Chủ tịch UBND TP. Sông Công (Thái Nguyên): 'Đánh thức' làn sóng đầu tư, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực chuẩn bị Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018. Sông Công được coi là 'thành phố công nghiệp' của tỉnh Thái Nguyên, hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều kết quả, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp từ sự kiện mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn. Nhân sự kiện quan trọng này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Khôi, Chủ tịch UBND TP.Sông Công về những kỳ vọng của thành phố trên đường hội nhập, phát triển.

Phóng viên: Xin ông khái quát những đặc điểm, lợi thế của thành phố Sông Công trong phát triển kinh tế công nghiệp?

Ông Lê Văn Khôi: Thành phố Sông Công (Thái Nguyên) có vị trí khá thuận lợi, nằm ở phía Bắc thủ đô Hà Nội, trong vùng công nghiệp xung quanh Thủ đô Hà Nội với bán kính 60 km, cách thành phố Thái Nguyên 20 km về phía Nam, cách sân bay quốc tế Nội Bài 40 km, cách hồ Núi Cốc 17 km, có các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường Quốc lộ 3 và đường sắt Hà Nội - Quan Triều chạy qua phía Đông thành phố; là thành phố công nghiệp nằm ở phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, phía Đông, Tây, Nam giáp thị xã Phổ Yên, phía Đông Bắc giáp huyện Phú Bình, phía Bắc giáp thành phố Thái Nguyên là đô thị bản lề trung chuyển giao lưu hàng hóa giữa tỉnh Thái Nguyên với các đô thị xung quanh và nhất là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Chủ tịch UBND thành phố Sông Công Lê Văn Khôi trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường.

Thành phố Sông Công quan tâm công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp giao dịch, liên hệ công việc, đầu tư phát triển.

Đặc biệt, trong những năm qua, TP.Sông Công luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh; Đồng thời tập thể lãnh đạo thành phố đã tập trung trí tuệ, phát huy nội lực, quyết tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế giữ vững, ổn định sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế hợp lý. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục tháo gỡ khó khăn để phát triển Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ; tăng thu ngân sách, tăng cường nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Do vậy, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm trong những năm qua đã cơ bản thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

Phóng viên: Thành phố đã phát huy thế mạnh đó như thế nào để thúc đẩy KT- XH phát triển?

Ông Lê Văn Khôi:Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có 17 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó có các dự án có mức đầu tư lớn: Khu công nghiệp Sông Công 1; Sông Công 2; khu liên hiệp xử lý rác, Công ty Cổ phần khoáng sản và luyện kim Trung Thành; Fuji Việt Nam; doanh nghiệp tư nhân Trần Nhật Linh; Công ty TNHH sản xuất kinh doanh Trường Tín. Mục tiêu trong nhiệm kỳ này thu hút hơn 6.000 tỷ, như vậy đến nay đã đạt 50%.

Đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, thành phố Sông Công tạo sức hút các nhà đầu tư vào địa bàn.

Giai đoạn 2018-2020, kế hoạch thu hút 23 dự án với tổng mức đầu tư là 10.000 tỷ đồng bao gồm công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp trong đó một số dự án đã sẵn sàng đi vào thực hiện và một số đang còn chờ tỉnh phê duyệt.

Việc thu hút được 17 dự án này đem lại lợi ích thiết thực, tạo động lực cho TP.Sông Công phát triển mạnh mẽ; kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, thu ngân sách tăng so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng luôn đạt khá, với mức tăng trưởng bình quân đạt 17%/năm (bình quân trước đây là dưới 10%); Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Với giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng chiếm 76% tổng giá trị sản xuất; Giá trị sản xuất tăng bình quân 13,1%/năm; Thu ngân sách tăng bình quân 20%/năm (số tuyệt đối năm 2017 là 270 tỷ); tạo công ăn việc làm cho 1.400 lao động; thu nhập bình quân/người là 56triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm xuống còn 4%, tương đương với 687 hộ.

Phóng viên: Sông Công được coi là “thành phố công nghiệp” của tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh điều kiện tự nhiên và xã hội, có phải Sông Công khẳng định là thành phố năng động thông qua các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, sự cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp làm ăn, đầu tư phát triể. Xin ông cho biết, bí quyết để Sông Công thành công trọng lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp?

Ông Lê Văn Khôi: Công tác quy hoạch chung thành phố, trong đó đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Công tác quy hoạch song song với việc đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ.

Quá trình phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, Sông Công có lợi thế là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp phía Nam của tỉnh Thái Nguyên. Vì vậy có nhiều dự án có quy mô lớn, vì vậy nó đã tạo ra sức lan tỏa và sự quan tâm của các nhà đầu tư trên địa bàn thành phố Sông Công.

Tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính mà trọng tâm cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường pháp lý cơ bản thuận lợi và an toàn; xây dựng đội ngũ cám bộ, công chức có tinh thần và thái độ phục vụ trách nhiệm từ đó đã được doanh nghiệp và người dân đánh gia cao trong hoạt động của hệ thống hành chính.

Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong việc tổ chức tiếp nhận, thẩm định, giao đất triển khai thực hiện dự án, đồng thời giúp nhà đầu tư thực hiện toàn bộ các thủ tục về công tác giải phóng mặt bằng.

TP. Sông Công chủ trương đẩy mạnh cả 3 lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Trong quá trình thu hút và phát triển các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Trong đó thành phố cũng sẽ chọn lọc những dự án đầu tư sản xuất có kỹ thuật công nghệ tiên tiến, sản phẩm khoa học công nghệ cao thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, giảm thiểu tiếng ồn, không gây ô nhiễm không khí...

Đồng thời, Sông Công cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo các sơ ban ngành phối hợp với UBND thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm gây ô nhiêm môi trường.

Phóng viên: Thành phố Sông Công kỳ vọng gì từ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, thưa ông?

Ông Lê Văn Khôi: Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của tỉnh Thái Nguyên về việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và tháng 6/2018, thành phố Sông Công đã đề xuất với UBND tỉnh 23 danh mục dự án trọng điểm, để vận động, thu hút đầu tư giai đoạn 2018 – 2020, đảm bảo thành phố hoàn thiện tiêu chí xây dựng đô thị loại II vào năm 2020.

Trong chương trình kế hoạch xúc tiến đầu tư giai đoạn 2018 - 2020, thành phố đặt kỳ vọng rất lớn để xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại 2, đủ điều kiện đến năm 2020 lập đề án trình lên cấp trên công nhận. Trong đó, chủ yếu là các dự án phát triển kết cấu kinh tế hạ tầng kỹ thuật của đô thị; xây dựng và phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới để nâng quy mô dân số; thu hút đầu tư các dự án phát triển về công nghiệp, nâng cao quy mô kết cấu và trình độ kinh tế của thành phố tiến thêm một bước.

Hiện tại giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng, mục tiêu đưa KCN Sông Công 2 vào để nâng quy mô lên gấp đôi. TP. Sông Công chủ trương đẩy mạnh cả 3 lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp trong đó ưu tiên số 1 là sản xuất công nghiệp, sau đó đến kết cấu hạ tầng giao thông, rồi đến các khu dân cư và khu đô thị mới còn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới chỉ dừng lại ở mức độ mô hình, đề án và dự án mang tính chất tạo ra sự đột phá bước đầu tạo sức lan tỏa cho sản xuất nông nghiệp đô thị.

Ý nghĩa của Hội nghị xúc tiến đầu tư không những nằm ở các sản phẩm được ký kết mà nó còn thể hiện ở tinh thần, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ công chức cùng nhau chung tay, góp sức xây dựng một môi trường thuận lợi nhất cho các hoạt động xúc tiến đầu tư và kinh doanh để cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế sẽ thuận lợi đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Kết quả đạt được còn tùy thuộc vào điều kiện của nền kinh tế vĩ mô và những thuận lợi khó khăn chung. Tuy nhiên, sự kỳ vọng thông qua Hội nghị xúc tiến đầu tư sẽ làm sống dậy làn sóng đầu tư mới để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố cũng sẽ có cam kết cụ thể về tiến độ và thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; cam kết sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để có hỗ trợ tốt nhất trong việc chấp hành chính sách pháp luận về ưu đãi khuyến khích đầu tư, như: Miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư về thuế, hỗ trợ kiết nối hạ tầng chung đối với các dự án để cho các nhà đầu tư thấy rằng điều kiện như vậy là môi trường và điều kiện tốt nhất để triển khai dự án của mình.

Theo tinh thần chung của tỉnh Thái Nguyên, các cấp chính quyền địa phương luôn xác định vai trò quan trọng của báo chí. Thành phố luôn đồng hành cùng báo chí xây dựng và phát triển tỉnh Thái Nguyên nói chung, Sông Công nói riêng; báo chí luôn luôn là một kênh thông tin quan trọng để cổ vũ động viên, khích lệ động viên các nhà đầu tư, truyền tải thông điệp, mong muốn, nguyện vọng của cấp ủy Đảng, chính quyền TP tới các hoạt động đầu tư và kinh doanh, quảng bá những dự án đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế, tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển./.

Phóng viên:Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te/chu-tich-ubnd-tp-song-cong-thai-nguyen-danh-thuc-lan-song-dau-tu-phuc-vu-cho-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-1254751.html