Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: 'Cần trung lập hóa bộ máy làm chính sách'

'Cần lắng nghe hơn nữa ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, trung lập hóa bộ máy làm chính sách', Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc hiến kế tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 chiều 2/5 nhằm tạo sự bứt phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính và dẹp bỏ giấy phép con.

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc đưa ra bản kiến nghị gồm 10 điểm gửi tới Chính phủ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc cho biết hiện vẫn còn tình trạng cắt giảm giấy phép kinh doanh mang tính chất đối phó và chưa thực chất.

"Vẫn có hiện tượng điều kiện kinh doanh hóa thân vào các quy chuẩn kỹ thuật và khổ nạn cấp phép, xin cho vẫn còn nguyên, thậm chí còn nặng nề hơn. Thủ tục và chi phí cho kiểm tra chuyên ngành cho xuất nhập khẩu mà người ta thường gọi nôm na là “thủ tục chào hỏi, qua biên giới, các thủ tục ở tuyến đầu của hội nhập, ở nước ta vẫn gấp 2-3 lần so với các nước ASEAN 4 là điều không thể chấp nhận", ông Vũ Tiến Lộc cho biết.

Để tạo sự bứt phá trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính và dẹp bỏ giấy phép con, Chủ tịch VCCI đề nghị thay cho cách tiếp cận truyền thống là giao cho các bộ, ngành tự rà xét và đưa ra các giải pháp cắt giảm điều kiện kinh doanh, chính phủ giao cho VCCI chủ trì cùng với Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (Ciem) và các hiệp hội doanh nghiệp chủ động rà xét và kiến nghị danh sách các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cần tiếp tục đơn giản hóa hoặc loại bỏ để báo cáo trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị với các bộ ngành.

Trong từng bộ, ngành, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị giao nhiệm vụ đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh cho các bộ phận độc lập thay vì các bộ phận đang cấp giấy phép. Các ý kiến đề xuất phải dựa trên cơ sở lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và tham vấn ý kiến của cơ quan chuyên môn.

"Vì nhiệm vụ xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của các bộ/ngành, nên cần bố trí những cán bộ có năng lực nhất vào bộ phận này cùng với chính sách đãi ngộ thỏa đáng với họ", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cần giải pháp đột phá cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ

"10-20-30 là bức tranh tổng thể và khá bất thường của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc nói.

"Doanh nghiệp tư nhân chính thức trong nước chỉ đóng góp chưa tới 10% GDP, 20% thuộc về FDI và 30% GDP là các hộ kinh doanh cá thể - khu vực không chính thức", ông Vũ Tiến Lộc phân tích.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp Việt đã không thể lớn lên được như kỳ vọng trong suốt tiến trình cải cách những năm qua: "Trong số 700.000 doanh nghiệp đăng ký chính thức đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,65%, doanh nghiệp cỡ vừa 5,85% còn lại 93,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ".

Để khắc phục tình trạng này, VCCI đề nghị Luật doanh nghiệp sửa đổi sắp tới phải hướng tới mục tiêu tạo lập khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự phát triển của khu vực hộ kinh doanh cá thể và khuyến khích họ chuyển đổi thành doanh nghiệp; đồng thời giảm mạnh các thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để doanh nghiệp có thể lớn lên.

Doanh nghiệp làm ăn chân chính là “tài sản quốc gia”

Theo ông Vũ Tiến Lộc, các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, khảo sát PCI của VCCI những năm qua đã cho thấy sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp đang là một trong những mối quan ngại hàng đầu.

Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch VCCI đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao và các cơ quan tư pháp liên quan đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, đảm bảo thủ tục xét xử các tranh chấp kinh doanh nhanh gọn, minh bạch và hiệu quả.

Ông Vũ Tiến Lộc đưa ra các đề xuất cụ thể: "Có chiến lược thúc đẩy hình thức giải quyết tranh chấp dưới hình thức trọng tài và hòa giải thương mại. Kiểm soát và giảm thiểu tối đa các vụ việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thay đổi phương thức thanh tra kiểm tra doanh nghiệp hiện nay bằng phương pháp quản lý rủi ro, giảm đầu mối, giảm chồng chéo…"

Theo Chủ tịch VCCI, những nỗ lực trên sẽ giúp an lòng doanh nghiệp và động viên họ cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia.

Hoàng Lan

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chu-tich-vcci-vu-tien-loc-can-trung-lap-hoa-bo-may-lam-chinh-sach-20180504224222956.htm