chuẩn bị năng lực cho triển khai ghép tạng.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chu-tich-ubnd-tinh-quang-ninh-dang-ky-hien-mo-tang-post175031.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat