Chủ tịch Vĩnh Phúc: Thành quả lớn nhất đến nay là chưa mất dấu F0

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định toàn tỉnh đã có 33 ca mắc Covid-19 nhưng vẫn có thể yên tâm vì tất cả đều xác định được nguồn lây.

Tính đến 14h ngày 9/5, Bộ Y tế xác định Vĩnh Phúc có 33 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Với năng lực tự xét nghiệm, địa phương này đã công bố thêm 38 ca nghi nhiễm và áp dụng quy trình xử lý F0 với tất cả 71 ca.

Sau một tuần ngăn chặn dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho rằng vẫn có nhiều dấu hiệu để yên tâm về khả năng chiến thắng Covid-19.

F0 trong vòng vây

"Vĩnh Phúc đã có bài học rất quý giá về phòng chống dịch Covid-19 từ năm 2020. Tỉnh đã mang tất cả bài học đó cùng với khả năng, quyết tâm để áp dụng vào đợt chống dịch này", lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc mở đầu cuộc họp.

Ông Thành cho biết so với làn sóng dịch bệnh trước, lần này tốc độ lan rất mạnh, rất nhanh, rất khủng khiếp. Chỉ trong vòng vài ngày, dịch đã lan đến 8 đơn vị hành chính trong toàn tỉnh.

 Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tại buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Tân.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tại buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Tân.

Trước thông tin biến chủng Covid-19 của Ấn Độ đã xuất hiện tại Vĩnh Phúc, tỉnh này càng phải thần tốc trong việc truy vết và xét nghiệm. Lực lượng chống dịch buộc phải phong tỏa được nơi sinh sống của F0 chậm nhất là 2 giờ sau khi phát hiện ca bệnh. Chậm nhất 10 giờ sau khi xác định F1 phải có kết quả xét nghiệm của người đó.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng công suất cách ly tập trung từ 1.400 giường lên 6.000 giường, tăng tốc độ xét nghiệm từ 1.000 mẫu/ngày lên 5.000 mẫu/ngày. Cơ sở vật chất ngành y cũng được huy động bổ sung.

"Huyện Bình Xuyên từng mất cả ngày không thuê nổi một chiếc xe chở F1. Tỉnh đã phải trưng dụng 9 xe khách. Hôm nay tỉnh đồng ý chủ trương mua thêm 7 xe cứu thương", ông Thành chia sẻ.

Theo lãnh đạo tỉnh, đợt dịch năm 2020, Vĩnh Phúc đã áp dụng chiến lược "điều tra, truy vết, đuổi theo dịch bệnh". Còn trong đợt dịch lần này, chiến lược đã thay đổi thành "bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn".

Số ca có thể tăng lên rất nhanh, nhưng chúng tôi có thể yên tâm vì các ca này đều đã được khoanh vùng

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành

"Thực chất là mở rộng việc xét nghiệm ra các đối tượng nghi vấn, có khả năng lây nhiễm cao thay vì chỉ xét nghiệm F1 như hướng dẫn của Bộ Y tế", lãnh đạo tỉnh chia sẻ.

Trả lời câu hỏi của Zing về kết quả bước đầu trong công tác phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết thành công chiến lược của tỉnh là truy được nguồn gốc của tất cả trường hợp F0.

"Số ca có thể tăng lên rất nhanh, nhưng chúng tôi có thể yên tâm vì các ca này đều đã được khoanh vùng, cách ly theo chiến lược đánh chặn. Một số tỉnh có ca F0 mà không biết nguồn gốc từ đâu", ông Thành nhận định.

Hiện, tất cả 33 ca mắc Covid-19 được công bố tại Vĩnh Phúc đều liên quan đến các địa điểm mà đoàn chuyên gia Trung Quốc từng đi qua gồm bar Sunny, quán massage Hoa Sen và công ty Vinatop.

Giải bài toán bệnh viện

Trong 7 ngày đối đầu với dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp nhận tin xấu từ các bệnh viện hàng đầu của tỉnh.

0h ngày 3/5, Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên bị phong tỏa sau khi phát hiện 14 nhân viên y tế từng đến quán bar Sunny, trong đó có một người đã dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh viện dã chiến Vĩnh Phúc được xây dựng và vận hành từ đợt dịch Covid-19 năm 2020, nay được kích hoạt trở lại. Ảnh: Ngọc Tân.

Chiều 6/5, đến lượt Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc phải phong tỏa 4 khoa vì để một bệnh nhi mắc Covid-19 lọt vào viện.

Hai bệnh viện được Chủ tịch tỉnh gọi là "2 quả đấm thép trong ngành y tế tỉnh" đã bị Covid-19 xâm nhập. Ông Thành phải chỉ đạo tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh mở rộng công suất tối đa để gánh lượng bệnh nhân cho các bệnh viện bị phong tỏa.

Đến ngày 8/5, thêm Bệnh viện Y dược cổ truyền Vĩnh Phúc cũng phải phong tỏa sau khi phát hiện một F0 từng đến bệnh viện, khiến nhiều y bác sĩ và bệnh nhân trở thành F1, F2.

Ngoài 3 bệnh viện của tỉnh bị phong tỏa, theo ông Thành, việc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tại Kim Chung (Đông Anh) trở thành ổ dịch vào ngày 5/5 cũng là tin xấu với Vĩnh Phúc, bởi trước đó hầu hết ca F0 của tỉnh đều được đưa đến bệnh viện này.

Chiều 7/5, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định kích hoạt Bệnh viện dã chiến của tỉnh và bắt đầu đón F0 vào điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tính đến chiều 9/5, bệnh viện dã chiến đã đón hơn 50 bệnh nhân F0 và nghi ngờ F0 vào điều trị.

"Hiện, một đoàn chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã đến bệnh viện dã chiến để chuyển giao công nghệ và hỗ trợ điều trị Covid-19", ông Thành cho biết.

"Cực chẳng đã mới phải đình chỉ cán bộ"

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tỉnh đang phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

"Coi như là địa phương có chiến tranh, không còn phân biệt đơn vị, tất cả đều phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo chỉ ngồi ở nhà, hoặc xuống địa phương bảo 'tăng cường lên nhé, quyết tâm lên nhé' xong về là không được", Chủ tịch tỉnh chia sẻ.

Cực chẳng đã, trong điều kiện nhà có việc thì phải thực hiện tính nghiêm túc trong mệnh lệnh, ai không chấp hành đều bị xử lý

Ông Lê Duy Thành

Bên cạnh việc huy động tối đa nhân lực cho công tác chống dịch, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn ra quyết định đình chỉ nhiều cán bộ cấp cao do lơ là trong công việc.

Theo ông Thành, chiến thuật của tỉnh là quy trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm. Đã phân công thì phải làm. Không cho phép chậm trễ, không cho phép sai sót. Việc đình chỉ, cách chức không phải là mục tiêu, nhưng trong thời điểm này phải làm để làm gương.

Một cán bộ cấp phường tại Vĩnh Phúc đã bị đình chỉ vì không đảm bảo chốt phòng dịch tại địa phương, khi được gọi điện thoại thì không nghe máy. Ảnh minh họa: Ngọc Tân.

"Cực chẳng đã, trong điều kiện nhà có việc thì phải thực hiện tính nghiêm túc trong mệnh lệnh, ai không chấp hành đều bị xử lý, bước một là đình chỉ", ông Thành khẳng định.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đình chỉ công tác 7 cán bộ, trong đó Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Lập là cán bộ cấp cao nhất của Vĩnh Phúc bị đình chỉ vì mắc khuyết điểm trong phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ông Lập, 6 cán bộ khác đã bị đình chỉ là một chủ tịch huyện, một chủ tịch phường, 2 trưởng công an phường, 2 cán bộ cơ sở. Nguyên nhân là lơ là trách nhiệm trong việc phòng chống dịch Covid-19.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết người thay thế vai trò lãnh đạo Sở Y tế của ông Lập là ông Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Người thay thế Chủ tịch UBND huyện Bình xuyên là Bí thư Huyện ủy.

"Người thay thế đương nhiên phải đáp ứng được nhiệm vụ, thời gian sẽ trả lời", Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.

Ngọc Tân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chu-tich-vinh-phuc-thanh-qua-lon-nhat-den-nay-la-chua-mat-dau-f0-post1213467.html