Chữ tín ở đâu?

Dù đạt con số giao dịch khủng, nếu không giữ chữ tín khi bán hàng chính hãng dịp Black Friday, khủng hoảng sẽ tự tìm đến.

Thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới cho thấy, năm 2018 thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30%. Nếu năm 2015, thương mại điện tử ở Việt Nam mới ở mức xấp xỉ 4 tỷ USD.

Sau 3 năm, báo cáo e-Conomy SEA của Google và Temasek thống kê quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã lên tới 9 tỷ USD, tương đương gần 230 nghìn tỷ đồng và bằng 5% GDP cả nước.

Thương mại điện tử ở Việt Nam cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trung bình năm trên 25%. Thị trường sẽ đạt tới con số 33 tỷ USD vào năm 2025 và Việt Nam sẽ là nước có thương mại điện tử lớn thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

Những ngày này, Black Friday hay còn gọi ‘Online Friday - Ngày mua sắm trực tuyến quốc gia’ bước sang năm thứ 6 với những con số lạc quan cho bất cứ doanh nghiệp nào. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương dự báo tổng giá trị đơn hàng toàn thị trường sẽ đạt hơn 2.500 tỷ đồng trong ngày mua sắm điên cuồng này.

Kỳ vọng này hoàn toàn có thể đạt được khi cùng kỳ năm ngoái, chỉ trong 24 giờ tổ chức chương trình, đã có hơn 27.000 mặt hàng, sản phẩm chính hãng, 1,8 triệu đơn hàng từ 25 triệu lượt tương tác với tổng giá trị giao dịch hàng hóa đạt trên 2 nghìn tỷ đồng được chốt.

Ở khía cạnh người tiêu dùng, dân săn hàng sale cũng háo hức với việc nhanh tay chốt đơn sở hữu hàng nghìn sản phẩm giá siêu rẻ trong Ngày thứ Sáu mua sắm năm nay. Nhưng bên cạnh những con số lạc quan, báo cáo của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho thấy, dù đánh giá cao việc mua hàng qua mạng nhưng có hơn 70% người được khảo sát quan ngại sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo.

Nhiều vấn đề khác với thương mại điện tử cũng được chỉ đích danh: Giá cả không rẻ hơn khi mua ngoài cửa hàng trong khi đã được khuyến mãi; mua hàng ở cửa hàng dễ và nhanh gọn hơn; người tiêu dùng chưa có thẻ ngân hàng để thanh toán; cách thức mua hàng qua mạng vẫn phức tạp với nhiều người…

Nhưng đáng lo nhất, thông tin cá nhân bị rò rỉ đang là cảnh báo cho hầu hết các tín đồ mua sắm trên mạng. Đặc biệt sự cố lộ 2 triệu thông tin khách hàng của một ngân hàng thương mại cổ phần mới đây, rủi ro về việc an toàn giao dịch trên mạng là điều cần lưu ý.

Điểm nhấn năm nay, ban tổ chức cam kết, Black Friday-Online Friday chú trọng mục tiêu mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm giảm giá chất lượng cao và có nguồn gốc rõ ràng. Toàn bộ hàng hóa của doanh nghiệp sẽ bị loại nếu phát hiện hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Dù doanh nghiệp buộc phải ký cam kết nhưng thực tế sẽ kiểm duyệt hàng hóa của tất các các doanh nghiệp tham gia chương trình như thế nào để đảm bảo không để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng hóa gian lận xuất xứ đang là thách thức lớn cho nhà tổ chức.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, dù đạt con số giao dịch khủng, nếu không giữ chữ tín khi bán hàng chính hãng dịp này, khủng hoảng sẽ tự tìm đến.

Lời cảnh báo không thừa khi những trường hợp lừa người tiêu dùng như Khải Silk, mới đây nhất là nghi án của Asanzo, đang ngày càng xói mòn lòng tin của người tiêu dùng Việt.

P.T

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/chu-tin-o-dau-1492300.tpo