Chủ tịch VCCI: EVFTA mở ra 'thời kỳ hoàng kim' mới cho quan hệ Việt Nam - EU

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc mới đây khẳng định: Hiệp định thương mại EVFTA chính là nền tảng quan trọng cho một 'thời kỳ hoàng kim' mới trong quan hệ Việt Nam - châu Âu.

Sáng 1/7, diễn ra sự kiện Đối thoại về Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (hiệp định EVFTA và hiệp định IPA): Cơ hội cho các doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chù trì sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh EVFTA là hiệp định “tốt nhất” với “tính tự do cao nhất” và “công bằng nhất”. “Đây là hai từ quan trọng nhất trong thương mại thế giới”, ông Lộc nói.

EVFTA mở ra “thời kỳ hoàng kim” cho quan hệ Việt Nam - EU

Nhắc lại lịch sử rằng Phố Hiến (thương cảng cổ nổi tiếng, nay thuộc Hưng Yên) là nơi giao thương, hội tụ thương mại giữa châu Âu và Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định: Hiệp định thương mại EVFTA chính là nền tảng quan trọng cho một “thời kỳ hoàng kim” mới trong quan hệ Việt Nam - châu Âu.

Theo Chủ tịch VCCI, 6 tháng qua, dù thế giới đã trải qua nhiều biến động khó lường, chủ nghĩa bảo hộ trở lại, chiến tranh thương mại leo thang, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vẫn thành công trong việc đi tới ký kết EVFTA.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Trọng Sang.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Trọng Sang.

“Tôi cho rằng hiệp định EVFTA sẽ mang tính tương hỗ, bổ sung cho 2 nền kinh tế Việt Nam và EU, mang lại lợi ích cho 600 triệu người dân Việt Nam và EU, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và EU trong tương lai” - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Đặc biệt, theo đánh giá của ông Lộc, khi Việt Nam hay Singapore đạt được hợp tác với EU thông qua các hiệp định như EVFTA, “không có lý do gì” để các nền kinh tế khác trong ASEAN không thể hợp tác với EU. Từ đó, sẽ góp phần mang lại lợi ích cho 1,1 tỷ người dân trong khu vực.

“Ở Việt Nam, 65% lao động là nông dân, đang có thu nhập trung bình chưa đầy 1.000 EUR/năm. Hiệp định thương mại EVFTA được ký kết sẽ mở ra cơ hội việc làm cho hàng chục triệu lao động. Đây sẽ là sự hợp tác có tính nhân văn rất cao. Với châu Âu sẽ có sự lựa chọn phong phú về hàng hóa nông sản với giá cả cạnh tranh. Hiệp định thương mại EVFTA không chỉ có lợi cho hàng chục triệu doanh nghiệp, mà còn có lợi với hàng trăm triệu người dân, với nền kinh tế và thương mại thế giới” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Bên cạnh việc đảm bảo nguyên tắc tự do và công bằng thương mại, thông qua ký kết EVFTA, Việt Nam và EU chia sẻ tầm nhìn chung về phát triển bền vững với giá trị gia tăng lớn hơn, công nghệ cao hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Toàn cảnh sự kiện sáng 1/7. Ảnh: Trọng Sang.

Bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hàng đầu của EU trở thành đối tác tốt nhất với Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhận định: Nếu EU thành công trong hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ EVFTA, EU sẽ thuyết phục được cả thế giới.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì cho EVFTA và IPA?

Tại sự kiện, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đóng góp một số ý kiến cho các DN Việt Nam trước cơ hội và thách thức mà các hiệp định EVFTA và IPA mang lại.

Theo ông Lộc, các DN Việt Nam phải nỗ lực vượt qua được quy định về xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ rất cao của EU. Ngoài ra, chi phí tuân thủ về lao động, môi trường… của các DN Việt Nam cũng sẽ là rất lớn, đòi hỏi chính sách, cơ chế phù hợp. Ông Lộc nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cố gắng, chính phủ phải hỗ trợ.... Thông về thị trường, thoáng về thể chế”.

Đại diện Bộ Công thương, Cao ủy thương mại EU, VCCI chia sẻ về EVFTA và IPA. Ảnh: Trọng Sang.

“Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, kinh tế Việt Nam, EVFTA và IPA với những tiêu chuẩn cao nhất sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách thứ 2 ở Việt Nam. Đây sẽ là một trong những viên gạch đầu tiên, góp sức vào việc xây dựng thể chế ở nước ta”, Chủ tịch VCCI cho hay.

Mặt khác, phải nâng cấp doanh nghiệp, nhất là về vấn đề quản trị. Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, theo bảng xếp hạng 6 nền kinh tế ở Đông Nam , các doanh nghiệp Việt Nam đứng chót về năng lực quản trị. Đặc biệt, 30% số doanh nghiệp Việt là các hộ kinh tế gia đình, năng lực quản trị rất yếu.

Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực. Theo ông Lộc, khảo sát của VCCI cho thấy: Có tới 70-80% doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm kiếm nhân lực cấp cao, nhân lực điều hành nhưng “không tìm được người tài”.

Đặt ra những yêu cầu cho doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị phía EU phối hợp với Việt Nam không chỉ trong mua bán mà cả trong những vấn đề nêu trên. Từ đó, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa 2 bên, tiến tới 2 bên cùng có lợi.

Hoàng Nam

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/chu-tich-vcci-evfta-mo-ra-thoi-ky-hoang-kim-moi-cho-quan-he-viet-nam-eu-81291.html