Chủ tịch Xây dựng Coteccons: Giá cổ phiếu CTD hiện chưa phản ánh đúng giá trị và tiềm năng

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Chủ tịch Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD) cho biết thị giá cổ phiếu hiện tại chưa phản ánh đúng giá trị và tiềm năng của công ty. Tính đến cuối quý 2/2023, Xây dựng Coteccons có lượng backlog lên tới hơn 20.000 tỷ đồng.

Lãi ròng nửa đầu năm nay tăng 960%, khối lượng backlog đạt hơn 20.000 tỷ

Lượng backlog tính đến cuối tháng 6/2023 của Xây dựng Coteccons đạt khoảng 20.000 tỷ đồng.

Chiều ngày 17/10, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD - sàn HoSE) vừa tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 theo hình thức trực tuyến.

Xây dựng Coteccons thực hiện thay đổi năm tài chính kể từ năm 2023, theo đó năm tài chính 2023 trở thành năm tài chính chuyển đổi, bắt đầu từ ngày 01/01/2023 và kết thúc vào 30/06/2023.

Vì vậy, báo cáo của Hội đồng Quản trị (HĐQT) tại Đại hội lần này là kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch hoạt động trong năm tài chính 2024 (từ 01/07/2023 đến 30/06/2024).

Trong 6 tháng đầu năm nay, Xây dựng Coteccons ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 7.744 tỷ đồng và lãi ròng hợp nhất đạt 53 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 960% so với cùng kỳ năm 2022. Khối lượng công việc còn tồn đọng (backlog) tính đến thời điểm cuối tháng 6/2023 của doanh nghiệp này lên tới 20.000 tỷ đồng, bằng 1,37 lần tổng doanh thu xây dựng trong năm 2022.

Đáng chú ý, lượng backlog hiện tại của Xây dựng Coteccons đang sát với lượng công việc thực tế doanh nghiệp nay đang triển khai hơn do được tính theo giá trị hợp đồng ký kết thay vì cộng cả giá trị các biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) như một số doanh nghiệp cùng ngành khác.

(Nguồn: Xây dựng Coteccons, FPTS)

Tại Đại hội, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Xây dựng Coteccons nhận định, sau giai đoạn khó khăn 2020 - 2021, doanh nghiệp đã thực hiện tái cấu trúc cả về kinh doanh và tài chính và bắt đầu có tín hiệu tốt khi tổng giá trị hợp đồng ký mới và doanh thu năm 2022 đạt lần lượt 25.000 tỷ đồng và 14.517 tỷ đồng, tăng tới 60% so với năm 2021. Đáng chú ý, doanh nghiệp đã đạt được gói thầu xây dựng mega-project Nhà máy LEGO cho Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) tại Bình Dương. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng và giá trị thực hiện xây dựng giai đoạn 1 ước đạt 8.300 tỷ đồng.

Trong năm tài chính 2024, Xây dựng Coteccons đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 17.793 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 274 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu CTD hiện chưa phản ánh đúng giá trị và tiềm năng?

Trả lời câu hỏi của cổ đông về triển vọng kinh doanh thời gian tới, ông Bolat Duisenov bày tỏ mong muốn cổ đông hãy kiên trì và nhìn vào triển vọng kinh doanh dài hạn của Xây dựng Coteccons khi những nguồn doanh thu từ các mảng khác như phân khúc nhà ở, công nghiệp… kỳ vọng sẽ tăng trở lại khi các điều kiện thị trường chuyển biến tích cực hơn.

"Chúng tôi đang xây nhà máy cho LEGO, chúng tôi học được rất nhiều từ khách hàng này. Chúng tôi có tới 240 kỹ sư đang làm việc trực tiếp với LEGO, và LEGO là 1 khách hàng dạy chúng tôi mỗi ngày. Tôi rất tự hào bởi vì bây giờ trong dự án này chúng ta đang nâng tầm tới 240 kỹ sư và sau khi hoàn thành dự án này chắc chắn những người này đã ở tầm quốc tế và họ có thể quản lý những dự án khác ngoài Việt Nam”, Chủ tịch Xây dựng Coteccons chia sẻ.

Ông Bolat Duisenov tự tin nhận định nếu so sánh với các đối thủ khác trong ngành xây dựng nói riêng, lĩnh vực bất động sản nói chung thì Xây dựng Coteccons đang ở mức rất tốt về tiềm năng phát triển và quản trị rủi ro tài chính. Theo đó, Xây dựng Coteccons có đầy đủ sự sẵn sàng về năng lực để đón đầu những cơ hội sắp tới.

Tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu (D/E) và số ngày chuyển đổi tiền mặt của Xây dựng Coteccons đang vượt trội so với mặt bằng chung ngành xây dựng. (Nguồn: FPTS)

Thực tế dữ liệu quá khứ cho thấy, Xây dựng Coteccons luôn duy trì được các chỉ số tài chính ở mức ăn toàn nhờ sở hữu lượng tiền mặt lớn và tỷ lệ nợ vay thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung toàn ngành. Đáng chú ý, sau năm 2022 ghi nhận dòng tiền âm kỷ lục (-1.627 tỷ đồng), doanh nghiệp này đã ghi nhận dòng tiền dương trở lại (+931 tỷ đồng) nhờ được áp dụng theo hình thức bao thanh toán. Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, nghiệp vụ bao thanh toán chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có năng lực triển khai dự án tốt do đặc thù ngành xây dựng cạnh tranh gay gắt và nhà thầu bị chiếm dụng vốn trầm trọng.

Đáng chú ý, ông Bolat Duisenov cho rằng thị giá hiện tại của cổ phiếu CTD chưa phản ánh đúng năng lực và tiềm năng phát triển của Xây dựng Coteccons.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu CTD của Xây dựng Coteccons từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vinaconex (VCG): Đánh đổi lợi nhuận để tăng trưởng doanh thu" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

"Giá cổ phiếu CTD hiện ở khoảng 50.000 - 60.000/đơn vị, tôi thấy hoàn toàn chưa phản ánh đúng giá trị và thị trường đang nhìn nhận chưa đầy đủ về công ty. Giá cổ phiếu đang được quyết định, tính toán bởi những cách rất truyền thống, những con số trước mắt. Nhưng nếu nhìn sâu sắc hơn về chất lượng của công ty, về năng lực, khả năng hợp tác trong kinh doanh, về tham vọng và những mục tiêu rất cao mà công ty đang đề ra thì chắc chắn giá cổ phiếu phải cao hơn hiện tại", ông Bolat Duisenov cho biết.

Theo đánh giá gần đây của hãng chứng khoán FPTS, mức tăng trưởng doanh thu và khối lượng công việc của Xây dựng Coteccons đang ở mức cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng, chủ yếu do lượng backlog đến từ các khách hàng có nền tảng tài chính tốt, ít chịu ảnh hưởng bởi cú sốc trái phiếu trên thị trường bất động sản thời gian qua như Vingroup, Ecopark…

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 17/10, cổ phiếu CTD đạt 51.200 đồng/cổ phiếu, tăng 107% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chu-tich-xay-dung-coteccons-gia-co-phieu-ctd-hien-chua-phan-anh-dung-gia-tri-va-tiem-nang-112475.htm