Chủ tịch UBND TP.HCM nói về xây nhà hát giao hưởng

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao đổi về việc xây dựng nhà hát giao hưởng bên lề Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 18 diễn ra ngày 16/10.

Nhà hát Giao hưởng - Nhạc và Vũ kịch TP.HCM hiện trong tình trạng "nhạc một nơi, múa một nẻo". Ảnh D.Phương

Phát triển đồng bộ, bền vững

Theo ông Phong, tất cả các dự án phải theo quy hoạch và UBND thành phố cũng không được phép thay đổi quy hoạch, nhất là Nhà hát Thủ Thiêm vốn được quy hoạch từ lâu tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP.HCM cho biết, tiền xây nhà hát đã được xác định từ trước, đó là tiền đấu giá khu đất trên đường Lê Duẩn.

“Vì sao chọn khu đất tại Thủ Thiêm để xây dựng? Vì thực tế TP.HCM đã và đang phát triển khu phố Đông tại Thủ Thiêm. Vì vậy phải đồng bộ nhiều mặt như quảng trường, nhà hát…”, ông Danh nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, gần 45 năm sau giải phóng, TP.HCM có đầu tư cho văn hóa nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, 10 năm trước, TP.HCM đã mua dàn nhạc giao hưởng nhưng chưa có nơi để đặt cho đúng vị trí.

Trước các ý kiến cho rằng TP.HCM đang cần nguồn vốn lớn cho các dự án chống ngập, kẹt xe nhưng lại đầu tư nhà hát hơn 1.500 tỷ đồng là chưa cần thiết, ông Hoan cho rằng, đô thị phát triển thì phải cải thiện được chuyện kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường nhưng đồng thời cũng tính đến nhu cầu phát triển trong tương lai. Người ta đến một quốc gia có thể kẹt xe, ngập nước thì họ thấy cũng chưa phải là tốt nhưng nếu không có những thiết chế văn hóa thì cũng không ổn.

Ông Hoan mong người dân chia sẻ với một thành phố lớn như TP.HCM thì cần phải phát triển cân đối, hài hòa để vừa khắc phục những mặt tồn tại ở hạ tầng kỹ thuật nhưng cũng phải đầu tư những mặt như giáo dục, văn hóa, y tế.

Nhu cầu là có thực?

Trước đó, tại kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ X) HĐND TP.HCM ngày 8/10 đã thông qua tờ trình về dự án xây dựng nhà hát nhạc giao hưởng, vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 với tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trước đây vào thời Pháp thuộc, thành phố có 3 nhà hát, gồm: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP.HCM), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc TP.HCM) và Nhạc viện TP.HCM, song nay chỉ còn Nhà hát TP.HCM. Các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.

Nhất là trong điều kiện Nhà hát Giao hưởng - nhạc và vũ kịch TP.HCM (HBSO) hiện nay đang trong điều kiện vô cùng khó khăn. NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc (HBSO) cho biết, hiện khối văn phòng của HBSO trụ ở tầng hầm Nhà hát TP.HCM; đoàn vũ kịch đang thuê hội trường của Thư viện Khoa học tổng hợp (quận 1) để tập; giao hưởng và hợp xướng thì tập ở rạp Thanh Vân (quận 3) sau khi rạp cải tạo lại.

Theo đó, mỗi lần có đoàn nước ngoài đến diễn hay dựng những vở lớn cần tập chung giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch thì hàng trăm con người lại cùng "chui rúc" tập tành chật chội ở rạp Thanh Vân.

Ngoài ra, con số 900 triệu đồng mỗi năm chỉ dành riêng cho việc thuê mướn điểm diễn và điểm tập luyện của HBSO là không hề nhỏ. Vì vậy, đã đến lúc các đơn vị, ban ngành thành phố cần bắt tay vào xây dựng một nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch mới.

Từ năm 1999, TP.HCM đã có chủ trương xây dựng dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM. Đến năm 2012, trong Quyết định số 3165 ngày 19/6/2012 về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000, UBND TP.HCM đã quy hoạch các khu chức năng, trong đó có Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM bên cạnh các trung tâm, bệnh viện, bảo tàng và công trình dân sinh...

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chu-tich-ubnd-tp-hcm-xay-nha-hat-giao-huong-se-lam-dong-bo-voi-cac-ha-tang-khac.aspx