Chủ tịch VSD: Sắp tới, cho phép thị trường cơ sở chỉ cần ký quỹ 10-20% như phái sinh

'Tôi xin đảm bảo, sau khi hệ thống CCP của VSD đi vào vận hành, trên nền tảng công nghệ mới, sẽ cho phép chúng ta không còn ký quỹ 100% khi giao dịch trên thị trường cơ sở nữa mà chỉ cần ký quỹ 10-20% như thị trường chứng khoán phái sinh', Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn khẳng định.

Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn

Chủ tịch VSD Nguyễn Sơn

Chia sẻ tại tọa đàm Ký ức và kỳ vọng: Kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết hiện VSD đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin mới nên sắp tới, sẽ có nền tảng mới để đưa vào vận hành các sản phẩm mới trên thị trường, cũng như cho phép rút ngắn một số cơ chế hoạt động đã xây dựng pháp lý trước đây nhưng bị vướng nền tảng hạ tầng công nghệ.

"Chúng ta bàn đi bàn lại mãi về giao dịch trong ngày (day trading), về rút ngắn chu kỳ thanh toán, về giảm tỷ trọng ký quỹ (pre-funding). Hiện nay, chúng ta phải ký quỹ 100%. Tôi xin đảm bảo, sau khi hệ thống CCP của VSD đi vào vận hành, trên nền tảng công nghệ mới, sẽ cho phép chúng ta không còn ký quỹ 100% khi giao dịch thị trường cơ sở nữa mà chỉ cần ký quỹ 10-20% như thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là câu chuyện bị đọng mãi khi bàn đến nâng hạng thị trường", Chủ tịch VSD cho hay.

Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) là một cơ chế hoạt động của trung tâm thanh toán bù trừ (Clearing House), trong đó CCP đóng vai trò là một chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, CCP xen vào giao dịch giữa các bên thông qua cơ chế thế vị để trở thành người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán.

Ông Nguyễn Sơn nhấn mạnh việc triển khai những cơ chế mới cần thêm một số ràng buộc chi tiết nữa, đặc biệt là sự hợp tác từ phía các thành viên thị trường để lựa chọn các công ty chứng khoán, lựa chọn các mã chứng khoán phù hợp, cùng với đó, xử lý tất cả vấn đề liên quan để cho phép day trading có thể vận hành được.

"Cũng giống như margin chứng khoán, giống như sản phẩm chứng quyền, chúng ta cũng phải có những ràng buộc nhất định, những loại công ty chứng khoán nhất định, loại mã chứng khoán nhất định để hoàn thiện các cơ chế đó, bởi rủi ro rơi toàn bộ về VSD. Vì CCP là bên bán của mọi bên mua và bên mua của mọi bên bán. Chẳng hạn, rủi ro liên quan đến phần không ký quỹ sẽ rơi vào VSD", ông Sơn bày tỏ.

Chủ tịch VSD cho biết cơ quan này đang cùng với Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định thành lập Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam theo Luật Chứng khoán mới, hoạt động từ năm 2021. Đồng thời sẽ cấp vốn cho VSD lập công ty con là CCP, cấp cho công ty này một lượng tài sản để tự chịu rủi ro theo quy luật của thị trường.

"Chúng tôi cũng đã mời tất cả thành viên thị trường, công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký nước ngoài... để có những chia sẻ về hệ thống lõi, về cơ chế để họ có sự chuẩn bị, đảm bảo khi vận hành hệ thống mới, khi thị trường sẵn sàng, sẽ báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính để cho phép vận hành cơ chế mới", Chủ tịch VSD thông tin.

Theo ông Sơn, mục tiêu đặt ra là vận hành cơ chế mới để hỗ trợ thanh khoản thị trường nhưng vẫn phải đảm bảo phòng tránh các rủi ro. Ông nhấn mạnh rằng giữ cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định và bền vững là điều quan trọng nhất.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI: Cần các giải pháp để chuyển tiền tiết kiệm trong dân sang tài khoản chứng khoán

Phát triển thị trường chứng khoán phải xác định được đối tượng cần được bảo vệ. Những người nào không chủ động được hành vi của mình là những đối tượng cần được bảo vệ nhất. Theo tôi, đó là các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Bảo vệ ở đây không có nghĩa là "dắt tay chỉ việc" mà là đưa ra những chuẩn mực nhất định để công bố thông tin một cách minh bạch.

Chúng ta đang nói nhiều đến chuyện kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài nhưng quan trọng nhất là chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm của người dân vào thị trường chứng khoán. Đấy mới là kênh huy động vốn chính cho thị trường. Còn nhà đầu tư nước ngoài vào rồi cũng ra, đặc biệt là các quỹ ETF, họ đổ tiền vào thị trường nhưng họ cũng rút rất nhanh.

Chỉ khi chuyển được tiền từ tài khoản tiết kiệm sang tài khoản chứng khoán thì thị trường chứng khoán mới thực sự bền vững, thực sự lành mạnh và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Điều này cần các giải pháp từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Thanh Long

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chu-tich-vsd-sap-toi-cho-phep-thi-truong-co-so-chi-can-ky-quy-10-20-nhu-phai-sinh-20180504224241640.htm