Chủ tịch VCCI: Muốn xử lý doanh nghiệp như Asanzo cũng rất khó

'Muốn xử lý các doanh nghiệp như Asanzo cũng rất khó bởi vì Nhà nước chưa có quy định gì về sản xuất Made in Vietnam, về sản xuất tiêu thụ vào Việt Nam. Chưa có quy định của Nhà nước thì không thể buộc tội doanh nghiệp được'.

Đó là phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của ngành Công Thương diễn ra sáng nay 27/12.

Chủ tịch VCCI đề nghị Bộ Công Thương là đầu mối trình Chính phủ ban hành ngay nghị định về xuất xứ “Made in Vietnam” cho hàng hóa sản xuất và tiêu thụ tại Việt Nam.

“Hiện nay chúng ta đang có khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực này và điều này làm cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không yên tâm. Vì thế muốn xử lý các doanh nghiệp như Asanzo cũng rất khó bởi vì Nhà nước chưa có quy định gì về sản xuất Made in Vietnam, về sản xuất tiêu thụ vào Việt Nam. Chưa có quy định của Nhà nước thì không thể buộc tội doanh nghiệp được”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, quan điểm của VCCI thống nhất với Bộ Công Thương: “Bởi vì anh chưa có quy định thì anh không thể nói doanh nghiệp vi phạm. Anh muốn bắt doanh nghiệp vi phạm thì phải có quy định”.

“Tôi đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành ra được Nghị định này sớm để có thể định hướng, định hình, đảm bảo cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm ăn kinh doanh. Vấn đề của Asanzo không chỉ là vấn đề của Asanzo mà là vấn đề của biết bao doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Chúng ta xử lý không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện hưởng lợi cho doanh nghiệp ở các nước khác, các nền kinh tế xung quanh. Điều đó không có lợi cho sự phát triển kinh tế của chúng ta”, ông Lộc nhấn mạnh.

Trước đó, vào ngày 28/10, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo. Theo đó, Asanzo có nhiều dấu hiệu vi phạm như xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu; trốn thuế; lừa dối người tiêu dùng; vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên trả lời Infonet, ông Phạm Văn Tam, chủ tịch HĐQT tập đoàn Asanzo vẫn khẳng định “đó là dấu hiệu vi phạm còn quan điểm của tôi là không vi phạm. Theo ông Tam việc kết luận những vi phạm của Asanzo cần chiếu vào những bộ luật cụ thể.

Chiều 24/12, trước câu hỏi của báo chí về việc Tổng cục Hải quan đã chuyển hồ sơ Asanzo sang cơ quan công an từ cuối tháng 10, kết quả điều tra ban đầu của công an ra sao?.

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Tài chính đã có cuộc họp chủ trì thống nhất kết luận theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xác định "có dấu hiệu sai phạm". Nhưng để xác định là sai phạm hành chính hay sai phạm hình sự, cần xác minh làm rõ. Bộ Công an đang được giao xác minh các dấu hiệu vi phạm, nếu có đủ căn cứ xác định vi phạm quy định pháp luật sẽ khởi tố điều tra, không bỏ lọt bất cứ vấn đề nào.

Diệu Thùy

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chu-tich-vcci-muon-xu-ly-doanh-nghiep-nhu-asanzo-cung-rat-kho-post327214.info