Chủ tịch Vinamit 'truyền lửa' cho thế hệ trẻ

Tại buổi tọa đàm với sinh viên trong chương trình: 'Today's Voice - Thế hệ kiến tạo' vừa tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit Nguyễn Lâm Viên đã chia sẻ những thăng trầm trong quá trình lập nghiệp của mình cũng như việc xây dựng thương hiệu Vinamit.

Không được nhụt trí

Với chủ đề chuyển giao sứ mệnh của thế hệ đi trước cho thế hệ đi sau để góp phần xây dựng một Việt Nam vững mạnh hơn, nhiều diễn giả là những doanh nhân thành đạt đã truyền lửa cho thế hệ trẻ để họ tiếp nối những thành công mà thế hệ trước đã làm, trong đó ấn tượng nhất là ông Nguyễn Lâm Viên với hành trình đưa trái mít Việt Nam ra thế giới.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit Nguyễn Lâm Viên.

Vinamit ra đời từ thời kỳ chưa có Luật Doanh nghiệp (năm 1988), sau khi có Luật Doanh nghiệp (năm 1992), ông cũng chưa thoát khỏi khó khăn. Cũng năm đó, ông rời nhà máy và "bắt đầu lại sự nghiệp" với 4.000 USD, thành lập Công ty TNHH Vinamit. Bằng nghị lực và sự đam mê học hỏi, sáng tạo của mình, ông Viên đã vượt qua nhiều khó khăn và cuối cùng, năm 1995 nhà máy Vinamit đi vào hoạt động, năm 1996 Vinamit mở văn phòng đại diện tại Mỹ. “Lúc đó tiền tôi hết rồi, cảm giác như con chim "bị đạn", mà bị đạn rồi thì phải làm chứ không còn cách nào khác. Lúc đó, bạn bè ở nước ngoài bảo: "Viên ơi đừng sợ, mày làm đi tụi tao cứu mày, thị trường trong tay, nghề trong tay thì có gì phải sợ?". Vậy là tôi quyết định làm lại”, ông Viên kể lại.

Chia sẻ với các bạn trẻ, ông Viên cho rằng, giá trị của con người không phải là tiền mà là sự sáng tạo, mối quan hệ, xử sự và thái độ của người đó. “Tôi hay lưu ý các bạn trẻ trong công ty là phải cẩn thận về thái độ. Nếu bạn nghĩ cứ phải kiếm được thật nhiều tiền mới là người sung sướng thì lập tức bạn sẽ sinh ra một loạt thái độ, ứng xử không tốt với người khác và chính bạn sẽ đau khổ. Tôi cũng khuyên các bạn trẻ phải biết học cách sáng tạo. “Nếu các bạn trẻ không có sự sáng tạo thì không nên làm doanh nhân. Muốn thành công thì phải có sự khác biệt, nhưng không có sáng tạo thì không có sự khác biệt và chỉ làm theo người ta thì bạn chỉ có thất bại. Cũng giống như ngày xưa tôi không chấp nhận việc trái cây chỉ để ăn tươi và tôi nghĩ đến việc chế biến nó", ông nói.

Không nên chọn con đường cầu an và tận hưởng

Theo ông Viên, đa số các bạn trẻ hiện nay hầu như không muốn chọn con đường trải nghiệm mà thường chọn con đường cầu an và tận hưởng (hay còn gọi là vùng an toàn - PV), bởi các bạn trẻ khi rời vùng nông thôn, tỉnh lẻ lên thành phố đi học hoặc là các bạn trẻ ở thành phố thì không muốn xa vòng tay của bố mẹ, anh em bạn bè, các bạn luôn chọn cho mình vùng an toàn đó là: muốn tạo được công ăn việc làm tại thành phố mà không muốn đi về những vùng sâu vùng xa để trải nghiệm cuộc sống mà ở đó các bạn có thể học được rất nhiều thứ. “Muốn trở thành nhà lãnh đạo doanh nghiệp giỏi, muốn thành công trong tương lai thì các bạn nên rời khỏi vùng an toàn để học hỏi ở thế giới bên ngoài”, ông Viên chia sẻ.

Một công đoạn sản xuất tại nhà máy của Vinamit.

“Ở thời điểm đó (năm 1987-PV), tôi đã gặp được một người mà tôi cho đây là một trong những người thầy đầu tiên của mình. Ông ấy đã nói với tôi rằng: Bạn đang ngồi trên một cái kho báu mà bạn không biết cách khai thác, muốn biết cách khai thác thì bạn phải đi tìm một người bạn ở nước ngoài, họ sẽ chỉ cho bạn. Và tôi quyết định ra đi”, ông nói.

Ở tuổi 25 – 26, ông Viên đã quyết định đi ra nước ngoài để tìm hiểu và học tập cách làm ăn ở nước ngoài, với 1.000 USD lúc bấy giờ, ông đã đi đến 5 nước ở Đông Âu và cuối cùng thì ông chọn Đài Loan để dừng chân và học tập. “Đi tới đâu làm tới đó, đi tới đâu xin tiền tới đó, cơ bản là phải chịu khó học tập, phải dám can đảm thì chúng ta mới làm được”, ông Viên kể.

Chia sẻ về thành công của Vinamit như ngày nay, ông Viên khuyên: “Các bạn muốn thành công thì hãy mạnh dạn chọn con đường trải nghiệm, mạnh dạn rời khỏi vòng tay của bố mẹ, của anh em bạn bè để đến với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các bạn sẽ được học hỏi và với sự sáng tạo của mình, các bạn sẽ thành công. Ngày xưa tôi đã học được rất nhiều từ người nông dân”.

Thương hiệu Vinamit được nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng.

Một bạn trẻ nếu học xong đại học và ở lại TP.Hồ Chí Minh để làm việc cho một công ty nước ngoài với mức lượng từ 15 - 20 triệu đồng/tháng thì bạn đó đã chọn con đường “cầu an và tận hưởng”, nhưng một bạn khác chọn về vùng sâu vùng xa để làm việc với mức lương 5 triệu đồng/tháng thì bạn này là người dám đương đầu với thử thách để trải nghiệm cuộc sống, đó là con đường trải nghiệm, cả hai con đường này đều tốt. Tuy nhiên, nếu được trải nghiệm và cộng với sự sáng tạo thì các bạn sẽ thành công. “Có thể 5 năm sau người bạn ở thành phố có mức lương cao hơn nhưng cũng chỉ hơn không đáng kể, nhưng người bạn ở vùng sâu vùng xa khi trở về hoặc lập nghiệp tại nơi mà bạn ấy đến bằng sự trải nghiệm và sáng tạo của mình, bạn ấy có thể có mức lương 50 triệu đồng thậm chí là 500 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn vì bạn ấy đã được trải nghiệm với cuộc sống bên ngoài và biết tìm ra những giá trị của mình”, ông Viên ví dụ.

Nói về việc quản lý nhân viên ở Vinamit, ông Viên cho biết: Tôi đòi hỏi họ hai điều, một là tính hệ thống, hai là tính chuyên nghiệp. “Thủ trưởng đánh giá bạn trên tính chuyên nghiệp, trên hiệu quả tổ chức của bạn. Bạn phải tự trả lương cho mình”, ông nói.

Được biết, từ ngày thành lập đến nay, Vinamit cùng với người nông dân đã xây dựng vùng nguyên liệu tại nhiều địa phương như: Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk… Hiện, tổng công suất chế biến của các nhà máy là gần 20.000 tấn thành phẩm/năm.

Với sứ mệnh: "Nâng tầm giá trị cho nông sản Việt", các sản phẩm của Vinamit như mít sấy, khoai tây, khoai lang, hạt điều… đã vươn đến mọi miền đất nước và nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay Vinamit xuất khẩu và xây dựng hệ thống phân phối đến hơn 20 quốc gia, sản phẩm của Vinamit được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Quang Minh

KTNT

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-vinamit-%E2%80%9Ctruy%C3%A8n-l%E1%BB%A7a%E2%80%9D-cho-th%C3%A9-h%E1%BA%B9-tr%E1%BA%BB-post3958.html