Chủ tịch xã bị kiện vì đuổi luật sư ra khỏi phòng

Chủ tịch xã đã xin lỗi trực tiếp với tư cách cá nhân nhưng luật sư không chịu mà yêu cầu phải xin lỗi công khai bằng văn bản với tư cách chủ tịch xã.

Viện trưởng VKSND tỉnh Khánh Hòa vừa kháng nghị bản án hành chính sơ thẩm của TAND TP Cam Ranh vụ luật sư (LS) Huỳnh Văn Thành (Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa) yêu cầu ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, TP Cam Ranh phải xin lỗi công khai vì có hành vi cản trở hoạt động nghề LS do đã đuổi ông ra khỏi phòng làm việc.

Trước đó, TAND cấp sơ thẩm đã thụ lý và xét xử vụ kiện theo thủ tục hành chính, cụ thể là khiếu kiện hành vi hành chính của ông chủ tịch xã. Tuy nhiên, kháng nghị cho rằng xác định như vậy là vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, đề nghị hủy án, giao hồ sơ cho tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết lại theo thủ tục tố tụng dân sự.

Không chào lại mà còn bị đuổi?

Theo hồ sơ, ngày 23-10-2017, ông Ân ký giấy mời ông Phan Thông đến UBND xã vào sáng hôm sau liên quan đến việc ông Thông xây dựng có giấy phép hay không. Trước khi đến làm việc, ông Thông đã làm thủ tục mời LS Thành tham gia bảo vệ quyền lợi cho ông.

Sáng hôm sau, ông Thông cùng LS Thành đến làm việc với UBND xã theo giấy mời. LS Thành đã trình với văn thư giấy mời của UBND xã, giấy giới thiệu của văn phòng LS. Khi vào phòng, ông chào hỏi ông Ân và đưa hồ sơ pháp lý tham gia với tư cách là LS. Ông Ân đã không chào lại, không xem hồ sơ pháp lý, không cho LS Thành làm việc và đuổi LS ra khỏi phòng làm việc trước sự chứng kiến của cán bộ tư pháp và địa chính xã. LS Thành đã ghi âm nội dung cuộc gặp này.

Sau đó LS Thành có đơn khiếu nại. Tại buổi làm việc ngày 28-11-2017 do phó chủ tịch UBND xã Cam Bình chủ trì, ông Ân đã xin lỗi nhưng LS Thành yêu cầu phải được trả lời khiếu nại và xin lỗi công khai. Do không nhận được các văn bản như yêu cầu nên LS Thành khởi kiện yêu cầu ông Ân phải có văn bản trả lời khiếu nại và xin lỗi công khai đối với ông vì đã có hành vi cản trở nghề LS của ông.

Ngày 29-3, TAND TP Cam Ranh thụ lý vụ án hành chính. Sau khi tòa thụ lý thì LS Thành nhận được quyết định giải quyết khiếu nại do ông Ân ký với tư cách là chủ tịch UBND xã. Theo quyết định, chủ tịch UBND xã mời ông Thành ra khỏi phòng làm việc vì không đúng đối tượng mà UBND xã mời làm việc. Vì thế việc này không phải là hành vi cản trở hoạt động nghề LS. Tuy nhiên, chủ tịch UBND xã mời ông Thành ra khỏi phòng làm việc với thái độ, cách giao tiếp chưa thực sự tế nhị, gây bức xúc cho ông Thành nên ông Ân đã xin lỗi tại cuộc họp sau đó.

Theo quyết định giải quyết khiếu nại thì đơn khiếu nại của LS Thành đúng một phần (về hành vi mời ông Thành ra khỏi phòng làm việc với thái độ chưa tế nhị, còn to tiếng). Theo đó, ông Ân phải có văn bản xin lỗi công khai gửi đến người khiếu nại và các cơ quan, tổ chức liên quan, đính kèm quyết định này là văn bản xin lỗi do ông Ân ký với tư cách cá nhân (không nhân danh chủ tịch xã).

LS Thành không đồng ý, cho rằng quyết định giải quyết khiếu nại và thư xin lỗi trên là hợp thức hóa, nhằm đối phó với vụ kiện. Vì thế ông giữ nguyên yêu cầu đề nghị tòa buộc ông Ân với tư cách là chủ tịch UBND xã Cam Bình phải có văn bản trả lời và xin lỗi công khai vì đã có hành vi cản trở hoạt động nghề LS.

Án dân sự mới đúng?

Tại phiên xử sơ thẩm vào ngày 23-8, ông Ân xác nhận có ký giấy mời ông Thông chứ không mời LS Thành nên hôm đó ông không xem xét những giấy tờ ông Thành xuất trình. Tại buổi làm việc ngày 28-11-2017, ông đã xin lỗi và sau đó cũng đã có công văn xin lỗi ông Thành. Nay ông không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông Thành vì với tư cách là chủ tịch UBND xã Cam Bình thì ông không có hành vi cản trở hoạt động nghề LS của ông Thành.

Cuối cùng, HĐXX sơ thẩm tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Thành về việc buộc chủ tịch UBND xã Cam Bình phải có văn bản công khai xin lỗi về hành vi cản trở hoạt động nghề LS.

Tuy nhiên, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã kháng nghị bản án này. Theo đó, tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Ân là người bị kiện trong vụ án là không đúng quy định khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2011 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Tòa sơ thẩm thụ lý vụ án hành chính về việc khiếu kiện hành vi hành chính nhưng không xác định rõ hành vi hành chính nào là đối tượng bị khởi kiện.

Do đó, trong phần quyết định của bản án sơ thẩm, tòa án tuyên xử: “Bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện về việc buộc chủ tịch UBND xã Cam Bình phải công khai xin lỗi về hành vi cản trở hoạt động nghề LS của ông Thành” là không đúng khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính 2015. Việc có buộc chủ tịch UBND phải công khai xin lỗi hay không phải là hệ quả phát sinh trực tiếp từ hành vi hành chính của chủ tịch UBND. Tòa án sơ thẩm không tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Thành về việc tuyên bố hành vi hành chính nào là trái pháp luật. Tòa lại tuyên bác yêu cầu khởi kiện về việc buộc chủ tịch UBND xã Cam Bình phải có văn bản công khai xin lỗi về hành vi cản trở hoạt động hành nghề LS là không đúng.

Ông Thành yêu cầu buộc chủ tịch UBND xã phải có văn bản trả lời khiếu nại và công khai xin lỗi đối với ông. Tòa án cũng xác định quan hệ tranh chấp là ông Thành yêu cầu ông Ân phải có văn bản trả lời và xin lỗi công khai nhưng lại thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng hành chính là vi phạm các quy định tại Điều 11 và Điều 14 BLDS 2015. Theo đó, vụ án cần được giải quyết lại theo thủ tục tố tụng dân sự.

Luật sư được làm đại diện ngoài tố tụng

1. Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người liên quan…

2. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ của nguyên đơn, bị đơn, người liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính…

3. Thực hiện tư vấn pháp luật.

4. Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.

5. Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của luật này.

(Trích Điều 22 Luật LS)

ĐẠI HƯNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/chu-tich-xa-bi-kien-vi-duoi-luat-su-ra-khoi-phong-796727.html